Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt
Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt |
Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 (Từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022). Sau đó, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2022 của VKSNDTC; Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2022 của Chánh án TANDTC. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo trước Quốc hội về công tác thi hành án năm 2022.
Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt
Trình bày Báo cáo thẩm tra trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã nêu nhiều ý kiến về từng báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2022...
Cụ thể, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật.
Tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 40,97% cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa. Về tổng thể, vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm 6,69%, trong đó tội phạm có tổ chức, tội hiếp dâm, tội phạm xâm phạm sở hữu cũng có chiều hướng giảm.
Tuy nhiên, một số loại tội phạm gia tăng; một số loại tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng như các tội phạm về ma túy, cướp, cướp giật. Việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để trục lợi đã xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương, có quy mô, phạm vi lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có sự tham gia của một số người nguyên là cán bộ cấp cao.
Một số vụ xâm hại trẻ em với hành vi dã man, có vụ việc chỉ khi xảy ra hậu quả chết người mới bị phát hiện. Kết quả phát hiện và xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm xảy ra nhiều nhưng việc phát hiện, xử lý chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử lý hành chính; tội trộm cắp, cướp giật tài sản xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra, khám phá thấp.
Ngoài ra, năm 2022, công tác điều tra, xử lý tội phạm áp dụng biện pháp ngăn chặn và công tác thi hành tạm giữ, tạm giam vẫn còn một số hạn chế như: tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là 82,96%, chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao.
Thẩm tra Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC về công tác của ngành Kiểm sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận thấy, năm 2022, VKSND các cấp tiếp tục chú trọng và tăng cường công tác này. Nhiều biện pháp được thực hiện đạt kết quả tích cực hơn so với năm 2021.
Tuy nhiên, về công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận thấy, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm giảm mạnh so với năm 2021 và chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Có tới 30,4% tố giác, tin báo trong năm 2022 phải tạm đình chỉ (trong khi tỷ lệ trung bình của các cơ quan điều tra khác chỉ từ 13-14%). Còn 68,6% tố giác, tin báo tạm đình chỉ giải quyết từ năm 2020 đến nay chưa được phục hồi.
Về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, trong năm 2022, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính đạt một số kết quả như: Tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm án hành chính, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án dân sự được Toà án chấp nhận đều vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, trong công tác thi hành án hình sự vẫn còn một số VKSND chưa kịp thời phát hiện vi phạm về quản lý người bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.
Thẩm tra Báo cáo của Chánh án TANDTC về công tác của ngành Tòa án, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2022, Tòa án đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nên chất lượng xét xử và nhiều chỉ tiêu công tác đạt và vượt yêu cầu Quốc hội giao. Về cơ bản, các vụ án được đưa ra xét xử đúng thời hạn luật định. Mặc dù số lượng án thụ lý tăng, song số vụ án đã xét xử đạt cao (97,71%) và vượt 9,71% chỉ tiêu Quốc hội giao. Hình phạt được áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh; việc quyết định về án treo, cải tạo không giam giữ cơ bản chặt chẽ.
Bên cạnh đó, công tác giải quyết các vụ việc dân sự đạt kết quả đáng ghi nhận. Mặc dù, số lượng thụ lý tăng nhiều (tăng 33.103 vụ, việc), song tiến độ giải quyết, nhất là án kinh doanh - thương mại được đẩy nhanh. Tỷ lệ giải quyết các vụ, việc dân sự đạt cao (đạt 87,07%) và vượt 9,07% chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, còn 17 vụ, việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan.
Theo Ủy ban Tư pháp, các Tòa án đã có nhiều nỗ lực trong công tác giải quyết án hành chính. Tỷ lệ giải quyết án tăng nhiều so với năm trước, đạt 72,6% và vượt 12,6% chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội (bị hủy 2,71%, bị sửa 2,5%). Ngoài ra, sau nhiều năm không đạt chỉ tiêu của Quốc hội, năm nay tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt cao (đạt 62,4%) và vượt 2,4% so với chỉ tiêu Quốc hội giao.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và thực hiện chế định Thừa phát lại, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, năm 2022, Chính phủ đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong công tác thi hành án dân sự (THADS) và đạt kết quả đáng ghi nhận. Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm trong việc thi hành án hành chính. Về hoạt động Thừa phát lại, Ủy ban Tư pháp nêu rõ, hiện nay cả nước có 143 Văn phòng Thừa phát lại (tăng 11 Văn phòng so với cùng kỳ), với 406 Thừa phát lại đang hành nghề. Tổng doanh thu đạt 267 tỷ đồng, tăng 149 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Từ những phân tích nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung khắc phục những hạn chế được nêu trong các báo cáo thẩm tra của UBTP. Nâng cao tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; áp dụng chặt chẽ các biện pháp ngăn chặn; hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới không để xảy ra trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra. Đồng thời chú trọng biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng, liên quan đến tín dụng, ngân hàng, chứng khoán.
