Chữ Dương, có 9 chữ Dương
Năng lượng Mới số 393
Học giả An Chi: Ít nhất cũng có 9 chữ “dương” (không kể những chữ quá ít thấy).
- “Dương1” [佯] là dối trá: “Dương bệnh” là giả bệnh; “dương cuồng” là giả điên giả dại; “dương túy” là giả say; “dương tử” là giả chết; v.v..
- “Dương2” [揚] có nhiều nghĩa mà nghĩa quen thuộc nhất là giơ lên cao cho người ta thấy. Đây là nghĩa đen còn nghĩa bóng thì có thể thấy trong thành ngữ “diệu võ dương uy”. Từ điển chính tả phổ thông của Từ Lâm và các tác giả (Nxb Khoa học, Hà Nội, 1963) đã cho tại mục “giương” 5 thí dụ: Giương buồm, giương cánh, giương vây, giương cao, giương mắt. Ba thí dụ đầu thì thực sự đúng vì ở đây “giương” là căng ra. Đây là một điệp thức của “trương” [張] là mở lớn ra theo mối quan hệ ngữ âm TR ↔ GI, như: - “trá” [詐] là giả dối ↔ “giá” trong “dối giá” mà GI của “giá” đã bị D của “dối” đồng hóa; - “trại”
[砦] là hàng rào chung quanh ↔ “giại” trong “phên giại”; - “trang” [奘] là to khỏe ↔ “giang” trong “giỏi giang”; - “tranh” [争] ↔ “giành”; - “tránh” [幀] là bức, tấm ↔ “tranh” trong “tranh ảnh” ↔ “gianh” trong “gianh lợp nhà”; - “trấm” [酖] là rượu độc ↔ “giấm” trong “giấm chua”; - “trí” [置] là đặt để ↔ “gí” trong “gí súng”; - “trỉ” [滓] là cặn bã “gỉ” trong “gỉ sắt”; v.v… Nhưng trong hai thí dụ sau mà viết “giương” thì không đúng với từ nguyên vì nghĩa ở đây là đưa lên cao cho nên lẽ ra phải là “dương”. “Dương” còn có một điệp thức là “nhướng” trong “nhướng mắt” (= đưa mí mắt lên cao để nhìn cho rõ), theo quan hệ ngữ âm D ↔ NH, như “dát” ↔ “nhát”; “diếc’ ↔ “nhiếc”; “dím” ↔ “nhím, v.v…
- “Dương3” [楊] là tên chung của một số loài thực vật, như “bạch dương”, “xích dương”, “đại diệp dương”, “tiểu diệp dương”. Ở Việt Nam có nơi dùng từ “dương” này để gọi cây phi lao. Đây cũng chính là chữ “dương” trong “dương liễu”.
- “Dương4” [洋] là biển lớn. Trong phương ngữ miền Nam thì yếu tố Hán Việt này đã trở thành một từ độc lập, tách ra khỏi từ tổ “xanh dương” để chỉ khái niệm mà miền Bắc gọi là “lơ” (< “bleu” của tiếng Pháp) trong “hồ lơ”. “Hồ lơ” là “nhúng dương”. Trong tiếng Hán, nó còn dùng để chỉ một số vật xuất xứ từ phương tây, như: - “dương cầm” là piano (đến từ phương Tây); - “dương hóa” là hàng hóa đến từ phương Tây, nói chung là nước ngoài; - “dương trang” là Âu phục; v.v...
- “Dương5” [烊] là hơ, nướng trên lửa; có điệp thức là “rang”, một từ độc lập trong tiếng Việt như “rang cơm”, “bắp [ngô] rang”, v.v...
- “Dương6”, đúng ra là “dưỡng” [痒] là ngứa, có một điệp thức là “rượng” trong “rượng đực” (động vật có vú đến kỳ thì bị kích thích [ngứa]). Viết “rượn” thì không đúng với từ nguyên.
- “Dương7” [陽] là một trong hai nguyên lý, đối với “âm”, như trong “tam dương khai thái”.
- “Dương8” [颺] là gió cuốn lên. Yếu tố Hán Việt này có một điệp thức là “dông”, một từ độc lập của tiếng Việt như trong “cơn dông”, “dông tố”, “dông bão”, v.v… Viết “giông” thì không đúng với từ nguyên.
- “Dương9” [羊] là dê chỉ là một hình vị Hán Việt không độc lập, hầu như chỉ thấy ở một danh ngữ thông dụng trong tiếng Việt là “dương xỉ” [羊齒], một loài thực vật mà tên khoa học là Nephrolepis cordifolia, có khi được dùng làm cây cảnh ở nước ta.
Hai chữ [羊] và [陽] vốn là đồng âm từ thời xa xưa. Hán tự cổ kim âm biểu (tu đính bản) của nhóm Lý Trân Hoa [李珍華] (Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 1999) phục nguyên âm thượng cổ cho cả hai chữ là [ʎǐaŋ]. Đồng nguyên tự điển của Vương Lực (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997) đều phục nguyên âm thượng cổ cho cả hai chữ là [jiang]. Nhưng tuyệt nhiên không phải chỉ nhờ một câu “tam dương khai thái” (với chữ “dương” trong “âm dương”) mà con dê mới trở thành linh vật. Dê là một trong ba con vật dùng để tế lễ thời xưa. Đủ cả ba thứ trâu, dê, lợn gọi là thái lao; chỉ có dê, lơn gọi là thiếu lao. Vậy dê vốn là linh vật và vật hiến tế từ thời xa xưa và chính trên cơ sở này mà dần dần vì không biết được xuất xứ đích thực của câu thành ngữ nên dân gian mới thay chữ “dương” trong “âm dương” bằng chữ “dương” là dê. Như vậy, xét về lịch sử ra đời của thành ngữ thì chữ “dương” là dê chỉ là một từ tiếm vị. Nhưng nó đã không hất cẳng được chữ “dương” trong “âm dương” một cách triệt để, dứt khoát. Chính vì vây nên cả hai hình thức vẫn tồn tại song song cho đến tận ngày nay rồi về sau mới thấy xuất hiện một số truyền thuyết để biện minh cho câu “tam dương khai thái” với chữ “dương” là dê. Chẳng hạn thiên “Nam Việt chí” trong Hán thư chép rằng đời Triệu Đà người ta thấy xuất hiện một con dê ngũ sắc nên lấy đó làm điềm lành. Hoặc như Quảng Châu tân ngữ của Khuất Đại Quân [屈大均] đời Thanh chép rằng xưa đất Nam Hải có năm vị tiên mặc y phục màu sắc khác nhau, cỡi năm con dê cũng màu sắc khác nhau đến Quảng Châu, đem những bông lúa sáu cánh phát cho dân chúng và chúc cho họ không bao giờ bị đói kém. Xong thì đằng vân mà đi, để lại năm con dê hóa đá. Dân Quảng Châu gọi nơi đó là Dương Thành (Thành Dê), cũng gọi là Tuệ [穗], tức nhánh lúa.
A.C
- Tử vi ngày 28/10/2024: Tuổi Tỵ tình duyên tươi sáng, tuổi Dần tin tức tốt lành
- Tử vi ngày 27/10/2024: Tuổi Sửu nhận được tín nhiệm, tuổi Tuất khẳng định vị thế
- Tử vi ngày 26/10/2024: Tuổi Mão ấn tượng tốt đẹp, tuổi Mùi tràn đầy năng lượng
- Tử vi ngày 25/10/2024: Tuổi Thìn phát huy tài lẻ, tuổi Thân tiến triển tích cực
- Tử vi ngày 24/10/2024: Tuổi Tý quý nhân che chở, tuổi Ngọ tài lộc rực rỡ
- Tử vi ngày 23/10/2024: Tuổi Dần phát huy tiềm năng, tuổi Dậu cơ hội phát triển