Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn quá chậm
Những kết quả vừa qua cho thấy cổ phần hóa là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Kết quả cổ phần hóa, thoái vốn đã tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác cổ phần hóa, cơ cấu lại DNNN còn chậm. Tính đến hết tháng 9/2018, mới có 35/583 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn lại chưa phê duyệt phương án cơ cấu lại DNNN trực thuộc.
Mới chỉ có 26/127 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2017-2020 (Ảnh minh họa) |
Theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017-2020 cổ phần hóa 127 doanh nghiệp, nhưng đến nay mới cổ phần hóa được 26 doanh nghiệp trong kế hoạch, chiếm 20,4%. Đặc biệt, tới tháng 11/2018 mới chỉ có 11 doanh nghiệp (trong đó có 2 doanh nghiệp thuộc danh sách năm 2017, không có doanh nghiệp nào thuộc danh sách năm 2018) thực hiện công tác cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 29.634 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.329 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2016 đã cổ phần hóa 66 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 27.328 tỷ đồng. Năm 2017 đã cổ phần hóa 69 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng.
Về việc thực hiện thoái vốn, ngoài việc thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị còn phải thực hiện thoái vốn đầu tư khỏi các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro cao, thoái vốn khỏi các ngành nghề không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính và thoái vốn theo phương án cơ cấu lại doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 11/2018, cả nước đã thoái được 17.826 tỷ đồng, thu về 155.735 tỷ đồng.
Từ năm 2016 đến tháng 8/2018, các sàn giao dịch chứng khoán đã thực hiện bán đấu giá cổ phần và thoái vốn cho 225 doanh nghiệp với tổng số cổ phần chào bán là 5.781 triệu cổ phần, tổng số cổ phần bán được là 3.259 triệu cổ phần, tỷ lệ thành công là 56%, với tổng giá trị thực tế bán được là 178.200 tỷ đồng. Thặng dư thu được từ bán đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn của 225 doanh nghiệp trên sàn giao dịch chứng khoán là 145.574 tỷ đồng với tỷ lệ là 447% giá trị thặng dư so với giá trị cổ phần theo mệnh giá.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh còn chậm chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC khi còn 35 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 10.107 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 14.706 tỷ đồng tại 5 Bộ và 8 tỉnh, thành phố chưa được chuyển giao.
Cũng theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty gửi về Bộ Tài chính, số lượng DNNN sau cổ phần hóa chưa niêm yết/ĐKGD là 747 doanh nghiệp, trong đó 231doanh nghiệp (chiếm 31%) đã đăng ký công ty đại chúng với UBCKNN (bao gồm 152 doanh nghiệp đã niêm yết và ĐKGD, 56 doanh nghiệp chưa niêm yết/ĐKGD và 23 doanh nghiệp đã hủy đăng ký công ty đại chúng). Như vậy, chỉ có 152/747 doanh nghiệp (chiếm 20,3%) thực hiện nghĩa vụ đăng ký niêm yết/ĐKGD của các DNNN sau cổ phần hóa.
Việc chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII, Nghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Cùng với đó, các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải đi đầu trong đổi mới, áp dụng công nghệ và phương thức kinh doanh theo hướng thông minh hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn, áp dụng phương thức kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, thanh toán điện tử... đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, mô hình quản lý, quản trị trong nền kinh tế 4.0.
H.A
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Xem xét lại phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp
-
Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thu về 339 tỷ đồng
-
Doanh nghiệp Nhà nước cần được tăng cường phân cấp, phân quyền để nâng cao hiệu quả kinh doanh
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị sửa khoản 3 Điều 15 dự thảo về hoàn thuế giá trị gia tăng
-
Động lực nào khiến giá vàng tăng "phi mã"?
-
Nhiều ngân hàng kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm
-
VPI dự báo giá xăng giảm, giá dầu tăng trong kỳ điều hành ngày 31/10
-
Bài 3: Thị trường điện Việt Nam sẽ có cơ chế giá điện linh hoạt