“Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ VII): Ứng xử với dòng vốn đầu tư mới
Intel đã liên tục đầu tư mở nhà máy lắp ráp chip bán dẫn ở Việt Nam. |
Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến của nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực bán dẫn toàn cầu, như intel, Samsung, Nvidia, Hana Micron Vina, Amkor Technology… với những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp chip.
Đặc biệt, sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, trong đó hợp tác công nghệ là một trong những nội dụng trọng tâm, Việt Nam sẽ đón thêm nhiều nhà đầu tư trong chuỗi cung ứng công nghệ mới đến từ Mỹ và các đối tác, đồng minh của Mỹ.
Không những thế, trong môi trường “không muốn chậm chân” giữa các cường quốc như hiện nay, Việt Nam và Đông Nam Á cũng là nơi mà Trung Quốc, Nga sẽ tăng cường đầu tư để thắt chặt quan hệ, tận dụng các lợi thế mới nổi.
Đây có thể xem là làn sóng đầu tư thứ hai, sau cuộc đổ bộ lần thứ nhất diễn ra từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa từ thập niên 90. Lần này, liệu sự khác biệt có phải dòng vốn “sạch”, chất lượng cao?. Dĩ nhiên điều đó còn phụ thuộc vào việc Việt Nam tận dụng như thế nào.
Không có ngành công nghiệp nào không cần đến tài nguyên thiên nhiên, bất kể ngành công nghiệp ấy phục vụ cho tương lai kinh tế “xanh”, “sạch”. Công nghiệp bán dẫn gây áp lực lên 50 loại tài nguyên mới như đất hiếm, nikel, silic, lithium,…
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm nhiều thứ 2 thế giới, ước lượng khoảng 22 triệu tấn, là cơ sở đưa ra nhận định, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một “điểm sáng" lớn trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện với bài toán lớn khi thác tài nguyên thiên nhiên |
Nhưng trước mắt là bài toán khai thác hài hòa tài nguyên thiên nhiên, thu được lợi ích lớn nhất trên nhiều phương diện và giảm tối thiểu thảm hoạ môi trường. Bài học công nghiệp hóa ở nước ta cho thấy tài nguyên tái tạo như than đá, dầu mỏ, sắt, boxit, apatit, kẽm, đồng,… dần cạn kiệt trong khi nền kinh tế có nguy cơ đứng trước thực trạng “chưa giàu đã già”.
Từ khi mở cửa đến nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế thu hút vốn đầu tư lớn nhất khu vực Đông Nam Á, luôn ở “chiếu trên” so với các nước cùng trình độ phát triển ở châu Phi, châu Mỹ Latin. Nhưng việc tiếp xúc với công nghệ tiên tiến nhiều thập kỷ chưa thế giúp nền công nghiệp nước ta tự đứng trên đôi chân của mình.
Ví dụ, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, đơn cử với đơn đặt hàng từ Nhật Bản, doanh nghiệp Việt chỉ cung cấp khoảng 10% sản phẩm đạt chuẩn. Vấn đề ở đây là gì?
Đầu tiên là vốn, ít có doanh nghiệp phụ trợ sẵn sàng đầu tư lớn ngay từ ban đầu, chuẩn hóa kỹ thuật, tay nghề, máy móc để “đợi” đối tác tìm đến đặt hàng. Tiếp đến là khả năng học hỏi, tiếp thu, chắt lọc và sáng tạo chưa thực sự nghiêm túc.
Tại Trung Quốc, sở dĩ họ có nền sản xuất mạnh như hiện nay là nhờ khả năng học hỏi, tiếp thu chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp nước ngoài, sau đó tự sáng tạo đột phá năng suất, giảm giá thành để vươn ra khắp thế giới.
Câu chuyện với công nghiệp bán dẫn Việt Nam cũng như vậy, đây là cơ hội để chúng ta bứt ra khỏi công đoạn lắp ráp, kiểm định - vốn chỉ kiếm được rất ít giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị khổng lồ mà các doanh nghiệp ở tầng cao được hưởng.
Nếu như trước đây, chúng ta thiên về “trải thảm” mời gọi đầu tư, nên chính sách đa phần nhượng bộ, thì nay nhiều nhà đầu tư lớn tự tìm đến Việt Nam. Trong bối cảnh hoàn toàn khác, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần thay đổi khung khổ chính sách, ràng buộc chặt hơn các điều kiện, ví dụ mức độ chuyển giao công nghệ, tuyển dụng, đào tạo và sử dụng lao động Việt Nam trong những phân khúc công việc quan trọng hơn.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
-
IEA: Trung Quốc đang dẫn đầu “kỷ nguyên điện”
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Đức nỗ lực củng cố ngành công nghiệp điện gió
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn