Chuyển mình cùng cách mạng công nghiệp 4.0
Ông Phạm Hoàng Thái Dương, nhà sáng lập Công ty CP Color Life: Ứng dụng công nghiệp 4.0 bắt đầu từ đâu?
Việc ứng dụng 4.0 vào DN phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh là một xu thế của thế giới trong tương lai. Tuy nhiên, ít ai có thể mường tượng được rằng, mình sẽ phải bắt đầu từ đâu, đầu tư bao nhiêu và có gì để so sánh, đối chiếu hiệu quả hay không?
Theo nhận định chủ quan và dựa trên những gì đã và đang trải nghiệm, tôi thấy rằng, xây dựng một hệ thống 4.0 cho vận hành DN là khó, khó hơn rất nhiều những gì chúng ta tưởng tượng, vì đơn giản hiện nay rất nhiều DN cũng không thể hiểu được công nghiệp 4.0 cụ thể là những gì chứ chưa nói tới là dự định sẽ làm gì và bắt đầu từ đâu. Nhưng tôi có thể khẳng định, đó là một “môn chơi” tốn kém, xa xỉ và kết quả rất… mơ hồ.
Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, nếu xây dựng hệ thống 4.0 thành công, chúng tôi sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực trong tương lai, việc bán hàng cũng tốt hơn gấp nhiều lần so với trước đây và hiện nay. Việc này sẽ sớm bù lại hàng chục tỉ đồng chúng tôi đầu tư vào 4.0 ngày hôm nay, nên chúng tôi chọn con đường 4.0 để làm.
Nếu một DN hỏi tôi là: Muốn ứng dụng tư duy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì phải làm sao và bắt đầu từ đâu? Tôi xin trả lời rằng, việc đầu tiên là DN hãy quên đi khái niệm 4.0 và hãy tập trung vào một khái niệm khác đơn giản hơn: Chuyển đổi số.
Sau khi hoàn thành được bước chuyển đổi số thì sẽ nghĩ đến khái niệm tự động hóa DN. Đây là một bước khó và cần nhiều chuyên gia về công nghệ kết hợp với các cấp quản lý của công ty để tư vấn và đưa ra lộ trình, phạm vi tri thức hóa các phân hệ trong DN.
Thương mại điện tử phát triển mạnh buộc DN phải thay đổi cách thức kinh doanh cho phù hợp |
Mặc dù các quá trình này diễn ra tuần tự nhưng nó lại có thể diễn ra song song và hoàn thiện trong suốt quá trình DN tồn tại như việc chuyển đổi số luôn phải được cập nhật và nâng cấp để phù hợp với việc tái cấu trúc DN.
Ông Lê Đình Phong, nghiên cứu viên Trung tâm Triển khai - Khu công nghệ cao TP HCM: Nhà máy thông minh - “Tùy biến theo khách hàng”
Trước đây, việc đi mua một đôi giày thật ưng ý sẽ chiếm của bạn khá nhiều thời gian để chọn lựa giữa các nhãn hàng, với rất nhiều kiểu dáng, màu sắc cũng như chất liệu khác nhau. Rất có thể bạn sẽ chẳng chọn được đôi giày nào thỏa mãn mọi yêu cầu của mình. Ngày nay, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật. Hầu hết các thương hiệu giày nổi tiếng trên thế giới đều cho phép khách hàng của mình tự thiết kế mẫu giày riêng thông qua những ứng dụng và sau đó đặt hàng với số lượng tùy thích với giá cả gần như không khác biệt so với những đôi giày có sẵn trên kệ.
Và, câu chuyện đó ngày càng lan rộng trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Hay nói cách khác, xu hướng tùy biến cá nhân trong việc tạo ra sản phẩm đang ngày càng gia tăng. Các nhà máy truyền thống không thể thực hiện được điều đó, ngay cả những dây chuyền có mức độ tự động hóa cao cũng chỉ có thể cho ra đời từng lô hàng theo kế hoạch đã định sẵn.
Từ những nhu cầu ấy, kiểu nhà máy thông minh (smart factory) ra đời, nhằm đáp ứng thời kỳ gọi là “cá thể hóa theo số đông” hay “tùy biến theo khách hàng”.
Xu hướng tùy biến cá nhân trong việc tạo ra sản phẩm đang ngày càng gia tăng. Các nhà máy truyền thống không thể thực hiện được điều đó, ngay cả những dây chuyền có mức độ tự động hóa cao cũng chỉ có thể cho ra đời từng lô hàng theo kế hoạch đã định sẵn. Từ những nhu cầu ấy, nhà máy thông minh ra đời, đáp ứng “tùy biến theo khách hàng”. |
Nhà máy thông minh trong thời đại công nghiệp 4.0 là nhà máy của sự kết nối, tích hợp và phân tích. So với các dây chuyền sản xuất tự động - nơi các thành phần đều được thiết lập sẵn hoạt động để thực hiện một nhiệm vụ riêng biệt một cách chính xác, qua đó sẽ cùng phối hợp với các thành phần còn lại tạo nên một quy trình sản xuất chuẩn mực cho sản phẩm nào đó - trong nhà máy thông minh, các thành phần này kết nối với nhau một cách linh hoạt và có thể sử dụng những luồng dữ liệu liên tục từ các hoạt động và hệ thống sản xuất liên quan để học hỏi và thích ứng với các yêu cầu mới. Những nhà máy thông minh có thể tích hợp dữ liệu từ các máy móc thiết bị, các hoạt động liên quan và nguồn nhân lực trên toàn hệ thống để thúc đẩy sản xuất, bảo trì, theo dõi hàng tồn kho, số hóa các hoạt động thông qua sự kết hợp của bộ đôi công nghệ thông tin (IT) - công nghệ vận hành (OT) và các loại hoạt động khác trên toàn bộ mạng lưới sản xuất.
Có thể nói, các nhà máy thông minh vượt xa các nhà máy tự động hóa đơn giản trước đây. Nó là một hệ thống linh hoạt có thể tự phân tích, tối ưu hóa hiệu suất trên một mạng lưới rộng lớn hơn, tự thích nghi và học hỏi từ những điều kiện mới từ thực tế và tự động chạy toàn bộ quá trình sản xuất. Khả năng phân tích, điều chỉnh và học hỏi từ dữ liệu trong thời gian thực có thể làm cho các nhà máy thông minh đáp ứng nhiều hơn, chủ động hơn và giúp tránh thời gian ngừng hoạt động cũng như các thách thức về năng suất.
Tính năng quan trọng nhất của nhà máy thông minh là bản chất kết nối của nó. Tất cả các thành phần tham gia, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, thiết bị máy móc, cảm biến, robot, dữ liệu từ các hoạt động và hệ thống kinh doanh, các nhà cung cấp và khách hàng, nguồn nhân lực... đều được kết nối với nhau, cho phép có một cái nhìn toàn diện từ thượng nguồn cho đến các chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất, để từ đó có thể thực hiện các quy trình thông minh và hiệu quả trong các chức năng sản xuất tổng thể.
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi mạnh mẽ đời sống kinh tế - xã hội |
Tối ưu hóa toàn bộ các hoạt động nhằm giảm sự can thiệp bằng tay với độ tin cậy cao là yếu tố tạo nên sự “thông minh” cho một nhà máy. Ở đó, các dây chuyền sản xuất, đồng bộ hóa tài nguyên được tự động hóa, quá trình theo dõi và lập kế hoạch được cải tiến, việc sử dụng năng lượng được tối ưu hóa có thể làm tăng sản lượng, thời gian hoạt động và chất lượng, cũng như giảm chi phí và lãng phí trong quá trình sản xuất.
Trong nhà máy thông minh, quy trình sản xuất được minh bạch từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng, từ nhà máy đến chuỗi cung ứng, đến quá trình phân phối và kéo dài đến trải nghiệm của người dùng. Người sử dụng cung cấp thông tin phản hồi cho nhà sản xuất, dựa trên kinh nghiệm của họ với sản phẩm, về những thất bại có thể xảy ra và tổ chức có thể đưa ra các quyết định chính xác để cải tiến hoặc thực hiện các vấn đề khác. Quá trình này sẽ tạo thành vòng kín, được theo dõi theo thời gian thực.
Bán hàng xuyên biên giới và khách hàng không biên giới là một sự thay đổi rất lớn chưa từng xảy ra từ trước đến nay, nó sẽ thay đổi vĩnh viễn môi trường kinh doanh và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều DN Việt. |
Với một mạng lưới kết nối và tích hợp như vậy, trên nền tảng ứng dụng các công nghệ thu thập và phân tích dữ liệu, nhà máy thông minh luôn tạo nên trạng thái chủ động - nơi nhân viên cùng hệ thống có thể lường trước và hành động trước các vấn đề hoặc thách thức nảy sinh hơn là chỉ đơn giản phản ứng với các tình huống sau khi xảy ra. Sự chủ động này có thể bao gồm việc xác định các dị thường, phân bổ và bổ sung hàng tồn kho, xác định và dự đoán các vấn đề chất lượng, giám sát các vấn đề về an toàn và bảo trì, nhằm dự đoán kết quả trong tương lai (dựa trên dữ liệu lịch sử và thời gian thực) để từ đó có thể cải thiện thời gian hoạt động, nâng cao năng suất và chất lượng, cũng như ngăn ngừa các vấn đề về an toàn.
Cuối cùng, tính linh hoạt cho phép nhà máy thông minh thích ứng với tiến độ và việc thay đổi sản phẩm với sự can thiệp tối thiểu. Các nhà máy thông minh tiên tiến cũng có thể tự định cấu hình thiết bị và nguồn nguyên vật liệu phụ thuộc vào sản phẩm vốn đã được xây dựng và lên lịch thay đổi trước, sau đó xem tác động của những thay đổi đó theo thời gian thực. Ngoài ra, tính linh hoạt có thể tăng thời gian hoạt động và sản lượng của nhà máy bằng cách giảm thiểu sự thay đổi do thời gian lập kế hoạch hoặc thay đổi sản phẩm và cho phép lập kế hoạch một cách linh hoạt.
Những đặc tính này cho phép các nhà sản xuất nhìn thấy rõ hơn toàn bộ tài sản và hệ thống sản xuất của họ, cho phép họ dễ dàng đáp lại các thách thức mà những nhà máy truyền thống thường đối mặt, dẫn đến việc cải thiện năng suất và đáp ứng tốt hơn đến biến động về nhà cung cấp cũng như những yêu cầu từ khách hàng.
Vậy nhà máy thông minh tại Việt Nam hiện nay như thế nào?
Hiện nay, nền công nghiệp Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tự động hóa từng phần đến tự động hóa toàn bộ. Những nhà máy sản xuất có mức độ tự động hóa cao thường nằm ở các thương hiệu lớn hoặc có đầu tư từ nước ngoài, một phần do tận dụng giá nhân công lao động thấp, trong khi vốn đầu tư cho các dây chuyền tự động rất lớn và tính linh hoạt chưa cao.
Để đi đến được trình độ sản xuất tiên tiến như nhà máy thông minh cần một quá trình phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị và con người.
Ông Liêu Hưng Tiến, Giám đốc kinh doanh Công ty Haravan: Doanh nghiệp Việt đừng hành động quá muộn!
Do thương mại điện tử ngày càng phát triển và tiện lợi, nên hành vi mua sắm của khách hàng cũng thay đổi mạnh mẽ, người mua hàng rất dễ dàng tìm kiếm được thông tin người bán hoặc nhà cung cấp trên mạng, với mô tả sản phẩm, nguồn gốc và giá cả rõ ràng, cộng với việc người mua có thể đặt hàng từ bất cứ nhà cung cấp nào trên đất nước, thậm chí mua hàng ở các quốc gia khác, hàng hóa cũng sẽ được giao đến tận nhà. Chính vì thế, lợi thế cạnh tranh về địa lý hay giá cả của DN Việt đều giảm mạnh vì khách hàng rất dễ dàng tìm được nhà cung cấp giá tốt với giá cả phù hợp với yêu cầu trên thương mại điện tử. Các DN mới hiện nay đã thể hiện sự thích nghi tốt với việc này, do đó đây là việc các DN lâu đời cần lưu tâm.
Bán hàng xuyên biên giới và khách hàng không biên giới là một sự thay đổi rất lớn chưa từng xảy ra từ trước đến nay, nó sẽ thay đổi vĩnh viễn môi trường kinh doanh và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều DN Việt, trong đó đáng lo ngại nhất là hàng hóa từ Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường nước ta.
Một ví dụ điển hình như Tập đoàn Alibaba đã mua Lazada hơn 1 năm trước. Kế hoạch mở rộng thị trường của Alibaba vào Đông Nam Á đã công bố vài năm trước và hiện tại kho ngoại quan của Alibaba đã xây dựng ở biên giới Lạng Sơn hơn 2 năm và sẽ chính thức hoạt động trong 1-2 năm nữa. CEO Lazada đã công bố bắt đầu mua được hàng hóa từ 6 nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Như vậy, điều gì đến cũng đã đến, hàng hóa từ DN tới khách hàng (B2C), khách hàng tới khách hàng (C2C) của Alibaba như Taobao, 1688… rồi sẽ được kết nối lên trang Lazada, phân phối đến người dân Việt Nam tại mọi miền của đất nước. Điều này cũng xảy ra tương tự với các ngành sản xuất, du lịch và nhiều ngành nghề khác chứ không chỉ riêng bán lẻ. Vì người Việt Nam cũng có thể dễ dàng đặt gia công, đặt tour thông qua các công ty của các nước khác như: traveloka, booking…
Robot có thể thay thế lao động trong nhiều ngành nghề |
Nguy cơ lớn nhất của DN đó là “khi nhận ra mình cần phải hành động, thì đã quá muộn”. Trong lúc các mối đe dọa đang đến rất nhanh, thì các DN Việt Nam đa phần chỉ mới dừng lại ở hành động hô hào, mà chưa có hành động thực tiễn. Và khi đối thủ đã đến bên cửa nhà, chúng ta mới bắt đầu hành động thì đã quá muộn.
Hiện nay, mặc dù thói quen tiêu dùng của người dân nước ta đã thay đổi rất nhiều, nhưng giữa tiêu dùng truyền thống và hiện đại vẫn đan xen nhau vì người tiêu dùng vẫn còn nhiều e ngại về chất lượng hàng hóa trong thương mại điện tử. Do đó, DN buộc phải cộng hưởng tốt giữa hai phương thức là bán hàng trực tuyến (online) và bán hàng trực tiếp (offline), kết hợp kinh doanh và quảng cáo sản phẩm qua Internet để tăng thêm hiệu quả bán hàng, tiết kiệm chi phí. Kết hợp giữa thương mại điện tử và mô hình bán lẻ truyền thống là chìa khóa để DN bán lẻ đạt được thành công. Nếu DN không thay đổi để theo kịp xu thế này sẽ không đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh trong tình hình mới.
Mai Phương
-
Singapore: Nhu cầu LNG dự báo tăng mạnh do sự “bùng nổ” của AI
-
Kiến tạo không gian phát triển mới cho mua bán hàng hóa
-
Tin tức kinh tế ngày 23/9: Thu thuế thương mại điện tử tăng trưởng đột phá
-
Trí tuệ nhân tạo đang đẩy nhanh cuộc khủng hoảng khí hậu?
-
VinBigData ra mắt ViFi: Giải pháp AI tạo sinh toàn diện cho ngành Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm
-
Tin tức kinh tế ngày 21/10: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
-
Giá khí đốt châu Âu tăng cao khi Israel chuẩn bị trả đũa sau cuộc tấn công
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới ổn định ngày đầu tuần
-
Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Còn nhiều bất cập
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần