Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Có nên vị tha với "đạo văn"?

07:00 | 23/05/2018

714 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày gần đây, việc ông Nguyễn Đức Tồn, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam bị phát hiện “đạo văn” của học trò đã khiến giới khoa học và dư luận xã hội xôn xao.

Giáo sư cũng “đạo văn”?

Theo đó, cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác)” (NXB ĐHQG Hà Nội năm 2002) của ông Nguyễn Đức Tồn được cho là đã lấy gần như toàn bộ luận án phó tiến sĩ của bà Nguyễn Thúy Khanh có tên “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” được bảo vệ năm 1996 tại Viện Ngôn ngữ học. Bà Nguyễn Thúy Khanh vốn là nghiên cứu sinh do ông Tồn hướng dẫn.

Chưa dùng lại, cuốn sách này cũng được cho là đạo gần như toàn bộ 96 trang luận văn tốt nghiệp đại học của sinh viên Cao Thị Thu, chuyên ngành Ngôn ngữ học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 1991-1995.

co nen vi tha voi dao van

Cuốn sách được cho là “đạo văn” của GS Nguyễn Đức Tồn

Tại một cuốn sách khác, ông Tồn cũng lấy nguyên một bài báo của học trò là bà Thu Hà, nhưng có tiến bộ hơn là cuốn sách ghi có sự cộng tác của bà Hà.

Vốn dĩ chuyện “đạo văn” của ông Tồn đã được phát hiện từ năm 2007. Nhưng đến nay, sau hơn 10 năm mới gây ồn ào?

Trả lời báo chí vào năm 2007, ông Tồn cho biết, ông là người hướng dẫn các bài viết cho nghiên cứu sinh và sinh viên theo tư tưởng khoa học, lý luận và phương pháp nghiên cứu được lấy từ luận án phó tiến sĩ của ông đã bảo vệ tại Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô năm 1988. Luận án của ông Tồn có tên “Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa các tên gọi bộ phận cơ thể người”.

Ông Tồn cũng biện minh khi sử dụng các công trình của nghiên cứu sinh và sinh viên, ông đã chú nguồn và tác giả rõ ràng, vì thế không thể quy kết ông “đạo văn”.

Ông Tồn chia sẻ, Cao Thị Thu là cháu ruột ông, còn Nguyễn Thúy Khanh là học trò của ông, nên không bao giờ ông lại đi lấy trộm sản phẩm mà ông hướng dẫn cho cháu ông và học trò.

Theo ông Tồn, sự việc đã ngã ngũ khi Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học xem xét và kết luận từ năm 2006-2007. Theo đó, ông hoàn toàn trong sạch nên mới được công nhận giáo sư.

Cần sự minh bạch

Đến nay, sự việc vẫn chưa ngã ngũ, nhưng trường hợp này một lần nữa vô tình khơi dậy những lo ngại về chất lượng cũng như tình trạng tăng đột biến số lượng giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam những năm trở lại đây.

Trong hơn 40 năm qua, Việt Nam có 1.600 giáo sư, 10.000 phó giáo sư được phong tặng và công nhận. Nhưng trong số này, đáng chú ý chỉ có khoảng 200-300 giáo sư và khoảng 1/4 phó giáo sư đang hoạt động nghiên cứu.

Chỉ mới đây thôi, con số mà Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước công bố tổng số người đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là 1.226 người. Chỉ riêng năm 2017, con số giáo sư, phó giáo sư đã tăng đến gần 60% so với năm trước. Những con số này ngay lập tức gây xôn xao dư luận và có một câu hỏi phát sinh: Chất lượng có tương đồng với số lượng?

Câu trả lời không ở đâu xa, GS Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học, chia sẻ về trường hợp của Giáo sư Tồn trên báo chí rằng: Ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn của học trò là có thật, chính việc này đã khiến ông Tồn trải qua 7 năm hồ sơ xét giáo sư không được thông qua. Tuy nhiên, đến năm 2009, trường hợp của ông Tồn được thông qua vì tinh thần nhân văn và lòng vị tha.

Điều này khiến dư luận ngỡ ngàng đặt câu hỏi: Tại sao việc xét học hàm cao quý lại có chỗ cho tinh thần nhân văn và lòng vị tha, nhất là lại “tha bổng” cho một người “chôm” chất xám của người khác?

Trong một diễn biến khác, thông tin của Giáo sư Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước tiết lộ trong buổi lễ công bố phong tặng giáo sư, phó giáo sư tại một trường đại học: Trong hơn 40 năm qua, Việt Nam có 1.600 giáo sư, 10.000 phó giáo sư được phong tặng và công nhận. Nhưng trong số này, đáng chú ý chỉ có khoảng 200-300 giáo sư và khoảng 1/4 phó giáo sư đang hoạt động nghiên cứu.

Có nhiều lý do để số lượng giáo sư, phó giáo sư làm công tác nghiên cứu không thể cao hơn. Nhưng có một thực tế phải nhìn nhận là không một đất nước nào có số lượng học hàm, học vị nhiều như ở Việt Nam và cũng không ở đâu tình trạng “đạo văn” trở thành “cơm bữa” như xứ mình.

Người ta dễ dàng thấy tình trạng từ cử nhân cho tới các ứng viên giáo sư, phó giáo sư đều xuất hiện “đạo văn”. Xuất phát từ nhận thức, hiểu biết của sinh viên còn rất sơ khai, chưa được nhắc nhở trong ý thức nghiên cứu khoa học, cũng như vấn đề bản quyền. Còn những giảng viên, những người thầy cũng không hề đòi hỏi ở sinh viên bất cứ một tiêu chuẩn đạo đức nào, khi phát hiện có luận văn “đạo văn” dễ dàng cho qua. Việc có chế tài xử phạt gần như không có.

Ở nhiều lĩnh vực khác, thậm chí những người nổi tiếng, tình trạng “đạo văn” không kém nghiêm trọng. Những ca sĩ, nhà văn, nhà thơ “chôm” sáng tác của người khác là… thường tình. Còn những ứng viên phó giáo sư, giáo sư bị tố cáo sao chép tới 50% luận văn của người khác không phải bây giờ mới có. Chính việc làm cho có, làm cho đáp ứng đủ tiêu chí… để được phong chức danh, phong học hàm, học vị nên có sao chép của nhau cũng là chuyện thường.

Việc “đạo văn” là hệ lụy tất yếu của tư duy qua quýt suốt bao nhiêu năm qua mà chúng ta không xử lý một cách triệt để. Đó là sự qua quýt từ phía cơ quan giáo dục, từ những pháp chế và cả từ phía dư luận. Với những trường hợp “đạo văn”, dư luận xã hội có thể phản ứng mạnh mẽ, nhưng cũng cũng sẽ dễ dàng quên lãng.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý giáo dục cũng như cơ quan chức năng để có chế tài xử phạt nghiêm khắc với việc “đạo văn”. Và hơn hết, mỗi cá nhân, những người làm công tác nghiên cứu khoa học cần nâng cao ý thức nghiên cứu cũng như có trách nhiệm với “chất xám” của mình.

PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam:

co nen vi tha voi dao van

“Khi tôi làm Trưởng ban Thanh tra nhân dân ở Viện Ngôn ngữ học đã nhận được đơn phản ánh việc của ông Tồn. Thời điểm ấy, sự việc đã được Viện đưa ra bàn thảo công khai. Hiện tôi vẫn giữ văn bản vụ việc. Tháng 10-2005, Chi ủy Viện Ngôn ngữ học đã làm báo cáo sự việc gửi lên Viện Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị xem xét, giải quyết. Nhưng hồi đó, dù sự việc đã tương đối rõ ràng là ông Tồn có “đạo văn” nhưng mọi người không làm đến cùng. Đến nay, theo tôi, Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước cần xem xét lại trường hợp của Giáo sư Nguyễn Đức Tồn. Bởi nghi án “đạo văn” là một chuyện ảnh hưởng đến danh dự của một con người, rất cần được làm sáng tỏ. Đây cũng là cách để sự việc được minh bạch. Nếu đúng, theo tôi cần phải xử lý nghiêm để làm trong sạch đội ngũ trí thức, lấy lại danh dự cho những nhà khoa học chân chính”.

Huyền Anh