Chứng khoán tuần mới (từ 4 đến 6/9): Bốn lần đánh “Bạch Cốt Tinh"
Ảm đạm trước kỳ nghỉ dài
Sau hai tuần hồi phục mạnh, chỉ số VNIndex đi từ vùng 122x lên 129x, thì tuần giao dịch vừa qua chứng kiến sự giao dịch cầm chừng của phần đa nhà đầu tư. Cẩn trọng cũng phải vì, tuần giao dịch tới chỉ còn 3 ngày, thay vì 5 ngày như thường lệ. Hơn nữa, rất nhiều cổ phiếu đã tiến gần đến vùng cản mạnh khiến cho tâm lý phòng thủ, chốt lời của các nhà đầu tư rất phổ biến.
Các nhóm ngành đều có sự phân hoá, khiến cho đây là một trong những thời điểm giao dịch rất “khó nhằn" ngay cả với những nhà đầu tư lão luyện nhất.
Tại nhóm ngân hàng, trong khi TCB, HDB, STB tăng từ 2-4% thì BID, SSB, BVB cũng giảm từ 2-4%. Các mã còn lại như VCB, CTG, LPB dao động tăng giảm trong biên hẹp khoảng 1%.
Nhóm chứng khoán đa phần điều chỉnh như SHS, VCI giảm hơn 2%, SSI và HCM tăng nhẹ. Các cổ phiếu khác trong nhóm cũng chủ yếu đi ngang.
Nhóm thép bị điều chỉnh cả dòng khi HPG , HSG , NKG, VGS , SMC, TLH...đều giảm từ 1,5-3%
Dòng cổ phiếu BĐS cũng bị điều chỉnh sau hai tuần hồi phục mạnh. Khi DIG, CEO chỉnh mạnh từ 5-8%. NVL, PDR, DXG giảm nhẹ 1-2%.
Nổi bật trong tuần là sự “đột khởi" của dòng cổ phiếu họ nhà Vincom khi VIC +6,4%, VHM +4,4%, trong khi VRE giảm nhẹ.
Nhóm đầu tư công không nằm ngoài điều chỉnh chung của thị trường, khi đa phần đều điều chỉnh. Sắc xanh chỉ còn tại cổ phiếu HBC của xây dựng Hoà Bình, sau khi rời sàn Hose về với Upcom.
Thu phục Bạch Cốt Tinh, thị trường bùng nổ?
Tính từ đầu năm 2024, đây đã là lần thứ tư thị trường công phá vùng đỉnh 1300-1310. Nhiều nhà đầu tư nói vui, tuần này sẽ là tuần thứ tư chúng ta đánh nhau với Bạch Cốt Tinh. Và, rất có thể lần này chiến thắng sẽ đến với các "chứng sỹ".
Theo chị Nguyễn Thị Bích Tuyền, chuyên gia đầu tư thuộc CTCK Viet Capital, tuần qua VNindex giằng co và có nhiều phiên đi ngang liên tiếp, giữ được hỗ trợ MA10 ngày. Do trước thềm nghỉ lễ nên thanh khoản khá thấp.
Tuần này, VNindex được dự báo sẽ có nhiều sức bật hơn, do các thông tin tích cực về vĩ mô trước cuộc họp của FED và tỷ giá VND-USD đỡ căng thẳng. Dữ liệu GDP quý 2 của Mỹ sau khi điều chỉnh tăng từ 2.8% lên 3%, kèm theo đó số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm làm giảm áp lực lên thị trường lao động.
Theo báo cáo ngày 30/8 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 7 tăng 0,2% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE tăng 2,5%. Cả hai con số đều khớp với dự báo của các nhà kinh tế. Các chuyên gia dự báo FED sẽ đi đúng lộ trình cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
Bên cạnh đó chỉ số tiêu dùng CPI của Đức tăng 1% so vs cùng kỳ, thấp hơn so với tháng 7 và là mức thấp nhất trong 3 năm qua. Các dữ liệu lạm phát thấp hơn nhiều so với dự kiến tại các nền kte lớn giúp thị trường kỳ vọng lạm phát tại Eurozone trong tháng 8 hướng gần hơn tới mục tiêu 2% và kỳ vọng ECB sẽ hạ lãi suất vào tháng 9.
Tại Việt Nam, theo Bộ Tài chính, trong 7 tháng năm nay đã có 183 đợt phát trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tăng hơn 2,7 lần so với cùng kỳ. Ngành ngân hàng dẫn đầu với 136.500 tỉ đồng, chiếm 68,2% tổng giá trị phát hành toàn thị trường. Trái phiếu trở thành công cụ chiến lượt giúp ngân hàng củng cố nguồn vốn và đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn tài chính.
NHNN chủ động nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các NHTM mà không cần các ngân hàng đề nghị như các năm trước. Hạn mức tăng thêm dựa trên dư nợ thực tế của NHTM tính tới thời điểm này. Kỳ vọng tạo ra sức bật cho tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng và cũng như toàn hệ thống ngân hàng cho các tháng cuối năm.
Bà Nguyễn Thị Thảo Như – Giám đốc cao cấp Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt phân tích. Theo báo cáo chiến lược của CTCK Rồng Việt, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết ghi nhận xu hướng phục hồi và tăng trưởng tại hầu hết các nhóm ngành.
Đặc biệt, từ đầu quý II, sự tăng trưởng về quy mô, cải thiện vòng quay tài sản, và biên lợi nhuận được thể hiện rõ. Ước tính EPS (lũy kế 12 tháng) toàn thị trường đã tăng 10% so với cùng kỳ năm trước tính đến cuối quý II. Dự báo cho cả năm 2024, EPS toàn thị trường có thể tăng trưởng từ 14% - 18% YoY, với động lực chính đến từ các nhóm ngành Ngân hàng và Bất động sản, trong khi các nhóm ngành khác vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng ổn định.
Nhóm Ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục giữ vững xu hướng tích cực nhờ nhu cầu mở rộng của nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng năm 2024 có thể đạt mức 14%-15% YoY. Dự báo cho thấy quy mô nợ xấu sẽ giảm nhẹ vào cuối năm, nhờ sự phục hồi của nền kinh tế, qua đó làm giảm áp lực từ các khoản nợ xấu mới phát sinh và đẩy nhanh tiến độ xử lý các khoản nợ xấu hiện tại.
Trong lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp lớn như Vinhomes (VHM), Khang Điền (KDH), và Nam Long (NLG) đang tích cực bàn giao các sản phẩm đã mở bán, đồng thời nhiều doạn nghiệp đẩy mạnh triển khai nhiều dự án mới do nhu cầu nhà ở vẫn ở mức cao. Lãi suất thấp dự kiến sẽ tiếp tục duy trì, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bất động sản trong việc huy động vốn và phát triển kinh doanh.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, bao gồm Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), và Luật Đất đai (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, cũng đang góp phần quan trọng vào sự phục hồi và tăng trưởng bền vững của thị trường bất động sản. "Với những yếu tố trên, tôi cho rằng nhóm ngành Ngân hàng và Bất động sản sẽ tiếp tục phục hồi và phát triển”- bà Như cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Công ty CK Yuanta Hà Nội trong tuần khả năng VN-Index sẽ có nhịp điều chỉnh lấp lại vùng GAP tăng hợp lưu với vùng MA 50 và MA 100. "Tuy nhiên giai đoạn hiện tại chỉ số đã có 7 phiên tích lũy chặt chẽ về giá kèm theo thanh khoản giảm dần về cuối nhịp tích lũy cũng như thị trường chứng khoán Mỹ vượt đỉnh sẽ tạo tâm lý hưng phấn, nên tôi đánh giá xác suất ra lễ VN-Index có nhịp bùng nổ vượt 1300 điểm là rất cao"
Cũng theo bà Bích Tuyền, khả năng tuần này thị trường sẽ tiếp tục thử sức tại vùng cản 1290 - 1310, xa hơn là 1350 với kịch bản tích cực. Hỗ trợ của thị trường quanh 1260 - 1275. Nhịp này, nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ và có thể giải ngân mua thăm dò một phần nếu có nhịp rung lắc với lực bán yếu, hạn chế mua đuổi giá. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể mua thăm dò các cổ phiếu DGW, CTR, PVD, BID và GVR...
Minh Khang
-
Bùng nổ trải nghiệm với gói cước giải trí hàng đầu
-
Chứng khoán tuần mới (từ 21 đến 25/10): Chờ đợi là… hạnh phúc?
-
Chứng khoán tuần mới (từ 14 đến 18/10): Trước ngưỡng cửa “thiên đường”
-
Chứng khoán tuần mới (từ 30/9 đến 4/10): Năm lần đánh “Bạch Cốt Tinh”
-
Chứng khoán tuần mới (từ 19 đến 24/8): Qua cơn bĩ cực?
-
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến vay tối đa 30% tổng vốn đầu tư
-
Goldman Sachs: Động lực thúc đẩy giá vàng vẫn chưa... biến mất
-
Các "ông lớn" công nghệ và cuộc đua cắt giảm nhân sự
-
Cần cơ chế đặc thù cho các Tập đoàn chủ đạo trong nền kinh tế
-
Chứng khoán tuần mới (từ 18 đến 22/11): Chán nản là cơ hội?