Đề nghị Viện trưởng VKSNDTC chú trọng thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế được nêu trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp. Đề nghị Chánh án TANDTC tăng cường chỉ đạo các Tòa án nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án, nhất là án hành chính, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao.
Kết quả phòng chống tham nhũng đã được quốc tế đánh giá cao
Tiếp đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Báo cáo nêu rõ công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 14.425 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với 111 cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm.
Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 9.955 văn bản về quy định định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Tiến hành 3.927 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, đã phát hiện 283 vụ việc, đã chấn chỉnh và xử lý 386 người có vi phạm.
Đã tiến hành kiểm tra tại 8.975 cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã phát hiện, chấn chỉnh và xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Về kiểm soát tài sản, thu nhập: đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; đã xác minh tài sản, thu nhập đối với 7.662 người; đã được kiểm tra việc thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập đối với 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Về công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.844 cuộc thanh tra hành chính và 195.326 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.075 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 89%.
Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng: các Cơ quan điều tra đã thụ lý 687 vụ án, 1.439 bị can; đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 336 vụ/765 bị can. Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 506 vụ/1.332 bị can; đã giải quyết 426 vụ/1.084 bị can. Tòa án Nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 577 vụ /1.399 bị cáo; đã giải quyết 533 vụ /1.272 bị cáo; trong đó đã xét xử 410 vụ/945 bị cáo. Công tác thi hành án đã thi hành xong 1.895 việc (tăng 290% so với năm 2021).
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định năm 2022, công tác phòng chống tham nhũng thường xuyên được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng đã tổ chức thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Kết quả phòng chống tham nhũng đã được quốc tế đánh giá cao; Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2021, trong đó, Việt Nam được đánh giá đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ (tăng 3 điểm, 17 bậc so với năm 2020).
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng cho biết, còn có những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế như cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được tổ chức thực hiện đồng bộ và toàn diện, một số biện pháp hiệu quả thấp. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống tham nhũng hiệu quả chưa cao. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có chuyển biến rõ nét.
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng chống tham nhũng.; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng. Trong đó, tập trung thanh tra các lĩnh vực nguy cơ và nhiều dư luận về tham nhũng; đẩy mạnh đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; kịp thời chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng. Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân.
Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, UBTP nhận thấy, năm 2022, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến mạnh, đột phá với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, được bạn bè quốc tế ghi nhận.
Tuy nhiên, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để phòng, chống tham nhũng còn có những hạn chế; một số quy định còn chưa đồng bộ, thống nhất; cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý; một số quy định còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế; công tác kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa tham nhũng chưa cao; chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu…
UBTP đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp chính quyền, xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tiến hành thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện vi phạm, sau đó, cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng...
Tiếp đó, phần thảo luận đã có 13 đại biểu cho ý kiến về các báo cáo. Về cơ bản, các đại biểu đều nhất trí với các báo cáo. Bên cạnh đó, cũng chỉ ra những tồn tại và đề xuất ý kiến đóng góp cho các vấn đề như: phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai; tăng cường các biện pháp ngăn chặn tội phạm giết người; đấu tranh phòng chống tội phạm; nguy cơ mất an toàn thông tin; tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng; xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tổ chức phiên tòa trực tuyến…
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, chiều ngày 8/11 Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2022.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị chiều ngày 08/11, đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về các nội dung của ngày 09/11: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; Việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu.
Đề xuất nhiều vấn đề mới đối với 2 dự thảo Nghị quyết tại phiên thảo luận sáng 7/11 |
Hôm nay (8/11): Quốc hội thảo luận về phòng chống tội phạm, tham nhũng, thi hành án |
PV
-
Đề xuất thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại trên đất nông nghiệp và phi nông nghiệp
-
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào ngày 30/11
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Thúc đẩy phát triển các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi và điện hạt nhân
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới