Cuộc chiến thương mại leo thang: Mỹ hay Trung Quốc sẽ “ngấm đòn”?
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề hội nghị G20 tại Nhật Bản hồi tháng 6 (Ảnh: Getty) |
Trung Quốc tỏ ra coi nhẹ động thái leo thang mới nhất của Tổng thống Donald Trump trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Truyền thông nhà nước Trung Quốc thể hiện tín hiệu cho thấy chính phủ nước này sẵn sàng đương đầu với những xáo trộn về kinh tế, khi triển vọng giải quyết cuộc đối đầu căng thẳng với Mỹ chưa có nhiều tiến triển.
Mỹ đã đánh thuế 15% đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc, từ giầy dép, quần áo, hàng may mặc cho tới một số sản phẩm công nghệ như đồng hồ Apple Watch. Một đợt áp thuế khác đối với khoảng 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bao gồm máy tính xách tay và điện thoại di động, sẽ bị áp thuế 15% từ ngày 15/12. Tổng thống Trump đã hoãn áp thuế một phần hàng hóa để tránh tác động đối với người tiêu dùng Mỹ trong dịp mua sắm cuối năm.
Kể từ khi chính quyền Trump thông báo áp thuế đối với gần 110 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào tuần trước, các bài xã luận và bình luận trên truyền thông nhà nước Trung Quốc tập trung phân tích những tác động đối với chính người tiêu dùng Mỹ khi hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc bị áp thuế cao.
Vào cuối ngày 1/9, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra tuyên bố, cam kết tăng cường sự hỗ trợ về kinh tế nếu cần thiết.
Giới chức Trung Quốc hiện vẫn chưa đưa ra tín hiệu rõ ràng về việc họ sẽ thông qua một kế hoạch cho cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ tại Washington trong tháng này. Cuộc đàm phán này đã được lên kế hoạch từ trước khi hai nước bắt đầu đợt áp thuế bổ sung mới.
“Đã đến lúc chính quyền Mỹ cần xem xét lại những suy nghĩ tiêu cực về các động thái chống lại Trung Quốc. Hợp tác để đạt được một thỏa thuận thương mại sẽ là cách tiếp cận hiệu quả hơn”, bài xã luận trên China Daily cho biết.
Bài xã luận đăng trên Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận định đợt áp thuế mới vào cuối tuần trước là “bước ngoặt trong cuộc chiến thương mại” với Mỹ. Bài xã luận cho rằng việc áp thuế đối với các hàng hóa tiêu dùng hàng ngày đã ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng Mỹ, đồng thời cho thấy Washington gần như không còn cách nào khác.
“Nền kinh tế Mỹ không thể duy trì được sự thịnh vượng bề nổi và đang đối mặt với nguy cơ suy giảm mạnh hơn. Chính quyền Trump đã tự bắn vào chân người Mỹ. Khi ngày càng nhiều người Mỹ cảm nhận được sự đau đớn, có thể đó là lúc Washington tìm lại lẽ phải”, bài xã luận trên Thời báo Hoàn cầu viết.
Trung Quốc nhiều lần chỉ trích chiến thuật gây sức ép của Mỹ, đồng thời tỏ dấu hiệu cho thấy giới chức nước này sẵn sàng đối mặt với cuộc đối đầu kéo dài với Washington.
“Sự quyết tâm của Trung Quốc trong việc chiến đấu với những kẻ gây chiến kinh tế từ Mỹ sẽ càng mạnh mẽ hơn, và các biện pháp đáp trả của Trung Quốc sẽ càng kiên quyết, thận trọng và có mục tiêu hơn”, bài bình luận trên Tân Hoa Xã nhấn mạnh.
Mỹ sẽ bị thiệt hại?
Mặc dù chính quyền Trump đã bác bỏ những lo ngại về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, song các nhóm doanh nghiệp vẫn kêu gọi đình chiến và nối lại các cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Phát biểu trước các phóng viên hôm qua 1/9, Tổng thống Trump cho biết cuộc gặp giữa các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc, dự kiến diễn ra tại Washington trong tháng này, sẽ vẫn được xúc tiến.
Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố rằng Trung Quốc là bên phải trả tiền sau khi bị Mỹ áp thuế.
Ngày 3/8, ông Trump tuyên bố Trung Quốc đang phải trả cho Mỹ hàng chục tỷ USD, trong khi người tiêu dùng Mỹ không phải trả gì cả và cũng không có lạm phát.
Trước đó, sau khi thông báo sẽ áp thuế bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc hôm 1/8, ông Trump khẳng định đợt áp thuế mới cũng không khiến người tiêu dùng Mỹ bị thiệt hại, mà Trung Quốc mới là bên mất mát.
Tuy vậy, nhiều công ty và nhà kinh tế nhận định các nhà nhập khẩu Mỹ mới là bên phải gánh các khoản chi phí đó, và một phần được chuyển sang người tiêu dùng Mỹ.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ hồi tháng 8 dự đoán, tới năm 2020, đòn thuế quan của Tổng thống Trump và cuộc chiến thương mại sẽ làm giảm GDP của Mỹ khoảng 0,3% và giảm thu nhập bình quân hộ gia đình khoảng 580 USD.
Báo cáo của JP Morgan Chase gần đây ước tính, đợt áp thuế mới nhất của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc đã gây thiệt hại bình quân 1.000 USD/năm cho mỗi hộ gia đình Mỹ, tăng so với mức 600 USD/năm trong đợt áp thuế năm ngoái.
Cuộc chiến thuế quan của Mỹ và Trung Quốc cũng gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 7 đã dự báo mức tăng trưởng sụt giảm của nền kinh tế toàn cầu.
Đòn áp thuế trả đũa của Trung Quốc nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9. Khoảng 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ sẽ bị áp mức thuế bổ sung theo từng giai đoạn.
Với đòn thuế quan này, Trung Quốc đã nhắm mục tiêu tấn công tới nhóm ủng hộ chính trị của Tổng thống Trump, bao gồm các nhà máy, nông trại ở khu vực miền trung tây và nam Mỹ, đúng vào thời điểm nền kinh tế Mỹ đang có những dấu hiệu chững lại. Điều này có thể gây bất lợi cho ông Trump trước thềm cuộc đua tái tranh cử vào năm sau.
Gary Shapiro, chủ tịch Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng Mỹ, nhận định cách tiếp cận của chính quyền Trump trong việc sử dụng thuế quan để gây sức ép với Trung Quốc nhằm đạt được một thỏa thuận đã phản tác dụng.
“Các công ty Mỹ sẽ phải chi nhiều hơn cho các nguồn lực để thích ứng với các quy định thương mại thay đổi liên tục, trong khi giảm bớt chi tiêu cho các hoạt động cải tiến, các sản phẩm mới và sự phát triển của nền kinh tế. Đây không phải là cách để đạt được một thỏa thuận thương mại có ý nghĩa”, chuyên gia Shapiro nhận định.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 21/10: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
-
Giá khí đốt châu Âu tăng cao khi Israel chuẩn bị trả đũa sau cuộc tấn công
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới ổn định ngày đầu tuần
-
Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Còn nhiều bất cập
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần