Châu Á và Thái Bình Dương cần 1.700 tỉ USD vốn đầu tư cơ sở hạ tầng mỗi năm
Ảnh minh họa. |
Với nhan đề Đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng của châu Á, báo cáo này tập trung vào cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông, viễn thông, nước và vệ sinh. Báo cáo đã rà soát toàn diện các hoạt động đầu tư và cổ phiếu cơ sở hạ tầng hiện thời, nhu cầu đầu tư trong tương lai, và các cơ chế tài trợ cho châu Á đang phát triển.
Theo báo cáo trên, nhu cầu ước tính 1.700 tỉ USD mỗi năm (đã điều chỉnh theo biến đổi khí hậu) là hơn gấp đôi so với con số 750 nghìn tỉ USD mà ADB ước tính vào năm 2009. Việc đưa vào các khoản đầu tư liên quan tới khí hậu là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự gia tăng này. Một yếu tố còn quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng nhanh tiếp tục được dự báo cho khu vực, tạo ra nhu cầu về cơ sở hạ tầng mới. Việc đưa vào báo cáo tất cả 45 nước thành viên ADB tại châu Á đang phát triển, so với 32 nước trong báo cáo năm 2009, và sử dụng giá năm 2015 thay vì giá năm 2008 cũng góp phần giải thích cho sự gia tăng này.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao phát biểu: “Nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở châu Á và Thái Bình Dương vượt xa rất nhiều so với mức cung hiện thời. Châu Á cần xây mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng để thiết lập tiêu chuẩn chất lượng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và ứng phó thách thức cấp bách toàn cầu là biến đổi khí hậu”.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng tại 45 quốc gia nêu trong báo cáo đã có sự gia tăng vượt bậc trong những thập niên gần đây, giúp thúc đẩy tăng trưởng, giảm nghèo, và cải thiện đời sống của người dân. Nhưng vẫn còn sự thiếu hụt đáng kể về cơ sở hạ tầng, với hơn 400 triệu người vẫn thiếu điện, 300 triệu người chưa được tiếp cận nước an toàn, và khoảng 1,5 tỉ người không được tiếp cận điều kiện vệ sinh cơ bản. Rất nhiều nền kinh tế trong khu vực thiếu các công trình cảng, đường sắt và đường bộ tương xứng, có thể giúp họ kết nối hiệu quả hơn tới các thị trường lớn hơn ở trong nước và toàn cầu.
“ADB cam kết phối hợp với các quốc gia thành viên và vận dụng 50 năm kinh nghiệm và tri thức chuyên môn của ngân hàng để đáp ứng các nhu cầu về cơ sở hạ tầng trong khu vực. Do khu vực tư nhân có vai trò then chốt trong việc lấp đầy khoảng thiếu hụt, ADB sẽ thúc đẩy các chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư, cũng như những cải cách về thể chế và quy định để xây dựng danh mục các dự án hợp tác công - tư (PPP) khả thi để đầu tư”, ông Nakao nói thêm.
ADB có trụ sở chính tại Manila, hoạt động với sứ mệnh giảm nghèo ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng kinh tế đồng đều, tăng trưởng bền vững với môi trường và hội nhập khu vực. Được thành lập năm 1966, ADB đang kỷ niệm 50 năm quan hệ đối tác phát triển trong khu vực. ADB thuộc sở hữu của 67 thành viên, trong đó có 48 thành viên trong khu vực.
Những điểm nổi bật trong báo cáo Đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng của châu Á: - Các khoản đầu tư lớn nhất (đã điều chỉnh để gồm cả biến đổi khí hậu) là 14,7 nghìn tỉ USD cho năng lượng và 8.400 tỉ USD cho giao thông. Đầu tư trong lĩnh vực viễn thông sẽ là 2.300 tỉ USD, còn nước và vệ sinh có mức chi phí là 800 tỉ USD trong cả giai đoạn. - Khi tính cả các chi phí giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, Đông Á sẽ chiếm 61% nhu cầu cơ sở hạ tầng tính tới năm 2030. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ trên GDP, Thái Bình Dương sẽ vượt tất cả các tiểu vùng khác, với nhu cầu đầu tư chiếm tới 9,1% GDP. Tiếp đó là khu vực Nam Á với 8,8%; Trung Á: 7,8%; Đông Nam Á: 5,7% và Đông Á: 5,2% GDP. - Trung Quốc bị thiếu khoảng 1,2% GDP trong kịch bản có điều chỉnh theo biến đổi khí hậu. Nếu không tính Trung Quốc, mức thiếu hụt đối với 24 nền kinh tế còn lại sẽ cao hơn đáng kể, chiếm 5% GDP dự kiến. Những cải cách tài chính công có thể tạo ra nguồn thu bổ sung, ước tính bù đắp khoảng 40% số thiếu hụt (hoặc 2% GDP) cho 24 nền kinh tế này. |
Lê Dương
-
ADB: Ngành công nghiệp sáng tạo kỹ thuật số sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương
-
ADB ký thỏa thuận tài trợ giáo dục 500 triệu USD với IFFEd
-
Tin tức kinh tế ngày 28/9: Đà tăng lãi suất huy động chững lại trong tháng 9
-
ADB phê duyệt khoản viện trợ 2 triệu USD cho Việt Nam khắc phục hậu quả bão Yagi
-
ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,0% trong năm 2024
-
Kinh nghiệm quốc tế về thuế GTGT phân bón và khuyến nghị cho Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 27/10: Thanh, kiểm tra các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam
-
Giá vàng trong tuần (21/10-27/10): Kết thúc tuần tăng giá
-
Đức ký kết hợp đồng mua khí đốt tự nhiên của Mỹ trong 10 năm
-
Chủ tịch HĐQT Shinec: Kinh doanh tín chỉ carbon như "bán đàn vịt giời"