Chống tham nhũng: Cẩn thận kẻo “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”?!
Các đại biểu nêu rất nhiều ý kiến: đồng thuận có, phản bác có, đề xuất mới có, nhưng cơ bản tập trung vào một số vấn đề sau.
Một là, việc kê khai tài sản của những người trong diện phải kê khai. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, kê khai như hiện nay mang tính hình thức và chẳng giải quyết được gì. Chính vì thế mà không ít đại biểu lại nêu thêm ý kiến rằng, cần phải kê khai cả tài sản của vợ, con, bố, mẹ người trong diện phải kê khai. Ối giời ơi! Nếu mà kê khai như thế này thì có mà chết. Thứ nhất là, về luật thì rõ ràng là ai làm thì người ấy chịu tội, nhưng việc kê khai tài sản mà lại bắt phải kê khai của cả những người thân thích thì xem ra không có cái lý nào cả.
Đành rằng, chúng ta biết rất nhiều ông bố, bà mẹ chuyển tài sản bất chính của mình cho con, hoặc ngược lại con cái chuyển ngược tài sản cho bố mẹ. Nhưng tất cả những điều đó đều chỉ có thể nói riêng với nhau, hiểu với nhau nhưng còn chứng cứ như thế nào thì là điều không thể làm được đối với một dân tộc mang đặc tính văn hóa duy tình như người Việt Nam. Người ta hoàn toàn có thể nhờ ai đó đứng hộ tên tài sản. Thậm chí chẳng cần phải là bố, mẹ, anh em. Và người ta sẽ lấy lại số tài sản sau khi hạ cánh an toàn. Cho nên, để minh bạch được tài sản đối với người Việt Nam là điều không thể và có lẽ không cách nào làm được.
Các đại biểu Quốc hội trao đổi ngoài hội trường
Vấn đề thứ hai được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cơ quan nào sẽ là cơ quan chống tham nhũng? Trong luật sửa đổi đề xuất rằng: Thanh tra, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án là những cơ quan chống tham nhũng. Nhưng một ngọn cờ mà giao cho đến 4, 5 người cùng phất thì có lẽ chẳng bao giờ phất nổi. Hay nói cách khác là sẽ lại lâm vào tình trạng “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”. Chúng ta đã có một Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban. Vậy thì đúng là phải có một cơ quan chống tham nhũng. Nếu một cơ quan mà lại có đến 4, 5 lực lượng khác nhau, cùng ngồi chung một bàn thì sẽ không bao giờ có được ý chí thống nhất. Và chính các cơ quan này sẽ lại cản trở, triệt tiêu sức mạnh của nhau.
Duy nhất có một đại biểu đề nghị cơ quan chống tham nhũng nên giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an, tăng quyền lực cho cơ quan này, đồng thời tăng chế độ đãi ngộ cho những người trực tiếp điều tra chống tham nhũng và có cơ chế đặc biệt để bảo vệ họ. Đây là một ý kiến rất hay. Bởi lẽ, lực lượng Công an có nghiệp vụ điều tra, có bề dày kinh nghiệm trong điều tra chống tội phạm, có mạng lưới cơ sở nghiệp vụ, có các phương tiện trinh sát hiện đại… Vấn đề là hiện nay lực lượng Công an đang bị “trói chân trói tay” khi điều tra với tội phạm tham nhũng bởi những quy định của luật pháp. Muốn giám sát hành trình ư? Muốn kiểm tra nhân thân ư? (nhất là đối tượng đang thuộc diện cấp trên quản lý). Muốn bố trí lực lượng trinh sát theo dõi, bám sát đối tượng ư? Phải qua tầng tầng, lớp lớp các rào cản mà không dễ vượt qua được ngay.
Vụ Dương Chí Dũng trốn thoát vừa rồi là một ví dụ điển hình. Cơ quan Công an chỉ được phép giám sát Dương Chí Dũng khi đã có quyết định khởi tố điều tra, khởi tố bị can. Còn khi chưa có quyết định ấy thì đừng nói chuyện giám sát gì. Trường hợp này cũng giống như một anh cảnh sát hình sự đi bắt tội phạm. Kẻ phạm tội có vũ khí nóng, muốn bắn nó anh cảnh sát phải bắn ba phát súng chỉ thiên và hô: “Đứng lại! Bỏ vũ khí xuống”. Nhưng than ôi, kẻ tội phạm đâu có cần chờ bắn chỉ thiên, mà có khi đã bắn anh trước rồi.
Cho nên, muốn chống tham nhũng được trong bối cảnh thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, thông tin ngày càng bùng nổ thì cần phải có những biện pháp đặc biệt và các cơ quan chống tham nhũng phải được giao quyền đặc biệt. Cũng không nên sợ lực lượng chống tham nhũng sẽ lộng quyền, lộng hành. Bởi vì những người đã thuộc dạng nghi vấn phạm tội tham nhũng hầu hết là có nhân thân đặc biệt - đó là những đối tượng có chức, có quyền, cho nên người được giao nhiệm vụ chống tham nhũng có muốn làm ẩu cũng khó.
Cũng có ý kiến cho rằng, tội phạm chống tham nhũng phải được coi như tội phản quốc và phải trừng phạt thật nặng, phải tịch biên tài sản… Nếu như đã coi những kẻ tham nhũng như tội phản quốc, thì có lẽ nên giao cho Cơ quan An ninh thực hiện việc chống tham nhũng.
Vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước, có một số vụ án chống tham nhũng lớn đã được giao cho Cơ quan An ninh như vụ Tân Trường Sanh… Nhưng sau này thì Cơ quan An ninh hầu như không tham gia vào nhiệm vụ chống tham nhũng nữa, trừ một vài vụ đặc biệt. Xem ra, nếu giao cho lực lượng an ninh đảm trách việc chống tham nhũng và có sự giám sát về mặt luật pháp của Viện Kiểm sát một cách chặt chẽ thì có lẽ sẽ tốt hơn cả. Nhưng dù là an ninh, hay cảnh sát; dù là Thanh tra, hay Viện Kiểm sát thì vấn đề quan trọng là: lực lượng chống tham nhũng phải có những quyền hạn đặc biệt.
Trong thời chống Mỹ, ở mặt sau tấm thẻ công an còn ghi rõ: Cán bộ công an khi thi hành công vụ có quyền trưng dụng phương tiện để phục vụ cho nhiệm vụ đột xuất; có quyền yêu cầu chính quyền phải cung cấp tài liệu… Tất nhiên đấy là trong thời chiến, bây giờ thì không thể thế được. Nhưng khi đã coi tội phạm tham nhũng là giặc, là nguy cơ gây mất ổn định chính trị, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng… và cần phải mở cuộc chiến đấu với loại giặc này, vậy thì tại sao không dám trao cho lực lượng điều tra tội phạm tham nhũng những quyền hạn riêng?
Một vấn đề nữa cũng được các đại biểu quan tâm là vai trò của báo chí trong việc phát hiện tham nhũng. Thậm chí có đại biểu cho rằng, cơ quan chống tham nhũng của Chính phủ trong thời gian qua chẳng phát hiện được vụ nào, mà các vụ tham nhũng hầu hết do báo chí phát hiện (?). Có lẽ do vị đại biểu đó quá yêu báo chí nên mới nói như vậy.
Đúng là thời gian qua, báo chí đã góp phần vào việc phanh phui một số vụ tham nhũng, đồng thời tạo dư luận để giúp cho công tác điều tra, xét xử được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nói rằng các vụ tham nhũng hoàn toàn do báo chí tìm ra cũng không hẳn chính xác. Việc đòi hỏi phóng viên báo chí khi có tư liệu phải cung cấp cho các cơ quan bảo vệ pháp luật có lẽ là một điều cần thiết. Bởi lẽ là nhà báo thì trước hết phải làm tròn trách nhiệm công dân, mà trong trách nhiệm công dân thì có trách nhiệm phòng chống tội phạm - nghĩa là cung cấp thông tin về kẻ phạm tội cho các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Còn nếu biết kẻ phạm tội, mà không tố giác, thì chưa biết chừng có khi lại “phạm tội che giấu, hoặc đồng lõa”. Cho nên việc làm thế nào để khuyến khích các nhà báo cung cấp tài liệu cho các cơ quan điều tra là việc cần phải đưa vào luật một cách cụ thể và đặc biệt là phải có những biện pháp để bảo vệ nhà báo. Tại sao không đặt ra cơ chế thưởng thật lớn cho các cơ quan báo chí phanh phui ra các vụ tham nhũng? Tại sao không có cơ chế thưởng cho những nhà báo cung cấp tài liệu cho cơ quan chống tham nhũng?
Cho nên thảo luận để có sự đồng thuận về một phương án tối ưu là cần thiết, nhưng điều quan trọng là luật đó phải có được sức mạnh, đồng thời phải căn cứ vào đặc điểm văn hóa của người Việt Nam. Còn nếu cứ nói chung chung, chẳng có gì cụ thể, mang tính cấp bách, quyết liệt thì xem ra, chống tham nhũng trong hoàn cảnh này hơi... bất khả thi.
Như Thổ
-
Đề xuất các giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP HCM
-
Bác Trọng - Nhà lãnh đạo của lòng dân
-
Venezuela bắt giữ cựu Bộ trưởng Dầu mỏ vì tham nhũng
-
Dân chưa giàu mà cán bộ đã giàu
-
Sai phạm trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, ngân hàng... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng