Châu Á - Thái Bình Dương đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào sản xuất điện trong 10 năm tới
Theo công ty tư vấn năng lượng, trong số khoản đầu tư dự kiến vào sản xuất điện, tổng cộng 49% được dành cho năng lượng gió và mặt trời và 12% khác dành cho việc lưu trữ năng lượng.
Ông Alex Whitworth, Trưởng phòng Nghiên cứu Năng lượng và Năng lượng tái tạo châu Á - Thái Bình Dương tại Wood Mackenzie cho biết, Ấn Độ và Trung Quốc, hai thị trường lớn nhất, đang tìm cách tăng công suất phát điện khi nhu cầu điện tăng cao và đang đặt cược vào các công nghệ than và năng lượng tái tạo rẻ hơn.
Ông Whitworth cho biết trong bài phát biểu quan trọng tại Triển lãm Năng lượng tái tạo Ấn Độ 2023: "Khi các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc phải đối mặt với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng nhanh, mỗi quốc gia sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ, tập trung vào các lựa chọn rẻ hơn là than và năng lượng tái tạo".
Nhìn chung, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ bổ sung thêm 1.840 gigawatt (GW) công suất điện mới trong 5 năm tới, nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại, theo dự báo của WoodMac.
Ông Whitworth lưu ý: "Ấn Độ và Trung Quốc đang đi đầu trong tăng trưởng năng lượng tái tạo nhưng cũng đang dẫn đầu thế giới về triển khai năng lượng than". Bất chấp một số nguồn năng lượng tái tạo có chi phí thấp nhất thế giới ở Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước này vẫn tiếp tục bổ sung công suất sử dụng than để hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu.
Tổ chức Greenpeace cho biết chỉ trong nửa đầu năm 2023, Trung Quốc đã phê duyệt hơn 50 GW điện than mới. Con số đó nhiều hơn những gì đã làm trong cả năm 2021, tổ chức môi trường cho biết thêm.
Ở Ấn Độ, than vẫn tạo ra khoảng 70% điện năng của đất nước. Wood Mackenzie cho biết: “Bất chấp mục tiêu trung hòa carbon đầy tham vọng vào năm 2070, Ấn Độ vẫn đang đầu tư mạnh vào năng lượng than mới để hỗ trợ tăng trưởng, với danh mục các dự án có công suất trên 50 GW đã được lên kế hoạch và đang xây dựng”.
Bình An
OP