Phát triển tín dụng xanh qua cách tiếp cận tổng thể và có hệ thống
Cần thiết lập khung chính sách tài chính - tín dụng xanh
Bà Lý Thu Nga, Phụ trách Hợp phần Cải cách Khu vực Tài chính Xanh (GIZ) cho hay, nhu cầu tài chính xanh của Việt Nam để thực thi chiến lược và kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, Hiệp định Paris và cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) là rất lớn. Tuy nhiên, Việt Nam chưa thu hút được nhiều nguồn vốn xanh quốc tế đang tăng nhanh trong 10 năm gần đây, kể cả từ nguồn tài chính xanh cho các nước đang phát triển và đặc biệt từ các quỹ khí hậu quốc tế và nguồn trái phiếu xanh quốc tế.
Cần huy động nguồn lực mạnh mẽ cho tăng trưởng xanh |
Kỳ vọng vào sự hỗ trợ 17,9 tỷ USD của quốc tế nhằm giảm thêm 17% lượng phát thải của Việt Nam sẽ là không lớn. Như vậy, phát triển các nguồn tài chính trong nước sẽ có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu của các chiến lược và kế hoạch này.
Để thực hiện mục tiêu trên, theo bà Nga, yêu cầu đặt ra là thiết lập khung chính sách tài chính-tín dụng xanh, cũng như huy động được một nguồn lực lớn trong hầu khắp các khu vực, từ khu vực nhà nước (đầu tư công xanh) tới tất cả các thành phần kinh tế (đầu tư xanh tư nhân).
Trong điều kiện dư địa để gia tăng đầu tư công xanh là rất hạn chế, vốn tự có của khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân hết sức hạn chế, với khả năng tự tài trợ chỉ khoảng 15-20% tổng vốn đầu tư, thì nguồn vốn đầu tư xanh chủ yếu sẽ phải dựa vào hệ thống tài chính, gồm tín dụng ngân hàng và thị trường vốn.
Vì lẽ đó, GIZ đã và đang tập trung hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và UBCKNN cùng các ngân hàng thương mại và 2 Sở GDCK phát triển tài chính, ngân hàng-tín dụng xanh thông qua một cách tiếp cận tổng thể và có hệ thống.
Điều này bao hàm, trước hết là GIZ, với thế mạnh của mình đã sớm tập trung hỗ trợ nâng cao nhận thức, phát triển năng lực nội tại như là một tiền đề cốt lõi để xây dựng và thực thi chính sách ngân hàng - tín dụng xanh.
Thứ hai, tạo lập khung pháp lý và cơ chế, chính sách. Thứ ba, tăng cường phối hợp và gắn kết chính sách tín dụng, trái phiếu và đầu tư xanh. Đồng thời, triển khai theo lộ trình: Trước mắt là thí điểm, tiến tới mở rộng các chương trình tín dụng xanh, trái phiếu xanh trên diện rộng nhằm mục tiêu huy động nguồn vốn bền vững trong nước quy mô lớn qua hệ thống tài chính-ngân hàng cho tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu.
Nỗ lực phát triển tín dụng xanh
Ngay từ khá sớm GIZ đã đặt những nền móng đầu tiên về tài chính-tín dụng xanh bằng việc tổ chức đoàn khảo sát, khóa đào tạo nền tảng và hội nghị giới thiệu cho hệ thống.
Và trên hết, ở cấp độ Chương trình GIZ, một phần lớn nguồn lực đã được dành cho chương trình đào tạo nguồn nhân lực về kinh tế xanh, năng lượng tái tạo và tài chính-tín dụng xanh. Đến nay trên 200 cựu học viên đã trở thành lực lượng nòng cốt các cấp của 6 bộ ngành chủ chốt, trong đó riêng ngành tài chính, ngân hàng và chứng khoán có trên 60 cán bộ.
Ở cấp độ ngành, GIZ đã tổ chức nhiều hoạt động có tính hệ thống, như đào tạo chuyên sâu, thực tập trong và ngoài nước, hội thảo, hội nghị và đoàn khảo sát chuyên đề. Tính riêng giai đoạn 2015-2018, trên 300 lượt cán bộ Ngân hàng Nhà nước đã tham gia các hoạt động đào tạo, thực tập nêu trên.
Các hoạt động nâng cao nhận thức, phát triển năng lực của GIZ đã góp phần giúp đội ngũ cán bộ Ngân hàng Nhà nước xây dựng các chính sách, cơ chế thúc đẩy tín dụng xanh.
Trước hết, cần kể tới Chỉ thị 03 về thúc đẩy tín dụng xanh và quản trị rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng từ năm 2015. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành kế hoạch hành động ngành ngân hàng về tăng trưởng xanh. Đồng thời, các đóng góp trực tiếp của GIZ cũng đã đặt nền móng xây dựng Đề án phát triển ngân hàng xanh của Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 9050 về Báo cáo thống kê tín dụng xanh, tạo công cụ theo dõi và điều tiết nguồn tín dụng cho tăng trưởng xanh. Mặt khác, để giải quyết những thách thức đặt ra trong việc thống kê, việc áp dụng thống nhất toàn hệ thống ngân hàng theo phân loại ngành/tiểu ngành xanh, danh mục dự án xanh và mẫu biểu chung là cần thiết và cấp bách. Phân loại ngành/tiểu ngành đã được quy định tại Công văn 9050. Danh mục dự án xanh bước đầu do Ngân hàng Nhà nước xây dựng với sự hỗ trợ của GIZ, dự kiến sẽ được mở rộng đầy đủ, đảm bảo sự đồng bộ với phân loại ngành/tiểu ngành này hướng tới việc áp dụng thống nhất cho khu vực doanh nghiệp, tài chính và ngân hàng, bổ trợ cho Hướng dẫn phân loại đầu tư công xanh theo Quyết định số 1085 của Bộ KHĐT.
Một hướng đi nữa của GIZ là hỗ trợ xây dựng các chương trình tín dụng xanh, bổ trợ bằng nguồn vốn quốc tế, như của Quỹ khí hậu xanh (GCF). Đây là hướng phát triển nhiều tiềm năng về quy mô nguồn vốn, lãi suất và thời hạn vay, lại có hỗ trợ kỹ thuật. Tuy nhiên, các thủ tục của GCF khá phức tạp và kéo dài trong điều kiện Việt Nam chưa có Tổ chức thực thi quốc gia và phụ thuộc vào các Tổ chức thực thi quốc tế, chưa cho phép Việt Nam trực tiếp tiếp cận nguồn vốn của GCF.
Cuối cùng, GIZ cũng đang hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước xây dựng hướng dẫn tín dụng xanh và các công cụ chính sách tiền tệ phù hợp để thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh của ngân hàng thương mại.
Tạo sự cộng hưởng và gắn kết chính sách, đặc biệt là về đầu tư-ngân hàng và thị trường vốn xanh có ý nghĩa to lớn trong việc huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh. Trong đó, trái phiếu xanh là công cụ bổ trợ cho tín dụng xanh, cung cấp một nguồn tài chính dài hạn đáng kể bên cạnh tín dụng ngân hàng và nguồn vốn chủ.
Do vậy, bà Nga cho biết, thời gian qua GIZ đã hỗ trợ xây dựng cơ sở pháp lý về trái phiếu xanh, lồng ghép tại các Nghị định Chính phủ số 93, 95 và 163. Trong điều kiện sử dụng ngân sách, vay nợ để đầu tư ngày càng hạn chế, thì việc phát hành trái phiếu xanh của Chính phủ, chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư phát triển địa phương là một hướng đi cần thiết để huy động vốn cho các dự án đầu tư công xanh cấp thiết. Hiện, GIZ đang hỗ trợ Bộ Tài chính và các bộ ngành, địa phương liên quan xây dựng Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ xanh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Bên cạnh đó, thông qua phát hành trái phiếu, các ngân hàng có thể huy động được nguồn vốn trung, dài hạn cho các dự án đầu tư xanh. Theo nguyên tắc quản trị rủi ro, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn có thể giảm xuống 30%, nên việc phát hành trái phiếu theo Nghị định 163 càng có ý nghĩa quyết định đối với ngân hàng và doanh nghiệp khi huy động vốn, đặc biệt cho tín dụng xanh.
Với các nỗ lực chung, đến nay nền tảng pháp lý, thể chế, chính sách cho ngân hàng-tín dụng xanh về cơ bản đã hình thành. Dư nợ tín dụng xanh qua thống kê chưa đầy đủ đến tháng 6/2019 đã tăng rất nhanh lên đến 317.600 tỷ đồng. Tỷ trọng tín dụng xanh cũng tăng mạnh từ 1,5% lên 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (xem đồ thị minh họa).
Nếu so sánh với nhu cầu 30,6 tỷ USD tài chính xanh đến năm 2020, thì đây đã là nguồn vốn trong nước đáng kể cho tăng trưởng xanh của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam là nền kinh tế tín dụng (131% GDP), khi xanh hóa đáng kể dòng tín dụng sẽ góp phần quyết định tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Kế thừa các kết quả hợp tác, trong thời gian tới, GIZ tiếp tục đồng hành cùng ngành ngân hàng thúc đẩy tài chính-tín dụng xanh. Cụ thể, sẽ tiếp tục hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước theo hướng hoàn thiện các cơ chế, chính sách và đặc biệt là triển khai trên diện rộng để huy động nguồn lực mạnh mẽ cho tăng trưởng xanh.
Trong đó, có xây dựng và hoàn thiện các hướng dẫn về phát triển ngân hàng-tín dụng xanh; triển khai các chương trình tín dụng xanh quy mô lớn; đặc biệt là tìm kiếm thêm nguồn quốc tế; và thúc đẩy tài chính xanh thông qua các sáng kiến tài chính số, ngân hàng số và Fintech. Qua đó, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, tạo sự phát triển bền vững cho đất nước.
Minh Thùy
Cả tín dụng và huy động vốn đều giảm sút |
Ngân hàng đóng vai trò trọng yếu trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư |
Ngân hàng không mấy mặn mà với tín dụng xanh |
-
Giá vàng hôm nay (24/10): Thị trường thế giới giảm trước áp lực chốt lời
-
Điện Kremlin: BRICS không có mục tiêu đánh bại đồng đô la
-
Giá vàng hôm nay (23/10): Đồng loạt tăng
-
Giá vàng hôm nay (22/10): Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần