Có hai thứ KHÁM
Học giả An Chi: Bên cạnh nghĩa “xem xét”, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng còn ghi cho chữ “khám” [勘] một cái nghĩa nữa là “chỗ nhốt tù nhân”. Đây là một sự nhầm lẫn. Có thể là nhiều người khác cũng mặc nhiên hiểu như thế. Họ cho rằng đã có một sự chuyển nghĩa và một sự chuyển đổi từ loại từ động từ “khám” là “lục soát, kiểm tra kỹ để tìm tang chứng [….]” sang danh từ “khám” là “chỗ nhốt tù nhân”.
Thực ra, sự suy diễn từ động tác “lục soát” sang địa điểm “chỗ nhốt” là một điều không hợp lý về mặt ngữ nghĩa. Huống chi, trong tiếng Hán thì bản thân từ “khám” [勘] cũng không hề có nghĩa là nhà giam. Lời giảng trong từ điển của Nguyễn Quốc Hùng chỉ là kết quả của một sự gán ghép tuỳ tiện. Khám, nhà tù, nhà giam, tiếng Hán là “giám/giam” [監], “lao” [牢], “ngục” [獄], “giám lao” [監牢], “giám ngục” [監獄], còn thời xưa là “linh ngữ” [囹圄], không có liên quan gì đến động từ “khám” [勘] cả.
Xin nói thêm rằng, trong tiếng Hán thì “giám lao”, “giám ngục” là chính nhà ngục, nhà tù nhưng đi vào tiếng Việt thì hai từ tổ đó lại có nghĩa là người trông coi nhà ngục, nhà tù. Họa sĩ người Nhật Hiramoto Akira có một bộ truyện tranh mang tên “Giám ngục học viên” [監獄學園]; tên truyện được dịch sang tiếng Anh thành “Prison School”. Hongkong có “Xích Trụ giám ngục” [赤柱監獄], tiếng Anh là “Stanley Prison”, trước kia là “Hongkong Prison”, Tàu gọi là “Hương Cảng giám ngục” [香港監獄].
Vậy thì danh từ “khám” là nhà tù trong tiếng Việt do đâu mà ra”? Chúng tôi cho rằng đây chính là một điệp thức của “giám” [監], mà âm xưa là CÁM. Bằng chứng là phụ âm đầu của chữ trước (tức chữ ghi phụ âm của chữ được phiên thiết) trong thiết âm đời Đường của chữ “giám” [監] trong các tự thư, vận thư đều vốn là C/K [k] (về sau mới chuyển thành GI). Quảng vận ghi chữ trước đó là “cách” [格] hoặc “cổ” [古]. Vậy chẳng có gì lạ nếu âm xưa của “giám” chính là CÁM. Một bằng chứng nữa là sự chuyển biến từ C/K sang GI hãy còn nhiều chứng tích trong tiếng Việt hiện đại:
- “cá” trong “cá cược”, “cá độ” là âm xưa của chữ “giả” [假] trong ‘giả sử”, mà một điệp thức nữa là “giá” trong “giá như…”;
- “cóc”, từ cổ có nghĩa là “biết”, là âm xưa của chữ “giác”
[覺] là… biết;
- “cáy”, cùng họ với cua, còng, là âm xưa của chữ “giải” [蟹], là… cua;
- “cáo” trong “cáo già” là âm xưa của “giảo” [狡], là chó con (cũng có nghĩa là xảo quyệt);
- “cai” trong “cai nghiện” là âm xưa của “giới < giái” [戒] là chay tịnh, giữ gìn;
- “cải” trong “rau cải” là âm xưa của chữ “giới < giái” [芥] là… cải;
- “cải” trong “của cải” là âm xưa của chữ “giới < giái” [械], là đồ dùng; v.v…
Cứ như trên thì ta có thể cả quyết rằng âm xưa của “giám” ( = nhà giam) chính là CÁM còn sự chuyển biến từ CÁM (= nhà giam) thành KHÁM (= nhà giam) trong tiếng Việt hiện đại thì cũng là điều hoàn toàn có thể chứng minh được, nhờ mối quan hệ “C/K > KH”, như:
-“cân” trong “cân đai” > “khăn” trong “khăn tay”;
-“can” là khô, không có nước > “khan” trong “khô khan”;
-“cáo” là nói cho biết > “kháo” trong “kháo chuyện”;
“cáp” (chữ “hợp” [合] trong chữ “bao” [勹]) là vòng quanh > “khắp” trong “khắp nơi”;
-“cuồng” là điên > “khùng” trong “điên khùng”; v.v..
Cứ như trên thì CÁM (= nhà giam) > KHÁM là một hiện tượng bình thường. Nói cho rõ ra, CÁM, về sau đọc thành GIÁM (= nhà giam) chính là nguyên từ của KHÁM. Nhưng để cho cùng kỳ lý, chúng tôi xin đưa ra một khả năng nữa.
“Khám” là nhà giam có thể bắt nguồn từ danh từ “kham” [龕] của tiếng Hán, mà Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh và Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng không thu thập; còn Việt Hán thông thoại tự vị của Đỗ Văn Đáp giảng là “nhà ở dưới tháp; đồ đựng chứa”; Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng là “cái nhà ở dưới tháp; cái khám thờ Phật”; Hiện đại Hán ngữ từ điển (Phòng Biên tập từ điển, Sở Nghiên cứu ngôn ngữ, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1992) giảng là “cung phụng thần Phật đích tiểu các tử” (gác nhỏ để thờ cúng thần, Phật); Mathews’ Chinese English Dictionary dịch là “a niche for an idol; a shrine” (hốc tường để thờ tượng thần; khám thờ) và Dictionnaire classique de la langue chinoise của F. S. Couvreur thì giảng chi tiết nhất thành “niche d’une idole; tour de Bouddha; petite tour élevée sur la tombe d’un bonze; salle qui est au pied d’une tour de Bouddha” (hốc tường thờ tượng thần; tháp thờ Phật; tháp nhỏ xây bên trên mộ một nhà sư; phòng ở bên dưới tháp thờ Phật).
Trong tiếng Việt thì Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên giảng “khám” là “đồ thờ bằng gỗ hình cái tủ để đặt bài vị” còn quyển từ điển cùng tên của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên thì giảng là “vật làm bằng gỗ, giống như cái tủ nhỏ không có cánh, dùng để đặt bài vị, đồ thờ, thường được gác hay treo cao”. Lời giảng thì đại đồng tiểu dị mà “vật thực” thì cũng tiểu dị đại đồng về ý nghĩa tâm linh và tập quán thờ cúng. Ngày xưa và cho đến thập niên 70 của thế kỷ trước mà chúng tôi được thấy, thì danh từ “khám” chỉ cái tủ nhỏ hoặc cái hốc tường nhỏ chứa tượng và/hoặc đồ dùng để thờ là một từ vẫn còn thông dụng ở miền Bắc. Vào đến miền Nam thì nó dần dần biến âm thành cái “khánh”, có nhiều phần chắc chắn là để tránh hiện tượng đồng âm với từ “khám” là nơi giam giữ tù nhân. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng “khánh” là cái “trang nhỏ có nóc để thờ Phật”. Cái trang thì đặt trên cao chứ hiện nay, bàn thờ Thần tài Thổ Địa đặt trên nền nhà, nghĩa là ngay dưới đất, nhiều người cũng gọi là cái “khánh”, mà nguyên sơ, chính là cái khám, dĩ nhiên là khám thờ. Thực ra thì cũng chính vì thế cho nên, có ý thức hay không, từ điển Lê Văn Đức mới giảng “khám” cũng gọi là “khánh”, tức cái “lồng gỗ ba mặt có nóc để treo bài-vị thờ”.
Cứ như trên thì “khám” trong “khám thờ” của tiếng Việt chính là điệp thức của “kham” [龕] trong tiếng Hán. Sự chuyển đổi từ thanh điệu 1 (không dấu) của “kham” sang thanh điệu 5 (với dấu sắc) của “khám” là một hiện tượng hoàn toàn bình thường mà sau đây là mấy dẫn chứng:
- Chữ “âm” [喑] là câm, không nói được, còn đọc là “ấm”, mà ta có thể thấy trong từ láy giả hiệu “ấm ớ” ( < “ấm á” [喑啞] là tiếng ú ớ của người câm).
- Ngay trong tiếng Hán thì “can” [杆] là cành cây cũng có một đồng nguyên tự là “cán” [榦], cũng có nghĩa là cành cây. Chú ý: Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng đã sai khi giảng về chữ [杆] mà nói rằng “ta cũng gọi là cái Can”. Thực ra, cái “can” (= gậy, ba-toong) là do tiếng Pháp “cane” mà ra.
- Chữ “canh” [更] là thay đổi cũng đọc “cánh”, với nghĩa “lại một lần nữa”.
- Chữ “câm” trong “câm điếc” là điệp thức của “cấm” trong “cấm khẩu).
- Chữ “cung” trong “cung dưỡng” là điệp thức của “cúng” trong “cúng dàng/dường”.
Dẫn chứng khá quen thuộc là trước 1954, ngoài Bắc nói “thể thao” thì trong Nam nói “thể tháo”. Mà ngay trong tiếng Hán thì cái chữ hữu quan là [操] cũng có hai âm “thao” và “tháo” (nhưng với những nghĩa khác nhau). Đặc biệt liên quan đến vấn đề đang bàn là chữ “giám” [監] trong “giám ngục” đã đi vào tiếng Việt thành một từ độc lập là “giam” trong “nhà giam”, “giam cầm”, giam giữ” v.v... Vậy sự chuyển đổi thanh điệu từ “kham” sang “khám” hoàn toàn không có gì lạ. Sự chuyển đổi này đã diễn ra từ giữa thế kỷ XVII trở về trước, nghĩa là trước đây trên 365 năm, vì danh từ “khám” đã có mặt trong Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt Bồ La) của A. de Rhodes (Roma, 1651), trong hình thức mà ông cố đạo này đã ghi nhầm thành “khâm” rồi nhóm phiên dịch Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính “sửa” thành “khấm” tại mục “khấm ảnh” mà dịch thành “bức khung trong đó đặt tấm ảnh để nhìn và tôn kính cách xứng đáng, khám ảnh”. Đến gần cuối thế kỷ XVIII thì Pierre Pigneaux de Béhaine đã ghi đúng thành “khám” trong Dictionarium Anamitico Latinum (1772-73).
Nhưng do đâu mà KHÁM trong “khám thờ” lại trở thành “khám” là nhà tù, mà âm xưa là CÁM?
Trước nhất là “CÁM” (= nhà giam) rất gần âm với “KHÁM” (trong “khám thờ”) vì cả hai từ có nhiều đặc điểm phát âm chung:
- đều có vần ÁM;
- đều có âm đầu là những phụ âm cuối lưỡi;
- những phụ âm cuối lưỡi này đều là phụ âm ồn;
- những phụ âm ồn nầy đều là phụ âm vô thanh.
Khác nhau chỉ ở chỗ C [k] của “CÁM” là phụ âm tắc còn KH của “khám” là phụ âm xát. Sự đại đồng tiểu dị này về mặt ngữ âm cũng như sự liên tưởng có thể có về ngữ nghĩa giữa CÁM (= nhà giam) và KHÁM ( = hốc tường nhỏ hoặc tủ nhỏ dùng làm chỗ thờ) đã gây ra những sự cố ngôn ngữ mà chúng tôi thường nói đến là sự đan xen hình thức và sự lây nghĩa. Sau khi xuất hiện thì “giám” không còn giữ lại cái nghĩa “nhà giam” của “cám” nữa mà chỉ hành chức trong vai trò của một vị từ mang nghĩa “nhốt kẻ có tội” còn “cám” vẫn giữ nguyên cái nghĩa “nhà giam” nhưng đang “chết” dần, nghĩa là đang ở trong quá trình trở thành một từ cổ. Trong quá trình đó thì cái nghĩa “nhà giam” của “cám” dần dần lây sang từ “khám” trong “khám thờ” vì lý do “lien tưởng” sau đây: “cám” (= nhà giam) được quan niệm là nơi tù túng mà “khám” (trong “khám thờ”) thì đúng là một nơi tù túng vì nó chỉ là một cái hốc tường hoặc một cái tủ nhỏ “nhốt” bên trong nó các vật dụng để thờ. Rồi thì từ “cám” (= nhà giam) cũng chết thật trong lúc cái “khám” thờ cũng dần dần thay hình đổi dạng từ cái hốc tường hoặc cái tủ nhỏ thành cái nơi thờ tự “hoành tráng” hơn theo sự phát triển của xã hội. Cái “khám” chính cống nho nhỏ dần dần trở thành “đồ cổ” nhưng cái danh từ “khám” thì không chịu chết vì đã trót mang vào nó cái nghĩa của từ “cám” và sự lây nghĩa cũng hoàn tất. Thế là từ “cám” đã tái sinh trong hình thức ngữ âm mới là KHÁM còn cái danh từ KHÁM chính tông (tủ thờ nho nhỏ) thì lại đang chết dần nên nam thanh nữ tú ngày nay ít có cơ hội để biết được nó là cái chi.
A.C
Năng lượng Mới 526
- Tử vi ngày 28/10/2024: Tuổi Tỵ tình duyên tươi sáng, tuổi Dần tin tức tốt lành
- Tử vi ngày 27/10/2024: Tuổi Sửu nhận được tín nhiệm, tuổi Tuất khẳng định vị thế
- Tử vi ngày 26/10/2024: Tuổi Mão ấn tượng tốt đẹp, tuổi Mùi tràn đầy năng lượng
- Tử vi ngày 25/10/2024: Tuổi Thìn phát huy tài lẻ, tuổi Thân tiến triển tích cực
- Tử vi ngày 24/10/2024: Tuổi Tý quý nhân che chở, tuổi Ngọ tài lộc rực rỡ
- Tử vi ngày 23/10/2024: Tuổi Dần phát huy tiềm năng, tuổi Dậu cơ hội phát triển