Chủ trương mua tạm trữ lúa gạo vụ hè thu chưa thỏa đáng?
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tình hình xuất khẩu gạo của nước ta gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng sự cạnh tranh của các nước trên thế giới như: Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan… Từ đó, kéo theo thị trường trong nước trầm lắng, dẫn đến lúa hè thu rớt giá thê thảm. Hiện giá lúa tươi chỉ còn khoảng 3900 - 4400 đồng/kg đối với lúa dài, lúa IR 50404 chỉ thu mua với giá 3000 - 3700 đồng/kg, lúa khô hạt dài từ 5400 – 5500 đồng/kg, lúa IR 50404 giá 5200 – 5300 đồng/kg tại các xí nghiệp thu mua lúa gạo.
Việc triển khai thu mua tạm trữ 500.000 tấn lúa, gạo trong vụ hè thu từ ngày 10/7 đến ngày 10/8 sẽ góp phần giải quyết phần nào những khó khăn cho bà con nông dân. Tuy nhiên, đại diện nhiều tỉnh cho rằng, mới định mức đưa ra là thu mua 500.000 tấn lúa thì rất thấp so với sản lượng thực tế. Bởi nhiều địa phương dự kiến sẽ thu khoảng 1 triệu tấn lúa.
Nhiều địa phương thể hiện mong muốn Chính phủ nên có sự hỗ trợ đồng bộ trong việc thu mua lúa tạm trữ |
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, vụ hè thu năm nay toàn tỉnh xuống giống 77.381ha, đã thu hoạch gần 50.000 ha. Sản lượng vụ hè thu năm nay là rất lớn và nguy cơ tồn đọng lại tái diễn. Theo sự phân bổ của VFA, chỉ tiêu mà Hiệp hội giao cho tỉnh thu mua tạm trữ là 7.500 tấn gạo, tương đương 15.000 tấn lúa, so với sản lượng lúa đã thu hoạch thì con số này quá ít, chẳng thấm vào đâu.
Cũng thắc mắc về chỉ tiêu mua tạm trữ lúa hè thu năm nay, bà Mai Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang phân trần: Trong vụ lúa hè thu năm nay An Giang dự kiến sẽ thu khoảng 1 tiệu tấn lúa. Đây là số lượng lớn nhưng chỉ tiêu thu mua mà Chính phủ đưa ra lại quá ít. Điều này đồng nghĩa với việc mặc dù có thu mua lúa tạm trữ nhưng lúa tồn đọng trong dân vẫn còn nhiều.
Bà Tuyết cho rằng, để việc thu mua lúa gạo tạm trữ mang ý nghĩa thiết thực, tạo sự an tâm cho nông dân thì Chính phủ nên chỉ đạo cơ quan hữu quan nắm bắt lại tình hình sản xuất trong dân để có thể tăng số lượng tạm trữ nhằm giải quyết ứ đọng lúa trong dân.
Ngoài ra, nhiều địa phương thể hiện mong muốn Chính phủ nên có sự hỗ trợ đồng bộ trong việc thu mua lúa tạm trữ. Trong đó, nông dân tạm trữ tại nhà (hỗ trợ trong sấy), hỗ trợ nông dân gửi lúa tạm trữ ở kho doanh nghiệp (chi phí lưu kho, vận chuyển và sấy), hỗ trợ doanh nghiệp mua lúa tạm trữ. Bên cạnh đó nên tiến hành giám sát kiểm tra tránh tình trạng ép giá trong dân bởi nếu có tình trạng ép giá thì doanh nghiệp và thương lái được hưởng còn nông dân sẽ bị thiệt hại chẳng biết kêu ai.
Trước những thắc mắc và kiến nghị của các địa phương về việc thu mua lúa tạm trữ lúa gạo với chỉ tiêu phân bổ thấp, cơ chế giám sát chưa tốt. Ông Nguyễn Thành Biên - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, chủ trương thu mua tạm trữ các mặt hàng nông sản để đảm bảo lợi ích cho bà con nông dân là chủ trương rất đúng đắn của Chính phủ, trong thời gian qua đối với mặt hàng gạo chúng ta đã triển khai nhiều đợt thu mua tạm trữ song trong cơ chế mua tạm trữ này còn một số vấn đề cần giải quyết để đảm bảo lợi ích cho bà con nông dân, cho các địa phương có nguồn hàng lớn. Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng để giải quyết khó khăn trên nhằm có sự phân bổ phù hợp với từng địa phương.
Mai Phương
-
Giá vàng hôm nay (28/10): Giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Giá dầu hôm nay (28/10): Bất ngờ giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Liên minh Châu Âu và Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm giải pháp thuế quan xe điện
-
Thủy sản Việt Nam duy trì sức hấp dẫn trên thị trường thế giới
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 28/10: Giá dầu thế giới "tuột dốc không phanh"