Còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng tín dụng xanh
Nhu cầu về năng lượng của Việt Nam, đặc biệt là điện năng trong giai đoạn 2020-2030 được dự báo là rất lớn. Trong khi đó, nguồn cung ứng năng lượng lại đang và sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản, đặc biệt là sự cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu biến động, thị trường năng lượng của Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới…
Các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam đến năm 2030 có nhu cầu đầu tư khoảng 140 tỷ USD |
Trước tình hình trên, để đảm bảo nguồn cung năng lượng của đất nước, nhiều năm qua Chính phủ đã có nhiều giải pháp để gia tăng nguồn cung năng lượng, trong đó chú trọng phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) với mục tiêu kép là phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Đánh giá về xu hướng tín dụng xanh hiện nay, nhiều chuyên gia tài chính nhận định, tăng trưởng tín dụng xanh là một xu hướng tất yếu của các ngân hàng thương mại. Thậm chí, xu thế này còn phát triển mạnh mẽ và tốt hơn trong thời gian tới, do Việt Nam đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với phát triển NLTT nằm ở vốn đầu tư và khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư.
Thời gian gần đây, xu hướng tín dụng xanh đã được nhiều ngân hàng tập trung phát triển. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) tính đến hết tháng 6/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đạt khoảng 317.600 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó dư nợ tín dụng trung - dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh. Lãi suất cho vay các lĩnh vực xanh ngắn hạn từ 5-8%/năm, trung - dài hạn từ 9-12%/năm.
Dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh với 45% tổng dư nợ tín dụng xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 17%; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 11% và lâm nghiệp bền vững chiếm 5%.
Ngoài những ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank cũng đã có những đóng góp lớn đối với sự tăng trưởng của nhóm tín dụng xanh, nhiều ngân hàng thương mại cũng đang tích cực tham gia với những gói hỗ trợ tích cực cho các dự án về phát triển năng lượng.
Mới đây nhất, giữa tháng 1/2020, Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) ký kết hợp đồng cho vay tín dụng xanh trị giá 212,5 triệu USD với Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và các nhà đồng tài trợ quốc tế uy tín.
Đại diện VPBank cho biết, một phần ba gói tài chính này sẽ được dành riêng cho các dự án thân thiện với khí hậu. Điều này sẽ tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, nhất là doanh nghiệp có dự án phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, sử dụng năng lượng hiệu quả, xây dựng các tòa nhà xanh, giao thông xanh, xử lý và quản lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Trước đó, Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDbank) cũng được đánh giá là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh cao. Năm 2018, ngân hàng đã tài trợ cho 22 dự án tiết kiệm năng lượng, đầu tư năng lượng tái tạo… với dư nợ hơn 1.800 tỷ đồng, chiếm 1,62 tổng dư nợ. Đến cuối tháng 9/2019, HDbank tài trợ cho 82 dự án tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 7.900 tỷ đồng, chiếm hơn 6% tổng dư nợ.
Nam Á Bank cũng ghi dấu trong dòng chảy tín dụng xanh bằng việc đã ký kết hợp tác với GCPF - Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu triển khai chương trình “Tín dụng xanh”, cho vay vốn thực hiện các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm.
Đánh giá về xu hướng tín dụng xanh hiện nay, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng: “Trong thời gian qua, tình hình triển khai tín dụng xanh, tài chính xanh tại Việt Nam có nhiều tích cực, nhiều dự án xanh đã được hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Tuy vậy, việc triển khai vẫn còn hơi chậm, chưa đáp ứng kịp yêu cầu để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”.
Vì sao nguồn vốn cho các dự án năng lượng xanh vẫn chưa thực sự dồi dào? Do đâu sự đóng góp trực tiếp của các ngân hàng thương mại (NHTM) còn khiêm tốn trong việc tăng trưởng tín dụng xanh? TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế đưa ra nhiều lý do.
Cụ thể, theo TS Vũ Đình Ánh, hiện các NHTM nhận thức về ngân hàng xanh, tín dụng xanh còn hạn chế. Quan trọng hơn là chúng ta đang thiếu khung pháp lý hỗ trợ tín dụng xanh, thiếu cơ chế hợp tác liên ngành, cơ chế động lực cho ngân hàng cũng như doanh nghiệp phát triển tín dụng xanh; thiếu các quy định về thẩm định, tiêu chí và cơ chế đánh giá quản lý rủi ro, việc đánh giá các tiêu chí tăng trưởng xanh của ngân hàng còn lúng túng, việc xác định thanh toán hỗ trợ cho các dự án còn chậm.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia kinh tế cũng chỉ rõ, đội ngũ nhân viên ngân hàng chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản trong thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; chi phí ngân hàng đầu tư lớn, giảm lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của ngân hàng trong dài hạn do các dự án vay vốn tín dụng xanh thường có quy mô vốn lớn, thời gian đầu tư dài.
Ở góc độ doanh nghiệp, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, do doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng sản phẩm tín dụng xanh của ngân hàng; doanh nghiệp thiếu thông tin về các sản phẩm tín dụng xanh; thiếu tài sản đảm bảo do khoảng 90% doanh nghiệp thuộc loại vừa và nhỏ. Thời gian xin cấp tín dụng xanh dài, thủ tục vay vốn phức tạp cũng là rào cản khiến doanh nghiệp không mấy mặn mà.
Mặc dù sức hấp dẫn của loại tín dụng xanh này chưa thực sự cao so với nhiều loại tín dụng khác, nhiều ngân hàng vẫn đang tỏ ra lo ngại về những rủi ro mà các dự án này có thể mang lại. Nhưng năng lượng xanh được đánh giá là nguồn năng lượng của tương lai. Vì vậy, tín dụng xanh cũng được dự báo sẽ chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong cơ cấu tín dụng của mỗi nhà băng trong thời gian tới.
M.T
Phát triển tín dụng xanh qua cách tiếp cận tổng thể và có hệ thống |
Ngân hàng đóng vai trò trọng yếu trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư |
Ngân hàng không mấy mặn mà với tín dụng xanh |