55% doanh nghiệp FDI báo lỗ: Có hay không hành vi chuyển giá, trốn thuế?
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2019, quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI đạt 7.181.000 tỷ đồng, tăng hơn 720.000 tỷ đồng so với năm 2018. Tổng tài sản đạt 7.752.000 tỷ đồng, tăng hơn 981.000 tỷ đồng so với năm 2018.
Chuyển giá” luôn là một vấn đề nổi cộm trong quản lý thuế, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả nhiều quốc gia khác trên thế giới. |
Lợi nhuận trước thuế của 22.603 doanh nghiệp FDI đạt hơn 387.000 tỷ đồng, tăng hơn 29.000 tỷ đồng so với năm 2018; lợi nhuận sau thuế hơn 324.000 tỷ đồng, tăng hơn 19.000 tỷ đồng so với năm 2018.
Tuy nhiên, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, số doanh nghiệp FDI có lãi chiếm tỷ lệ ít, mới đạt 45% số doanh nghiệp, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có số lỗ lớn và lỗ liên tục trong nhiều năm. Có tới 12.455 doanh nghiệp báo lỗ, chiếm tỷ lệ 55% dù tổng doanh thu của số doanh nghiệp này đạt khoảng 847.000 tỷ đồng, tăng gần 12,7% so với năm 2018 và tổng tài sản giảm 0,7% so với năm 2018. Có khoảng 3.545 doanh nghiệp lỗ mất vốn năm 2019, chiếm gần 15,7%, nhưng trong số này có 2.160 doanh nghiệp doanh thu vẫn tăng trưởng.
Bình luận về con số 55% doanh nghiệp FDI báo lỗ trong 2019, TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - băn khoăn về số lượng doanh nghiệp FDI báo lỗ ngày càng tăng.
Ông Doanh cho rằng doanh nghiệp lỗ một vài năm đã khó duy trì hoạt động trong khi có quá nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ liên tục mà vẫn mở rộng kinh doanh.
“Tình trạng chuyển giá diễn ra rất phức tạp, tinh vi. Cơ quan có thẩm quyền cần có cơ chế giám sát, chống chuyển giá và làm rõ một vài doanh nghiệp lớn thường xuyên báo lỗ, từ đó xác định lỗ thật hay lỗ giả. Chúng ta cần có đội ngũ giám sát chuyên sâu, dày dạn kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, hợp tác với các tổ chức kiểm toán độc lập để chứng minh được việc chuyển giá và có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, nên xem xét lại các ưu đãi cho doanh nghiệp FDI phù hợp hơn, tránh tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng chính sách để thực hiện hành vi chuyển giá, trốn thuế”, TS Lê Đăng Doanh đề xuất.
Thanh tra Tổng cục Thuế vừa ban hành kết luận thanh tra và quyết định xử lý thu thương vụ chuyển nhượng vốn Công ty Heineken Hà Nội với số tiền 917 tỷ đồng. |
Dưới góc nhìn pháp lý, để hạn chế tình trạng chuyển giá, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng thời gian qua Việt Nam đã rất nỗ lực xây dựng và ban hành nhiều chủ trương và chính sách nhằm thiết lập và dần dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo những cơ sở pháp lý nhất định cho hoạt động của ngành Thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các doanh nghiệp, tuy nhiên trên thực tế Việt Nam vẫn gặp khó trong công tác chống chuyển giá.
Từ đó, bà Thu đưa ra 4 giải pháp để hạn chế tình trạng này.
Theo đó, thứ nhất, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá: Củng cố lại cơ sở pháp lý về quản lý hoạt động chuyển giá, ban hành và hướng dẫn đầy đủ các phương pháp xác định giá chuyển giao phù hợp với trình độ phát triển kinh doanh trong nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.
“Phải làm rõ các hình thức bị coi là chuyển giá phi pháp để có thể quy định các chế tài và hình thức xử phạt cũng như quy định các “ngưỡng an toàn” cho hoạt động chuyển giá, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi áp dụng, nhưng cũng xử lý nghiêm khắc khi có vi phạm”, bà Thu nhấn mạnh.
Giải pháp thứ hai, bà Thu cho rằng cần ban hành quy chế xử phạt cụ thể cho các trường hợp phát hiện hành vi chuyển giá. Việc cụ thể hóa hình thức phạt và mức phạt sẽ tạo nên sự công bằng và hiệu quả trong công tác kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm, đồng thời giảm các tiêu cực có thể xảy ra.
Cùng với đó, bà Thu kiến nghị cơ quan thuế các cấp cần tăng cường thanh tra giá chuyển giao, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế. Chú trọng việc thanh tra, kiểm tra giá chuyển giao đối với các doanh nghiệp có nhiều thành viên; các ngành nghề có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế do hành vi chuyển giá của doanh nghiệp liên kết, các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tái cơ cấu có khả năng lợi dụng chuyển giá để tránh thuế.
Theo DĐDN
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024
-
Tăng trưởng tín dụng đạt 9%, kỳ vọng bứt phá những tháng cuối năm
-
Giá vàng hôm nay (18/10): Tiếp đà tăng mạnh