Chống chuyển giá - Cuộc chiến cam go
Bà Lê Thị Thu Hương - Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM: Thanh tra chuyển giá không đơn giản
Các quốc gia nói chung, Việt Nam nói riêng luôn quan tâm và có các giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá, thất thu thuế, song không làm ảnh hưởng đến quá trình thu hút vốn FDI cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) FDI, các công ty liên doanh hoạt động hiệu quả và phát triển tại Việt Nam.
Thanh tra chuyển giá là việc không đơn giản, phải nghiên cứu, tìm hiểu rất nhiều thông tin, kể cả trong và ngoài nước, để có thể biết được đầy đủ và toàn diện về các hoạt động thực tế của DN FDI cũng như hoạt động thực tế của bên thứ 3 (DN độc lập mà cơ quan thuế dùng để so sánh). Vì nếu không có cơ sở thì không thể đấu tranh với DN có dấu hiệu chuyển giá được.
Nghi vấn chuyển giá của DN FDI ở Việt Nam được đặt ra khi xuất hiện nhiều dấu hiệu: Số DN thường xuyên báo cáo lỗ trong nhiều năm chiếm tỷ lệ lớn; DN lỗ mất vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu không đáng kể; đóng góp vào ngân sách quốc gia thấp… |
Từ nhiều năm nay, ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực trong thanh tra giá chuyển nhượng như: Xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra trên cơ sở phân tích rủi ro để chọn các DN FDI có rủi ro cao về thuế, trong đó đặc biệt chú ý đến các DN có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế trong việc kê khai nộp thuế có giao dịch liên kết… Tuy nhiên, việc kiểm soát chuyển giá hiện vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, quản lý giá chuyển nhượng cũng chỉ đạt kết quả ở mức nhất định vì rất khó có thể kiểm soát được hoạt động mua bán của các DN trên phạm vi toàn cầu.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết. Nghị định có điểm mới (Điều 13) là quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ gồm: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có sự phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong việc quản lý giá giao dịch liên kết, góp phần tích cực cho công tác chống chuyển giá.
Kiểm soát chuyển giá nhằm chống thất thu ngân sách và tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp |
Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi thấy rằng, cần có thêm quy định về sự phối hợp của các hiệp hội ngành nghề. Bởi các hiệp hội nắm tương đối sát hoạt động của các DN. Nhưng thời gian qua, khi cơ quan thuế yêu cầu phối hợp cung cấp thông tin về giá giao dịch độc lập của các DN thì không nhận được sự phối hợp của các hiệp hội. Thực tế không có quy định pháp lý nào buộc các hiệp hội có sự phối hợp với cơ quan thuế.
Ông Nguyễn Văn Bách - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP HCM: Nhiều chiêu trò chuyển giá
Đối với các nhà đầu tư đã có ý đồ chuyển giá, ngay từ đầu trong luận chứng kinh tế - kỹ thuật của dự án, họ đã chủ động tăng giá đầu vào (máy móc, thiết bị, bí quyết kỹ thuật, phát minh, sáng chế…) để tạo giá trị “khủng” về tài sản cố định của DN FDI. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh sau này, giá cả máy móc thiết bị mới khi cần bổ sung, thay thế (kể cả trong các trường hợp tăng vốn, mở rộng sản xuất) đều được khai khống giá, tạo nên giá trị ảo về vốn. Từ đó, mức khấu hao được tăng lên, giá thành sản phẩm cao lên, lợi nhuận thấp, không có lợi nhuận, thậm chí bị lỗ.
Một hiện tượng phổ biến khác của chuyển giá là việc các DN FDI kê khai giá nguyên liệu đầu vào rất cao, đồng thời khai tăng các chi phí khác (quảng cáo, khuyến mại…) nhằm triệt tiêu lợi nhuận.
Năm 2016, Thanh tra thuế đã thanh tra chống chuyển giá tại 329 DN FDI, truy thu, truy hoàn và phạt 607,52 tỉ đồng, giảm lỗ 5.162,21 tỉ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 2.121 tỉ đồng. |
Sử dụng chi phí trả lãi tiền vay cũng là một cách mà các DN FDI chuyển giá sử dụng. Cụ thể, công ty mẹ đưa nguyên vật liệu, vật tư linh kiện đầu vào mà ở Việt Nam chưa sản xuất được hoặc chất lượng chưa bảo đảm, công ty ở Việt Nam báo cáo không có tiền mua nguyên liệu, công ty mẹ cho trả chậm và thời gian trả chậm phải trả lãi. Nên khi DN bán hàng, có lãi nhưng số lãi đó đều tính vào chi phí trả lãi tiền vay, dẫn đến hết lãi. Phần lãi thực, thông qua trả lãi tiền vay, đã chuyển hết ra nước ngoài cho công ty mẹ.
Dấu hiệu khác để nhận biết hiện tượng chuyển giá là DN FDI lỗ liên tục nhiều năm, nhưng vẫn doanh thu tăng, quy mô sản xuất vẫn mở rộng. Có DN chủ động để lỗ 3 năm, sau đó 1-2 năm có lãi ít, rồi vẫn lỗ lũy kế. Cách biến lãi thành lỗ hoặc sắp đặt mức lãi thấp, các DN FDI không thể thực hiện riêng lẻ mà thường phối hợp, liên kết trong cùng tập đoàn hoặc từng nhóm, dàn xếp giá với nhau thông qua các giao dịch liên kết nhằm cùng giảm được tổng nghĩa vụ thuế trên phạm vi toàn cầu, tăng lợi nhuận sau thuế.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM: Ngân hàng tăng cường phối hợp với cơ quan thuế
Trên thực tế, nhiều DN FDI khi báo cáo kết quả hoạt động với cơ quan thuế thì báo lỗ nhưng trong hồ sơ gửi ngân hàng để vay vốn thì lại báo lãi. Nên sự phối hợp của ngân hàng với cơ quan thuế trong việc chứng minh dấu hiệu chuyển giá của DN là rất cần thiết. Liên quan đến công tác chống chuyển giá, hệ thống ngân hàng sẽ tham gia phối hợp cung cấp thông tin qua hoạt động dịch vụ ngân hàng, hoạt động thanh toán, chuyển tiền, giao dịch ngoại hối và các dịch vụ có liên quan khác cho cơ quan thuế khi có yêu cầu.
Trong đó, ngân hàng phối hợp, cung cấp cho Bộ Tài chính thông tin về các giao dịch ngoại tệ đối với các đối tác nước ngoài của DN FDI là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam có dấu hiệu chuyển giá, trốn, tránh thuế theo yêu cầu thanh, kiểm tra của cơ quan thuế; cung cấp thông tin, số liệu về các khoản vay, trả nợ nước ngoài của các DN FDI tại Việt Nam, bao gồm dữ liệu về giá trị khoản vay, hạn mức khoản vay, lãi suất, thời hạn trả lãi, trả gốc, thực thế giải ngân, lãi vay đã trả và các thông tin liên quan khác.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường trao đổi thông tin định kỳ với cơ quan thuế, chia sẻ những kinh nghiệm nghiệp vụ chuyên sâu khi gặp các tình huống thực tế hoặc cân nhắc thiết lập một kênh liên lạc mở để có thể tham vấn khi cần thiết, nhằm tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu lực của hoạt động đấu tranh chống chuyển giá trên thực tế.
PGS.TS Trần Ngọc Đức - Đại học Cảnh sát nhân dân: Chống chuyển giá dễ đối mặt với tranh tụng Việc cơ quan quản lý thuế một quốc gia kết luận một công ty có hành vi chuyển giá và tiến hành phạt thuế có thể sẽ gặp sự tranh tụng mạnh từ phía công ty với sự hỗ trợ của các chuyên gia, luật sư từ trụ sở chính. Các công ty đa quốc gia hầu hết đều niêm yết tại các thị trường chứng khoán lớn. Do vậy, việc một công ty con bị xử phạt về thuế, đặc biệt về hành vi chuyển giá, sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến tên tuổi cũng như giá trị cổ phiếu của công ty mẹ. Các công ty đa quốc gia sẽ vận dụng mọi nguồn lực nhằm giảm thiểu các tác động xấu. Do đó, việc tranh tụng sẽ thường xuyên xảy ra. |
Th.S Nguyễn Thanh Long - Phó trưởng phòng Thanh tra giá chuyển nhượng, Cục Thuế TP HCM: Nâng cao năng lực cán bộ quản lý giá chuyển nhượng Tại các quốc gia đi tiên phong trong việc chống chuyển giá, các cán bộ thuế chuyên trách là những chuyên gia không chỉ về luật thuế mà còn có kiến thức sâu rộng về một số lĩnh vực của nền kinh tế như gia công may mặc, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi… Phải có kiến thức đủ tầm thì đấu tranh mới hiệu quả với đối tượng nộp thuế và chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh của họ. Một cán bộ thuế với kiến thức chung chung thì kết quả công việc không đạt yêu cầu là điều tất yếu. Vì vậy, cần nâng cao năng lực các cán bộ chuyên trách về quản lý giá chuyển nhượng. |
Mai Phương
-
Chuyên gia Phan Lê Thành Long: Có cơ sở để phạt doanh nghiệp chuyển giá
-
55% doanh nghiệp FDI báo lỗ: Có hay không hành vi chuyển giá, trốn thuế?
-
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu về tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp FDI
-
Nỗi đau dai dẳng của ngành Thuế!
-
Chống chuyển giá: Cần quy định rõ hơn về kiểm toán bắt buộc
-
Tin Thị trường: Bất ổn ở Trung Đông vẫn là yếu tố chính quyết định giá dầu
-
Cần những kỹ năng nào để làm việc trong môi trường đa văn hóa?
-
Adnoc gas dự báo nhu cầu khí toàn cầu tăng mạnh mẽ
-
Shell và Equinor kháng cáo các dự án dầu khí của Anh tại Biển Bắc
-
Giá dầu hôm nay (14/11): Dầu thô giảm nhẹ trong phiên