“Cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước như thế nào? (Bài 3)
>> “Cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước như thế nào? (Bài 2)
>> “Cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước như thế nào? (Bài 1)
Năng lượng Mới số 377
Bài 3 PV DRILLING: Không chảy máu chất xám
PV: Thưa ông, ở PV Drilling có nguy cơ chảy máu chất xám không?
Ông Phạm Tiến Dũng |
Ông Phạm Tiến Dũng: Có. Hiện nay, ở PV Drilling có tình trạng mất người vào các công ty nước ngoài của Australia, Malaysia, Thái Lan. Hầu hết cán bộ kỹ thuật ở PV Drilling có trình độ cao, các công ty nước ngoài rất muốn tuyển đội ngũ này. Họ được tuyển vào làm việc ở những vị trí rất quan trọng, với mức lương cao hơn ở PV Drilling rất nhiều. Nếu các công ty nước ngoài trả lương cho cán bộ kỹ thuật của chúng ta từ 15.000-20.000USD/tháng là chúng ta thua rồi. Tất nhiên, không phải vị trí nào cũng được trả mức lương cao như vậy. Chẳng hạn như kíp trưởng, chúng ta đã cố gắng trả mức lương khá cao là khoảng 5.000USD/tháng, chưa kể thưởng, trợ cấp, nhưng các công ty khoan nước ngoài đang đóng thêm nhiều giàn và rất cần người nên tuyển cán bộ kỹ thuật đã được đào tạo để không mất công đào tạo với mức lương rất cao. Do đó tình trạng mất người ở PV Drilling vẫn đang xảy ra, không phải quá nhiều, nhưng đã đến mức đáng lo lắng. Các kỹ sư khoan đi giàn khoảng 3-4 năm thì mới đến một chức danh nhất định, thấy có đủ kiến thức là đầu quân cho các JOC, các công ty nước ngoài...
Bây giờ làm sao để giữ chân?
Hiện nay PV Drilling đang thực hiện các giải pháp:
Thứ nhất là, cố gắng tốt nhất, cao nhất điều chỉnh lại hệ thống lương để có thể trả lương tương đối gần bằng với thị trường. Tuy nhiên, công ty vẫn đang bị khống chế về quỹ lương. Hằng năm, Tập đoàn vẫn duyệt một quỹ lương, mà nếu muốn tăng thì phải tăng doanh thu, năng suất lao động. Cách duyệt hiện nay không có logic với sự phát triển của tổng công ty. Đầu tư cho con người là đầu tư từ hôm nay mà có khi 3-4 năm sau người ta mới phát huy được. Chẳng hạn như để chuẩn bị cho giàn PV Drilling 6 thì PV Drilling phải tuyển người từ bây giờ. Chi tiền lương từ năm nay, nhưng phải năm sau, có khi năm sau nữa mới thu lại được. Tổng công ty có thể trả lương cho cán bộ kỹ thuật cao, nhưng phải có mức trần, nếu không sẽ phá vỡ quỹ lương.
Thứ hai là, tạo môi trường làm việc, tin tưởng, tạo cơ hội cho cán bộ trẻ phát triển. Các cán bộ trẻ được đưa vào công việc cụ thể để cọ sát thực tế, được giao trách nhiệm và quyền nhất định để họ phát huy. Họ sẽ cảm thấy được tôn trọng, được chú ý, được nhận biết.
Thứ ba là, bên cạnh lương còn có các quyền lợi khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ, hưu trí tự nguyện... Không chỉ lãnh đạo, mà người lao động - những đối tượng tài năng tương lai, đội ngũ kế cận của tổng công ty cũng được tham gia các quyền lợi lâu dài này.
Trừ một số trường hợp đặc biệt đã ra đi, hầu hết đội ngũ cán bộ, kỹ sư hiện nay đang cố gắng ở lại. Trong các biện pháp đó thì tạo môi trường làm việc tốt là quan trọng nhất. Khi đó, họ cảm thấy được tôn trọng, chứ không phải là người làm việc theo ý kiến lãnh đạo, họ có quyền phản hồi lại cho lãnh đạo, lãnh đạo phải lắng nghe và giải thích, làm theo những ý kiến của họ nếu điều đó đúng.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự quan trọng của tiền lương. Nhưng nếu cân đối giữa tiền lương, môi trường làm việc tốt, quan hệ công việc thì họ sẽ nhận thấy ở lại PV Drilling là phương án tốt. Có những cán bộ kỹ thuật của PV Drilling đề nghị không bị thuyên chuyển sang các JOC khác dù ở đó mức lương cao hơn bởi vì ở PV Drilling họ được sinh hoạt trong môi trường văn hóa rất tốt; họ được tôn trọng, được phát huy hết khả năng. Và trong việc này, vai trò của công đoàn, đoàn thanh niên... là rất quan trọng.
PV: Văn hóa doanh nghiệp có vị trí quan trọng trong việc giữ chân người tài ở PV Drilling?
Ông Phạm Tiến Dũng: Văn hóa doanh nghiệp là một yếu tố tạo nên môi trường làm việc. Khi được mặc chiếc áo PV Drilling và cảm thấy vinh dự, tự hào thì có thể mức thu nhập hằng tháng ít hơn nhưng người ta vẫn tiếp tục làm việc. Thật ra thì mức thu nhập bình quân không hề thấp, mà người ta lại cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ khi được làm việc trong tập thể đó thì người ta sẽ ở lại. Không phải ai cũng bỏ ra đi. Hiện nay, trong số những người bỏ ra đi, đã có người xin quay lại sau 2-3 năm làm việc cho các công ty nước ngoài. Để có môi trường làm việc tốt, doanh nghiệp phải có văn hóa doanh nghiệp tốt. PV Drilling hiện nay đang có văn hóa doanh nghiệp rất tốt, mọi người cảm thấy chuyên nghiệp, tự tin.
Nụ cười người thợ khoan PV Drilling
Là một công ty dịch vụ nên PV Drilling chú trọng đào tạo anh em cán bộ kỹ sư có tác phong làm việc, lời nói không thể hiện "khôn hơn người", mà đưa hiểu biết đó vào trong công việc, thái độ thân thiện chuyên nghiệp không chỉ với khách hàng, mà còn với đối tác. Bây giờ các đối tác nước ngoài hầu hết là tự tìm đến PV Drilling. PV Drilling tự hào là được các đối tác nước ngoài hết sức tin tưởng.
PV: Có vấn đề khá nóng hiện nay là, các doanh nghiệp Nhà nước khi đấu thầu có yếu tố với nước ngoài thì bị ràng buộc với quá nhiều thủ tục, vì vậy đã phần nào làm giảm đi sức cạnh tranh, ông nghĩ thế nào về việc này?
Ông Phạm Tiến Dũng: Đó cũng là vấn đề hết sức bức xúc. Khi đã tuân thủ theo Luật Đấu thầu, các tổng công ty Nhà nước phải chịu cạnh tranh về đầu ra. Nhưng đối với đầu vào, các công ty tư nhân rất linh hoạt, không bị ràng buộc. Họ có thể tự quyết định rất nhanh việc sử dụng dịch vụ, các nhà thầu phụ... sao cho có hiệu quả nhất. Nhưng đối với PV Drilling thì phải đấu thầu lần nữa. Đấu thầu không phải lúc nào cũng là cách tốt nhất để chọn ra nhà cung cấp bởi không phải điều gì cũng ghi vào điều khoản được và lại mất rất nhiều thời gian. Ví dụ như với PV Drilling, có thể nhìn thấy rất nhiều cơ hội nhưng nếu làm thì mất rất nhiều thời gian và sẽ thua các đối thủ khác. Hiện nay, PV Drilling ra nước ngoài thì mới thấy trên sân nhà mình không được ưu thế hơn, mà sang các nước khác cũng bị hàng rào bảo hộ nội địa ngăn cản và vậy là thua người ta tất cả. Trước kia, ngay trên sân nhà, các tổng công ty Nhà nước như PV Drilling còn chịu mức thuế cao hơn, hiện nay thì mức thuế đã hạ xuống ngang bằng.
Quan trọng nhất là vấn đề con người: Cho ai làm gì, đặt ai vào vị trí nào. Đặt người tốt vào đúng việc, đúng chỗ thì họ mới có thể làm tốt.
PV: Xin cảm ơn Tổng giám đốc về cuộc trao đổi này.
Như Phong (thực hiện)
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên