Cuộc chiến giành giật châu Á giữa Mỹ và Trung Quốc (Kỳ cuối)
>> Cuộc chiến giành giật châu Á giữa Mỹ và Trung Quốc (Kỳ 3)
>> Cuộc chiến giành giật châu Á giữa Mỹ và Trung Quốc (Kỳ 2)
>> Cuộc chiến giành giật châu Á giữa Mỹ và Trung Quốc (Kỳ 1)
Kỳ cuối: Ai sẽ thắng ai?
Trò chơi đấu trí
Giáo sư Diêm Học Thông thuộc Đại học Thanh Hoa (một trong những chuyên gia quan hệ quốc tế lừng lẫy Trung Quốc, lấy bằng tiến sĩ chính trị Đại học California Berkeley, từng được chuyên san Mỹ Foreign Policy chọn vào danh sách 100 nhà trí thức hàng đầu thế giới) nhận định rằng, Trung Quốc cuối cùng rồi sẽ nổi trội hẳn ở trung tâm của một trật tự khu vực mới.
Trong đó tất cả các nước Đông Á không còn chọn lựa nào khác là phải chấp nhận sự lãnh đạo Trung Quốc; Nhật có thể sẽ đứng ngoài cái trật tự mới này nhưng rồi “đến lúc nào đó khi mà câu lạc bộ Trung Quốc bắt đầu ngày càng lớn mạnh thì Nhật cũng phải nhảy vào”.
Theo cách nói của họ Diêm, có thể thấy rằng, trong bối cảnh trên - được nhìn như một thực tế xảy ra không sớm thì chầy, trục các quốc gia đồng minh của Mỹ tại khu vực hoặc sẽ ngưng tồn tại hoặc sẽ bị hút sạch sinh lực trong cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc.
Tương tự, năm 2007, Giáo sư Thời Ân Hoằng cũng dự phỏng rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục lớn mạnh, Mỹ sẽ “có khuynh hướng rõ hơn việc cân nhắc lại hoặc thậm chí chấp nhận thuận theo một giải pháp cuối cùng mang tính hòa bình, đồng thời Mỹ cũng nhận thức rõ một sự phân biệt về sự cân bằng quyền lực và ảnh hưởng ở những khu vực địa lý khác nhau”; trong đó, Washington sẽ phải chấp nhận “vị thế lãnh đạo” của Trung Quốc, xét về ảnh hưởng tổng thể chính trị, kinh tế lẫn ngoại giao tại châu Á”, cũng như (chấp nhận sự thật về) “sự tương đồng quân sự và thậm chí nhỉnh hơn Mỹ khi xét đến các khu vực duyên hải”…
Khước từ chính sách “ẩn mình” thời Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc liên tục phô diễn sức mạnh quân sự
Theo cách nói của hai nhà chính trị học tên tuổi trên, xem ra Mỹ gần như không có “cửa” thắng Trung Quốc, chi bằng sớm biết điều “qui thuận” và chấp nhận một thực tế bất khả từ. Sự tự tin Trung Quốc còn thể hiện ở một câu chuyện được Đô đốc Timothy Keating (nguyên tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ) thuật vào tháng 3/2008 trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ.
Keating kể, trong một cuộc gặp, một đô đốc Trung Quốc đã đề nghị nên vẽ một lằn ranh chia đôi Thái Bình Dương, trong đó “các anh có thể giữ phần phía đông Thái Bình Dương, từ Hawaii đến duyên hải Mỹ. Chúng tôi thì giữ phần phía Tây Thái Bình Dương, từ Hawaii đến duyên hải Trung Quốc”. Tất nhiên tay đô đốc Trung Quốc chỉ nói đùa nhưng điều đó cũng cho thấy phần nào cái hàm ý về sức mạnh và sự ảnh hưởng Trung Quốc mà Mỹ khó có thể chống lại. Nó cũng cho thấy một ngụ ý rằng, nếu “anh” tử tế thì “tôi” còn rộng lượng chia phần, còn không thì mất trắng!
Một thập niên qua, sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên công khai, lắm lúc đôi bên chẳng cần giữ kẽ hay tế nhị trong ngôn từ. Cả hai đều nhận thức rõ rằng họ đang thật sự là đối thủ của nhau. Một mất một còn. Rừng không thể có hai cọp! Khi Mỹ thể hiện rõ quyết tâm hiện diện châu Á để khống chế sức mạnh Trung Quốc thì Trung Quốc cùng lúc cũng trở nên hung hãn hơn trong tư thế của con chó dữ sẵn sàng tấn công kẻ lạ lăm le vào nhà mình (và cả những nhà hàng xóm mà mình đang muốn thể hiện vai trò của một tay anh chị “bảo kê”)!
Họ cố “đọc” được những nước cờ tiếp theo của đối thủ. Ai đang thắng trong cuộc đọ sức này? Nói cách khác, ai đang tiến đến gần hơn đến việc đạt được những mục tiêu chiến lược mà mình phác thảo? Hãy còn quá sớm để có thể chủ quan kết luận ai đang thắng ai trong cuộc tranh giành này. Ở vài trận địa, phần thắng có vẻ nghiêng về Trung Quốc. Vài trận địa khác, Trung Quốc đang ấm ức nhìn Mỹ chơi trội hơn họ.
Bởi tính chất cuộc đấu là giành giật ảnh hưởng nên trước mắt cả hai đều chơi trò đấu trí trong việc “dụ dỗ” lôi kéo đồng minh. Nói theo ngôn ngữ hình tượng là “móc toa”. Ai móc được nhiều toa hơn thì khả năng giành chiến thắng cao hơn. Tuy nhiên, yếu tố phức tạp của cuộc đấu dài hơi không chỉ nằm ở kỹ thuật chiêu dụ đồng minh mà còn ở sự chi phối của tính thời cuộc và cả sự thay đổi tư duy chính trị của giới lãnh đạo. Đó là lý do người ta thấy có khi “toa” này tưởng chừng đang được móc chặt vào đầu kéo Trung Quốc nhưng sau đó đột nhiên lại “tách ray” để móc vào chiếc đầu kéo Mỹ.
Trường hợp Myanmar là một ví dụ! Tổng quát, riêng trong cuộc đấu giành giật và xây dựng đồng minh, Mỹ rõ ràng đang thành công hơn Trung Quốc, xét về chiến lược lẫn chiến thuật. Một phần vì Trung Quốc đã “lộ hàng” quá sớm, phô diễn sức mạnh quá sớm, bày tỏ thái độ diều hâu hung hãn quá sớm - sớm hơn nhiều so với sức mạnh thật sự mà họ đang có. Cho nên, thay vì kết bạn được nhiều hơn - dù có lợi thế vượt trội Mỹ về ảnh hưởng kinh tế và đặc biệt là văn hóa đối với khu vực, Trung Quốc lại đang bị cô lập, bởi chính họ!
Hơn lúc nào hết, các nước châu Á đang nhìn Trung Quốc bằng cặp mắt nghi kỵ. Vào cuối nhiệm kỳ hai của George W. Bush (2008), các cuộc thăm dò ý kiến tại Hàn Quốc cho thấy, có đến 74% người được hỏi đã bày tỏ lo ngại về sự đe dọa quân sự Trung Quốc (một tỉ lệ còn cao hơn tại Mỹ, nơi có 70%)!
Vấn đề là ai biết cách “quản lý rủi ro” tốt hơn
Nói theo ngôn ngữ kinh doanh, bất cứ cuộc đầu tư nào cũng chứa đựng yếu tố rủi ro. Vấn đề là biết cách lượng định mức độ rủi ro và cách xử lý tình huống một khi rủi ro xảy ra. Với giới hoạch định, họ luôn kỳ vọng những điều tốt nhất trong khi cùng lúc phải biết chuẩn bị cho những gì xấu nhất. Điều xấu nhất ở đây là gì và yếu tố rủi ro nào, nếu không thể tránh khỏi, là sẽ đáng sợ nhất? Đó là chiến tranh! Liệu có khả năng xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc? Đâu là “tiền đề” để thần chiến tranh xuất hiện?
Như đã nói ở kỳ một, yếu tố ràng buộc kinh tế chưa chắc là điều khả dĩ giúp giải tỏa sự căng thẳng dẫn đến chiến tranh, một khi cả hai - hoặc một bên - nhận ra rằng mâu thuẫn và xung đột lợi ích bắt đầu trở nên nghiêm trọng đến mức quyền lợi quốc gia bị thiệt hại nặng nề và không còn con đường nào khác hơn là sự chọn lựa binh đao.
Trung Quốc liệu có thể “quản lý rủi ro” tốt khi liên tục thách thức Nhật tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư? (ảnh: một cuộc bám đuổi giữa tuần duyên Nhật và tàu Hải giám Trung Quốc ngày 14/9/2012)
Xét về tổng thể, Trung Quốc - dù dư dả tiền của và là chủ nợ khổng lồ của Mỹ - đang yếu hơn Mỹ rất nhiều. Họ có những vấn đề nội bộ và nhiều thách thức lớn hơn Mỹ vạn lần, ở thời điểm hiện tại cũng như lâu dài. Ở một nơi vẫn tồn tại hiện tượng “quốc phú, dân cùng”, đầy dẫy tham nhũng, nền tảng kỹ thuật yếu kém, trình độ khoa học thiếu sáng tạo nhưng thừa “chỉ số” ăn cắp, nguồn tài nguyên hiếm hoi nhưng dư thừa “khả năng” tàn phá môi trường… xã hội Trung Quốc đang sôi sục và tiềm ẩn nhiều bất ổn dẫn đến rạn vỡ và thậm chí tan nát. Khi mà chưa giải quyết được những khó khăn và khủng hoảng nội tại, Trung Quốc sẽ không đủ tỉnh táo phác thảo những kịch bản và kế hoạch lâu dài đối phó với Mỹ. Đây là một trong những điểm yếu sinh tử của Trung Quốc.
Trong khi đó, “bài” mà Trung Quốc áp dụng thường xuyên gần đây, quen đến mức thế giới đã “thuộc”, là mạo hiểm chuyển bớt “lửa” từ trong nước ra bên ngoài. Nó đã bộc lộ một tâm trạng bất lực hơn là thể hiện của một đòn thế khiến đối phương sợ hãi. Cái cách mà cứ bất kỳ khi nào tình hình trong nước rối ren thì Trung Quốc lại hung hăn với những động thái gây hấn khu vực chỉ mang lại bất lợi cho Trung Quốc về mặt đối ngoại và làm hỏng đại cục của Trung Quốc trong chính sách thôn tín châu Á. Mặt khác, nó lại vô tình giúp Mỹ lôi kéo thêm đồng minh.
Điều đáng nói nhất là sẽ rất khó cho Trung Quốc “quản lý rủi ro” trong chiến thuật “chuyển lửa” ra bên ngoài. Họ không thể dập tắt ngọn lửa này lại cùng lúc tạo ra một đám cháy khác! Trận hỏa hoạn trong nước (có thể xảy ra từ những dồn nén bất ổn xã hội), so với trận hỏa hoạn bên ngoài (có thể xảy ra từ thái độ hiếu chiến), trận nào sẽ kinh khủng hơn, đã lượng định và so sánh được hậu quả của hai trận hỏa hoạn chưa, trận hỏa hoạn nào mới là ngọn lửa thật sự làm cháy rụi căn nhà, mới là ngọn lửa đốt trụi quốc gia và xóa sổ chế độ?...
Điều đáng nói nữa từ cái “điều đáng nói” trên là khi mà Trung Quốc cuối cùng nhận ra rằng họ không đủ sức “quản lý rủi ro” nữa thì họ có thể có khuynh hướng chơi cú liều “được ăn cả, ngã về không”. Lúc đó, chiến tranh sẽ bùng nổ. Theo nhận định của hai phân tích gia Mark Burles và Abram Shulsky thuộc Viện Nghiên cứu chính sách RAND (Mỹ), Trung Quốc sẽ có khả năng đánh trước. Họ muốn tận dụng lợi thế của yếu tố bất ngờ. Điều mà Mark Burles và Abram Shulsky không diễn giải là tại sao yếu tố bất ngờ lại quan trọng đối với Trung Quốc. Đó là vì Trung Quốc hiểu rõ rằng, họ không thể địch lại Mỹ và “bầy sói” đồng minh của Mỹ xét ở mọi góc độ của chiến tranh qui ước. Chỉ bằng yếu tố bất ngờ mới có thể giúp họ có được lợi thế ở “hiệp một” so với đối phương...
Tất nhiên viễn cảnh chiến tranh không thể xảy ra chừng nào hai bên còn đủ tỉnh táo và kiên nhẫn để kiềm chế (và còn chưa hết “bài” để tiếp tục thức thâu đêm đánh đến tàn cuộc). Tuy nhiên, như đã nói, vấn đề tối quan trọng lúc này là ai đủ bản lĩnh để kiểm soát tình hình và đủ khả năng để “quản lý rủi ro” - những rủi ro không thể không tính đến và không thể không xảy ra, phát sinh từ những chiến lược tranh giành ảnh hưởng…
Ngọc Trí
-
Bài học Cách mạng Tháng Mười Nga trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Kỳ cuối: Ứng dụng thực tiễn của động cơ lượng tử
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga