Chất thải y tế: Nguồn lây bệnh
Đây là con số do Đại tá Lương Minh Thảo, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PCTPVMT) – Bộ Công an đưa ra, đã cho thấy tính cấp báo trong vấn đề môi trường y tế hiện nay, khi nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Theo Cục Quản lý môi trường y tế, mỗi ngày các bệnh viện thải ra khoảng 350-500 tấn chất thải rắn, trong đó khoảng 45 tấn là chất thải y tế nguy hại. Thế nhưng, nhiều bệnh viện không có hệ thống lò đốt chuyên dụng. Vì thế, vẫn có những vụ đốt chất thải y tế nguy hại trong khuôn viên bệnh viện với lượng lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân cũng như người dân sống xung quanh. Cục PCTPVMT cũng từng phát hiện một số bệnh viện ở Hà Nội vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, khi trong số tang vật thu được có cả rác thải của bệnh nhân cách ly như HIV, lao v.v… Một xét nghiệm khoa học đã cho thấy sự nguy hiểm của rác thải bệnh viện: mỗi một gram bệnh phẩm như mủ, đờm… nếu không được xử lý, sẽ truyền 11 tỉ vi khuẩn gây bệnh ra ngoài. Thực trạng trong quản lý chất thải y tế khiến dư luận bức xúc và lực lượng cảnh sát môi trường đang phải tăng cường phát hiện, xử lý vi phạm.
Nước thải từ các bệnh viện chưa qua xử lý xả ra môi trường cũng là một vấn đề gây bức xúc trong nhân dân các khu vực lân cận vì nó gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt, thậm chí nhiều nơi ứ đọng, thẩm thấu còn ảnh hưởng đến cả mạch nước ngầm. Mỗi ngày, các bệnh viện trong cả nước xả hàng triệu mét khối nước thải ra môi trường, một phần trong số đó mang theo các mầm bệnh hòa vào dòng chảy mương, máng, sông ngòi qua các khu dân cư. Thế nhưng, hiện cả nước chỉ khoảng 44% bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế. Nhiều bệnh viện vì lý do kinh phí đã không vận hành thường xuyên hoặc hệ thống xử lý đã xuống cấp, công nghệ lạc hậu, khiến chất lượng xử lý nước thải không đạt yêu cầu. Hầu hết các bệnh viện, phòng khám tư nhân ở vùng sâu, vùng xa đều không xử lý, hoặc xử lý qua loa rồi xả thẳng ra môi trường. Nhiều tỉnh, 100% bệnh viện không có hệ thống xử lý nước thải. Riêng TP Hồ Chí Minh đã có 24 trong 56 bệnh viện và 24 trung tâm y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế.
Theo Thượng tá Nguyễn Việt Tiến, Phó trưởng phòng PCTPVMT, Công an TP Hà Nội, thì thủ đô hiện có trên 1.000 cơ sở KCB với 169 cơ sở sử dụng máy chụp X-quang, thế nhưng đến hết năm 2010, chỉ có 25 bệnh viện, viện, phòng khám đa khoa đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại. Việc vi phạm trong thu gom, xử lý chất thải rắn y tế còn phổ biến. Bệnh phẩm lẽ ra phải được chôn, hoặc tiêu hủy bằng hóa chất, rồi đưa vào lò đốt, nhưng nhiều cơ sở, nhất là ở các cơ sở y tế tư nhân, đã không chấp hành, mà đưa vào rác thải sinh hoạt. Chỉ một số đơn vị có hệ thống nước thải tập trung như Bệnh viện Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Việt – Đức, Bạch Mai v.v… còn lại, đều xả trực tiếp ra môi trường, trong đó có những cơ sở y tế đầu ngành của thành phố trong việc KCB lây nhiễm như Bệnh viện Đống Đa.
Trong khi đó, theo khảo sát của Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường – Bộ Y tế thì nước thải của một số bệnh viện ô nhiễm nặng vượt quá nhiều lần tiêu chuẩn cho phép: 82,54% tụ cầu vàng, 15% trực khuẩn mủ xanh, 52% E.coli v.v… và là những vi khuẩn không được phép thải ra môi trường. Nước thải bệnh viện có hàm lượng vi sinh cao gấp 1.000 lần cho phép với nhiều loại vi khuẩn nấm, ký sinh trùng, virut bại liệt v.v… mà khi hòa vào nước thải sinh hoạt, sẽ bị phát tán, có khả năng xâm nhập các loại thủy sản, vật nuôi, nhất là rau thủy canh và trở lại với con người. Việc tiếp xúc gần với nguồn ô nhiễm còn làm nảy sinh nguy cơ ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác cho con người. Mỗi ngày, các bệnh viện xả hàng triệu m3 nước ra môi trường và một phần trong số đó mang theo các mầm bệnh hòa vào mương máng, ra ao hồ, sông ngòi, qua các khu dân cư, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt, thậm chí, ứ đọng và thẩm thấu làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm.
Một lo ngại nữa đã được Cục An toàn bức xạ hạt nhân, Bộ Y tế và Cục PCTPVMT kiểm tra cho thấy: Việc sử dụng các thiết bị bức xạ như máy X-quang được thực hiện ở hầu hết các bệnh viện lớn, nhưng lại chưa bảo đảm an toàn cho người bệnh khi 90% liều bức xạ mà con người nhận được từ các nguồn nhân tạo là do chiếu xạ y tế! Cả nước hiện có hơn 2.000 cơ sở X-quang, nhưng tới 55% phòng chụp không đảm bảo che chắn, 70% không đủ tiêu chuẩn kích thước và nhiều phòng chụp có mức chiếu xạ vượt 2,5 lần giới hạn cho phép.
Đó là chưa kể chất bài tiết của những người vừa chụp X-quang cũng gây hại lớn với những người xung quanh nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ một số ít bệnh viện có hệ thống kiểm soát nguồn phóng xạ hiện đại như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ (TP Hồ Chí Minh) v.v… còn hầu hết chưa có. Mà theo các chuyên gia y tế, tác hại của nhiễm phóng xạ là lâu dài với các hậu quả như có thể ngừng hoạt động tủy xương, mô limpho, tiêu chảy, sụt cân, nhiễm độc máu, vô sinh, ung thư v.v….
Nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo từ cơ quan quản lý như Bộ Y tế đến cơ sở KCB. Một số quy định còn chung chung, thiếu thực tế dẫn đến việc tổ chức, phân công trách nhiệm và quản lý chất thải y tế nguy hại còn sai phạm, việc xử lý vi phạm lại chưa nghiêm túc. Nhận thức của một số đơn vị và cá nhân còn yếu, thậm chí, lợi dụng công việc quản lý chất thải y tế để mưu lợi cho tập thể và cá nhân. Một số cơ sở KCB vì lợi nhuận đã cố tình lờ đi việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải, lò đốt, thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại chưa đồng bộ; văn bản pháp luật quy định xử lý hành vi vi phạm còn thiếu chặt chẽ và thiếu tính khả thi. Vì thế, theo Đại tá Lương Minh Thảo, để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo các BV cần phải coi việc bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
Vấn đề đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ môi trường y tế trong nhân dân và cán bộ y tế là giải pháp mang tính chiến lược, nhằm ngăn chặn việc mua, bán, sử dụng chất thải y tế nguy hại. Hệ thống văn bản pháp luật cần được hoàn thiện, để làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị cũng như áp dụng chế tài xử lý vi phạm nghiêm minh. Bộ Y tế cần chỉ đạo các cơ sở KCB đầu tư kinh phí và trang thiết bị phục vụ xử lý chất thải y tế, nhất là các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện có đông bệnh nhân và nằm ở nơi có đông dân cư.
Thanh Hằng
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí