Chính sách thuế góp phần giúp doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh hội nhập
Tiến sĩ Phạm Thu Phong - Tổng biên tập Tạp chí Tài chính phát biểu khai mạc hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Phạm Thu Phong, Tổng biên tập Tạp chí Tài chính cho biết, hội thảo là một hoạt động nằm trong Chương trình hội thảo khoa học tuyên truyền, phổ biến về cơ chế, chính sách tài chính được Tạp chí Tài chính tổ chức thường niên, góp phần tích cực cung cấp thông tin bổ ích, thiết thực cho các đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp trong thực thi chính sách tài chính, đóng góp hiệu quả vào đẩy mạnh tuyên truyền các cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống.
Hội thảo tập trung tuyên truyền, phổ biến về các giải pháp và kết quả của Bộ Tài chính trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; phân tích và trao đổi về những nội dung quan trọng của các chính sách thuế, quy định mới về hóa đơn điện tử...
Trưởng phòng Pháp chế Thuế - Hải quan (Vụ Pháp chế Bộ Tài chính) Trương Huỳnh Thắng phát biểu tại hội thảo |
Chia sẻ về những nỗ lực trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Bộ Tài chính, Trưởng phòng Pháp chế Thuế - Hải quan (Vụ Pháp chế Bộ Tài chính) Trương Huỳnh Thắng cho hay, để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương ban hành Kế hoạch hành động với 32 giải pháp được cụ thể hóa thành 54 sản phẩm đầu ra nhằm mục tiêu bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, giảm chi phí kinh doanh và cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN. Tính đến 10/9/2018, Bộ Tài chính đã hoàn thành 100% kế hoạch đối với các nhiệm vụ của 8 tháng đầu năm 2018.
Đây là những giải pháp cần thiết triển khai thực hiện nhằm đảm bảo đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; phù hợp với cam kết quốc tế và xu hướng phát triển, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tăng việc làm cho người lao động và góp phần nuôi dưỡng nguồn thu.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều nội dung cải cách đồng bộ, toàn diện, hướng tới cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như: Đẩy mạnh cải cách thể chế trong lĩnh vực tài chính với cách làm sáng tạo và linh hoạt; đổi mới phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm (tuy có tăng áp lực, trách nhiệm lên cơ quan quản lý nhưng tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp); hiện đại hóa quản lý ví dụ như áp dụng hệ thống thông quan điện tử tự động VNACSS/VCIS trong lĩnh vực hải quan, hệ thống kê khai nộp thuế điện tử.
Những nỗ lực cải cách trong quản lý hành chính thuế, hải quan đã góp phần giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, xuất nhập khẩu… đóng góp quan trọng vào cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và được xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Theo báo cáo Môi trường kinh doanh toàn cầu được Ngân hàng Thế giới công bố năm 2017, Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với năm 2017), trong đó chỉ số nộp thuế xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với năm 2017), đứng thứ 4 trong nhóm nước ASEAN.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có sự phục hồi khá, gia tăng doanh thu, nâng hiệu quả kinh doanh góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động; Theo khảo sát của VCCI, có đến 71% người nộp thuế được hỏi hài lòng với kết quả cải cách của cơ quan thuế trong những năm qua.
Toàn cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, các chuyên gia của Vụ Pháp chế, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cũng đã trao đổi, giải đáp vướng mắc của các doanh nghiệp tham dự về những nội dung xoay quanh chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, về triển khai hóa đơn điện tử...
Tham luận tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) Nguyễn Văn Phụng đã chia sẻ về những nội dung nổi bật của các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh hội nhập như: Chính sách thuế xuất nhập khẩu; Thuế giá trị gia tăng; Thuế tiêu thụ đặc biệt; Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Một số nội dung về quản lý thuế và cơ chế, chính sách về hóa đơn điện tử, đặc biệt là Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ về hóa đơn điện tử.
Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) Nguyễn Văn Phụng trình bày tham luận tại hội thảo |
Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh: Nghị định số 119/2018/NĐ-CP được nhận định là bước tiến quan trọng trong lộ trình chuyển dịch sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử của Chính phủ. Nghị định được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý hóa đơn để phòng, chống việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn để gian lận, trốn thuế, khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng hoặc rút tiền thanh toán từ ngân sách nhà nước…
Nguyễn Hoan
-
Tin tức kinh tế ngày 20/10: Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cao kỷ lục
-
Giá dầu hôm nay (19/10): Dầu thô quay đầu giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh