Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Có nên công khai tài sản cán bộ trên báo, đài?

11:23 | 19/09/2017

Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc công khai tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ hỗ trợ cho công tác giám sát, quản lý và xác minh tài sản được diễn ra nhanh chóng, chính xác nhất. Tuy nhiên, vẫn còn đó những bất cập mà nếu không “chạm” đến sẽ là những hạt sạn khiến việc triển khai quy định gặp nhiều khó khăn.

Công khai trên báo, đài

co nen cong khai tai san can bo tren bao dai
Nguyên đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông

Mới đây, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã tiến hành họp phiên toàn thể lần thứ 7. Nội dung chính của phiên họp lần này là Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Dự thảo này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự.

Theo ban soạn thảo, có 4 ý kiến của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Hải Dương và Quảng Nam đề nghị bổ sung, quy định cho các đối tượng diện kê khai tài sản cần phải công khai tài sản tại nơi cư trú. Hiện đã đưa ra hai phương án về việc công khai tài sản, song cả hai phương án này đều “vắng” việc công khai tài sản tại nơi cư trú.

Riêng UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị bổ sung quy định, việc công khai tài sản, thu nhập của lãnh đạo cấp cao lên các phương tiện thông tin đại chúng để cả xã hội giám sát, nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình, sự liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Các vị trí lãnh đạo chủ chốt, ví dụ ở cấp huyện là ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy và các trưởng phòng, ban thuộc UBND huyện và bí thư, chủ tịch UBND cấp xã; cấp tỉnh là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giám đốc các sở, ban, ngành, bí thư và chủ tịch UBND cấp huyện…

Được xem là một trong những bước quan trọng, việc kê khai, công khai tài sản dần trở thành mấu chốt góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, những quy định xung quanh vấn đề này vẫn trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi và hướng đi nào là đúng đắn, chuẩn xác nhất vẫn còn là câu hỏi.

Cân nhắc công khai mức độ?

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Lê Văn Cuông (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa) nêu quan điểm, việc công khai tài sản là một trong những biện pháp để ngăn ngừa tham nhũng, rộng đường dư luận. Tuy là cần thiết nhưng công khai đến mức độ nào và hình thức ra sao để phát huy được hiệu quả là cả một quá trình đòi hỏi sự nhạy bén, sáng suốt của cơ quan chức năng. Phải thừa nhận rằng, nếu công khai rộng quá, không cần thiết sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư của công dân. Nhưng nếu hẹp quá thì cũng không giám sát và phòng ngừa tình trạng tham nhũng được. Do vậy nên tính toán phạm vi công khai như thế nào cho hiệu quả.

co nen cong khai tai san can bo tren bao dai

“Theo quan điểm của tôi, nên tập trung ở nơi cư trú và đơn vị người kê khai công tác. Vì đây là hai địa điểm mà người dân có điều kiện tiếp xúc, nắm bắt thông tin của đối tượng nhanh và chính xác nhất nên quá trình giám sát sẽ thực tế, đạt hiệu quả nhất định. Công khai để người dân giám sát, nhưng phải xác định rõ rằng, với những đối tượng người dân không nắm được thì rất khó khả thi” - ông Lê Văn Cuông nói.

Có ý kiến cho rằng, cần thí điểm việc công khai tài sản cán bộ tại một số địa phương trước khi triển khai đại trà cả nước. Tuy nhiên, ông Lê Văn Cuông cho rằng: Nếu chưa yên tâm về hiệu quả của quy định, có thể thí điểm trước. Tuy nhiên, trong thời điểm cấp bách như hiện nay, việc thí điểm sẽ mất rất nhiều thời gian.

Về đề xuất công khai tài sản cán bộ lên báo đài, ông Lê Văn Cuông đặt câu hỏi: “Việc đưa thông tin tài sản của cán bộ, viên chức lên phương tiện thông tin đại chúng, nghĩa là phạm vi rộng, cả nước biết… liệu có thực sự cần thiết không? Hay chăng, chúng ta nên nhìn lại mục đích của vấn đề này để tính toán và cân nhắc lại sao cho hợp lý. Vừa phục vụ công tác phòng chống tham nhũng tốt nhất, nhưng vẫn phải đảm bảo được quyền riêng tư của người dân. Vấn đề nằm ở công tác tổ chức giám sát, quản lý của cơ quan chức năng là chính. Không nên áp dụng tràn lan lên tất cả các đối tượng bình thường, hay máy móc phải công khai rộng rãi khắp nơi”.

Theo chia sẻ của ông Lê Văn Cuông, với một số trường hợp, khi có nghi vấn về nguồn gốc cũng như sự minh bạch của khối tài sản đang sở hữu thì việc công khai lên báo, đài là cần thiết. Bởi lẽ số tài sản đó phát tán nhiều nơi, gây khó khăn cho việc quản lý và giám sát. Lúc này những tài sản chưa kê khai, chưa bị phát giác thì ở nơi cư trú hoặc đơn vị công tác cũng không thể nắm được mà cần đến sự hỗ trợ của người dân. Do vậy, tùy từng trường hợp cụ thể mà đưa ra quy định.

Bên cạnh việc tuyên truyền, kêu gọi sự trung thực của người kê khai tài sản, cần phải có những chế tài nghiêm khắc, đủ mạnh để răn đe. Với những tài sản không rõ nguồn gốc, tham nhũng cần phải thu hồi. Vấn đề này đưa ra cần ban soạn thảo dự án luật, các cơ quan có trách nhiệm cân nhắc và nghiên cứu thấu đáo để có những quy định sát sườn. Không nên thực hiện theo phong trào, cho có mà cần làm đến nơi đến chốn. Nếu hời hợt, chung chung sẽ không đạt được yêu cầu.

Hơn 1 triệu người kê khai tài sản

Ngày 6-9, Ủy ban Tư pháp Quốc hội tiếp tục phiên họp thẩm tra dự thảo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017. Theo thông tin trong dự thảo đã có 1.113.422 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập năm 2016, đạt tỷ lệ 99,8% số người phải kê khai. Có 77 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Năm 2017 cũng đã có 25 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật.

Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2017 gây thiệt hại trên 1.351 tỉ đồng, đã thu hồi, kê biên 158,8 tỉ đồng, 314.000 USD và 4 căn nhà, 1 căn hộ chung cư.

Thiên Minh - Đinh Hương