CTCK Dầu khí: Cơ hội đầu tư nửa cuối năm 2022 đến từ nhóm doanh nghiệp thuộc ngành nghề phòng thủ
Điểm sáng vĩ mô
Báo cáo đánh giá, Việt Nam khả năng cao có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% trong năm 2022 nhờ hoạt động xuất khẩu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế với đầu tàu là các doanh nghiệp FDI.
Cùng với đó là sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm ngành dịch vụ du lịch, ăn uống sau khi Bộ Y tế bỏ yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với người nhập cảnh và xu hướng “mua sắm trả thù” trên cơ sở kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương trong 2 năm diễn ra dịch bệnh.
PSI kỳ vọng việc đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ kinh tế xã hội trị giá 350 nghìn tỷ đồng sẽ thúc đẩy nhiều ngành kinh tế trọng yếu và đầu tư công, đây sẽ là động lực thúc đẩy cho tăng trưởng bên cạnh tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình.
Rủi ro tiềm ẩn
So với Mỹ và châu Âu, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp nhờ khả năng chủ động được các mặt hàng thiết yếu. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa điều chỉnh lãi suất điều hành từ đầu năm tới nay, như vậy, Việt Nam còn nhiều dư địa để nâng lãi suất giúp kiềm chế đà tăng của lạm phát. Dù vậy, PSI dự báo CPI của Việt Nam năm 2022 sẽ tăng trên 5%, cao hơn mục tiêu 4% của Quốc hội. Lãi suất điều hành có thể sẽ được tăng nhẹ trong nửa cuối của năm 2022.
Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực kể từ 1/7/2022 sẽ khiến các ngân hàng phải đánh giá lại các khoản nợ đang được cơ cấu lại trong 2 năm qua. Tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng được PSI đánh giá là sẽ tăng nhanh do nhiều doanh nghiệp đã phá sản do dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân các gói đầu tư công và hỗ trợ tài khóa nếu không được đẩy nhanh sẽ có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế, nhất là khi lạm phát tăng cao hơn mức thu nhập khả dụng thực tế của người dân, ảnh hưởng tới tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình, tác động tiêu cực tới sản xuất và đầu tư.
Nhóm cổ phiếu ngành năng lượng được đánh giá có nhiều triển vọng tăng trưởng |
Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2022
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến nhịp điều chỉnh mạnh của chỉ số cùng sự “cạn kiệt” của thanh khoản trong tháng 4 và 5. VN-Index sau khi “rơi” hơn 300 điểm kể từ đỉnh lịch sử 1.528,57 điểm, đã quay trở lại vùng đỉnh quan trọng cũ 1.200 điểm, tương ứng với mức P/E 13,1 (trung bình 10 năm - 1SD), thấp hơn nhiều mức trung bình 10 năm.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng 29% doanh thu và 32% về lợi nhuận trong Quý I/2022. PSI kỳ vọng, đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm 2022 với động lực tăng trưởng chính đến từ hoạt động xuất khẩu, hàng tiêu dùng trong nước và các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ.
Lạm phát tiếp tục là rủi ro chính đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, với khả năng tự sản xuất đa phần hàng hóa thiết yếu, Việt Nam sẽ hạn chế được việc phải nhập khẩu lạm phát từ thế giới.
Rủi ro từ thị trường thế giới với lo ngại đến từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine và lệnh phong tỏa ở Trung Quốc gây gián đoạn chuỗi cung ứng và “bóng ma” đình lạm (Stagflation) - một trạng thái kinh tế hiếm hoi với sự kết hợp giữa cả lạm phát cao, thất nghiệp cao và tăng trưởng thấp đe dọa đến 2 khu vực kinh tế trụ cột của thế giới đó là Mỹ và EU, sẽ khiến cho thị trường chứng khoán tiếp tục giảm mạnh hơn nữa.
Lựa chọn cổ phiếu để đầu tư
Báo cáo chiến lược của PSI nhận định, cơ hội đầu tư được kỳ vọng trong nửa cuối năm 2022 sẽ đến từ nhóm doanh nghiệp thuộc ngành nghề phòng thủ, những nhóm ngành năng lượng, tiêu dùng với đặc tính thiết yếu, ít biến động so với chu kỳ kinh tế và không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi lạm phát.
Ngành Dầu khí - Giá dầu tiếp tục neo cao từ sự thiếu hụt nguồn cung
Nguồn cung thiếu hụt từ Nga là nhân tố chính tạo áp lực tăng giá dầu thô thế giới ở hiện tại. Giá dầu tăng mạnh là một cơ hội với nhóm cổ phiếu này, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp dịch vụ, phân phối và chế biến dầu khí.
Trong khi đó, OPEC vẫn đang thận trọng với mức tăng sản lượng.
Nguồn: Bloomberg, EIA, PSI tổng hợp |
Giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục neo cao trong nửa cuối năm. Theo dự báo của Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu có thể đạt trung bình 107 USD/thùng trong năm 2022, trong bối cảnh: nguồn cung từ OPEC+ không đủ để bù đắp phần thiếu hụt từ cuộc chiến Nga - Ukraine (ước tính gần 3 triệu thùng/ngày), do chính sách sản lượng thận trọng của nhóm này.
Cũng do ảnh hưởng cuộc chiến, giá khí đốt thế giới cũng chịu tác động từ việc cắt giảm nguồn cung từ Nga, đặc biết là khi các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và châu Âu tiếp tục leo thang.
Ngành điện - Phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch
Với kịch bản cơ sở, nhu cầu sử dụng điện sẽ hồi phục mạnh mẽ từ việc mở cửa nền kinh tế sau đại dịch giúp gia tăng mức tiêu thụ điện. Đặc biệt năm 2022, điều kiện thủy văn tương đối thuận lợi sẽ giúp nhiều doanh nghiệp thủy điện có lợi nhuận tốt.
Nguồn: PGV, Bloomberg, PSI tổng hợp |
Theo dự báo, sản lượng điện năm 2022 sẽ tăng trưởng ở mức 8,2 - 12,4%. Tính đến hết tháng 5/2022, sản lượng điện thương phẩm toàn quốc đạt 95,31 tỷ kWh, tăng 5,3% so với cùng kỳ. PSI kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn trong thời gian tới do nền kinh tế phục hồi tích cực sau dịch Covid-19.
Cũng trong báo cáo, thủy điện là điểm sáng cho năm 2022. Sản lượng thủy điện tính từ đầu năm 2022 đạt 85,65 tỷ kWh ( tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước). Cụ thể, từ quý II/2022 bắt đầu vào mùa phát điện của thủy điện cộng thêm mùa mưa năm 2022 đến sớm và được dự báo lượng mưa phổ biến trên cả nước sẽ cao hơn trung bình nhiều năm trước. Do đó, PSI dự đoán doanh thu của các nhà máy thủy điện sẽ tăng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2022.
PSI đánh giá năng lượng tái tạo sẽ chững lại sau thời kỳ bùng nổ. Các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, quan trọng nhất là cơ chế giá FIT đã hết hạn và thời điểm ban hành các cơ chế giá mới cũng không được đề cập. Năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng trong tổng sản lượng điện, tuy nhiên việc phát triển thêm nguồn điện mới sẽ chững lại cho tới khi các quy định tiếp theo được ban hành.
Ngành phân bón - Hưởng lợi từ giá phân bón tăng mạnh
Nhu cầu tích trữ lương thực cùng giá phân bón tăng cao trong bối cảnh xung đột giữa Nga - Ukraine kéo dài, tiếp tục là động lực tăng trưởng ngắn hạn cho các doanh nghiệp hóa chất phân bón.
Cụ thể, nguồn cung khan hiếm do đứt gãy chuỗi cung ứng phân bón toàn cầu khiến giá phân bón tăng mạnh. Vào cuối năm 2021, Trung Quốc và Nga - hai trong số ba quốc gia xuất khẩu phân bón nhiều nhất thế giới, đã ra quyết định tạm ngừng xuất khẩu phân bón để ổn định nguồn cung trong nước và kiểm soát lạm phát. Sản lượng sản xuất của Nga chiếm khoảng 30% tổng nguồn cung phân bón trên toàn thế giới.
Hơn thế, Nga còn là nguồn cung của 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu, vì vậy việc các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga trực tiếp khiến cho giá phân bón thế giới biến động mạnh mẽ. Giá phân bón cũng cao hơn 40% so với thời điểm một tháng trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2.
Nhìn vào thị trường trong nước, giá phân bón liên tục tăng trong 2 năm qua và tiếp tục duy trì ở mức cao. Giá phân bón tăng mạnh làm cho nhu cầu tiêu thụ trong nước sụt giảm, doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hơn. Trong quý I/2022, tổng sản lượng tiêu thụ không đổi so với cùng kỳ năm trước, trong khi sản lượng xuất khẩu đạt 510.000 tấn, tăng 47% so với cùng kỳ và tăng 31% so với quý IV/2021.
Minh Châu
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên