Cầu thủ ra ràng là cầu thủ mới mọc… lông tơ
Học giả An Chi: "Cầu thủ ra ràng" là cầu thủ mới mọc lông tơ. Nhưng muốn biết thực ra các tác giả đó muốn nói gì thì có lẽ ta cũng nên dẫn những câu cụ thể của họ để suy luận.
- "Hiện tại, lứa cầu thủ đầu tiên của PVF đã 18 tuổi và sắp "ra ràng", nhưng PVF đã có sự chuẩn bị nào để tung ra sản phẩm đầu tiên do họ đào tạo?" (Đỗ Tuấn, "PVF - thế lực mới của bóng đá trẻ", Bóngđá+, 23-3-2015).
- "Lứa U17 của PVF nay chỉ còn 1 năm nữa là "ra ràng" []" (Nhật Thành, "Tiêu cực ảnh hưởng tới bóng đá trẻ: Nỗi lo "đầu ra" của các trung tâm đào tạo", laodong.com.vn, 29-7-2014).
- "Lò PVF cho "ra ràng" lứa cầu thủ đầu tiên" (tuoitreonline, 11-9-2015).
- "Và ngày lứa cầu thủ đầu tiên của học viện này ra ràng, ai cũng phấn khởi […..]" (Nhất Huy, "Xem Hoàng Anh Gia Lai, nhớ Cảng Sài Gòn", Công an TP HCM, ngày 23-11-2015).
V.v… và v.v…
Với bốn câu trích dẫn trên đây thì hiển nhiên là các tác giả của nó chỉ đơn giản muốn nói rằng các cầu thủ kia sắp "rời khỏi trung tâm đào tạo", nhưng vì khoái "sáng tạo" nên mới dùng hai chữ chuyên chỉ một đặc điểm của chim. "Ra ràng" là một ngữ đoạn vị từ thường đi chung với hai tiếng "bồ câu" thành "bồ câu ra ràng", mà ta có thể đọc thấy trên mạng một cách dễ dàng. Nhưng hiểu nó cho đúng thì hãy còn là một vấn đề mà chúng tôi muốn đặt lại, thay vì cứ để cho nó trôi qua một cách tự nhiên nhi nhiên. Ta hiện đang có ba cách hiểu.
1. Thô thiển nhất là ý kiến mặc nhiên cho rằng, "ràng" là "chuồng [bồ câu]", như có thể thấy trong hai dẫn chứng hoàn toàn trùng hợp về ngôn từ sau đây:
1a. "Bồ câu ra ràng là chỉ chim bồ câu đã được 10-15 ngày tuổi, thường vươn cổ thập thò ở tổ và ra ràng để đón ăn mồi (Lai Minh, "Bồ câu ra ràng", Tổ quốc, 22-1-2013).
1b. "Bồ câu ra ràng là chỉ chim bồ câu đã được 10-15 ngày tuổi, thường vươn cổ thập thò ở tổ và ra ràng để đón ăn mồi" (Chim bồ câu gốc quê đại bổ dưỡng cho sức khỏe, nongsanyenthe.com).
2. Cũng có cách hiểu mơ hồ, thiên về thời gian sinh trưởng như:
2a. "Trong thuật ngữ ẩm thực, chim ra ràng là thịt bồ câu khoảng một tháng tuổi; nó đã đạt tới kích cỡ gần trưởng thành nhưng chưa đầy đặn" ("Tình hình sử dụng thịt chim bồ câu", naihuou.com, 25-1-2014).
2b. "Chim bồ câu ra ràng là loại chim vừa mới sinh sản khoảng 15 ngày tuổi" ("Bồ câu ra ràng là gì", Trang trại chim bồ câu Pháp Quảng Ngãi).
2c. "Bồ câu ra ràng là loại chim vừa mới nở khoảng 10 ngày tuổi, thuộc món đại bổ chính hiệu..." ("Hấp dẫn bồ câu ra ràng", SAIGONamthuc.vn, 7-10-2013).
2d. "Chim non... sau khi nở được 3 tuần tuổi là ra ràng và chim mẹ lại chuẩn bị đẻ lứa tiếp theo, như vậy một cặp bồ câu cứ sau 40-45 ngày là cho ra một thế hệ mới" (hieumap, "Bồ câu đẻ?", Diễn đàn sinh vật cảnh Việt Nam).
3. Gần với sự thật nhất, nhưng lại không hoàn toàn hiển ngôn, là những ý kiến sau đây:
3a. "Chim ra ràng là chim mà lông dưới cổ và cánh rất ngắn và thưa, chúng chưa bay được" ("Bồ câu ra ràng ngon, bổ , rẻ - giao tận nơi", Vatgia.com).
3b. "[…] chim bồ câu dùng để hầm phải là chim mới ra ràng, chưa đủ lông […]" (DS Mỹ Nữ, "Bồ câu ra ràng hấp hạt sen", Đà Nẵng điện tử, 5-4-2010).
3c. "Chúng to chừng nắm tay và mọc lông măng thưa thớt, chỉ có phần cánh và phần lưng là mọc dày hơn chút đỉnh" (Chim bồ câu gốc quê đại bổ dưỡng cho sức khỏe, nongsanyenthe.com).
3d. "Bồ câu phải là bồ câu "mới ra ràng", vừa mới mọc đầy đủ lông con chứ bồ câu già quá thì không còn ngọt, thịt bị dai" ("Thưởng thức món bồ cầu tiềm thuốc bắc ở Quy Nhơn", KinhteSaigonOnline, 19-4-2012).
3e. "Bồ câu ra ràng (mới bắt đầu đủ lông) là béo và mềm ngọt nhất" (Cách nấu cháo chim bồ câu bổ dưỡng cho bà bầu và trẻ em, vaobepnauan.com).
Cách hiểu thứ 3 là cách hiểu xác đáng hơn vì rất gần với nội dung ngữ nghĩa của hai tiếng "ra ràng" mà Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967) giảng là "nói chim con, thường là chim bồ câu, mọc đủ lông" còn từ điển cùng tên của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên thì giảng là "[chim non] mới mọc đủ lông, đủ cánh, bắt đầu có thể bay ra khỏi tổ". Thực ra thì lời giảng của cả hai quyển từ điển trên đây đều cần được chỉnh lý. Từ điển Văn tân đã đưa vào lời giảng nét nghĩa "mọc đủ lông" thì không chính xác còn từ điển Hoàng Phê lại chế tạo thêm cái nét nghĩa "bắt đầu có thể bay ra khỏi tổ" thì càng bay xa sự thật. "Ràng" là lông tơ của loài chim cho nên "ra ràng" có nghĩa là "đang mọc lông tơ" và ngữ đoạn này cùng nằm trên một trục đối vị (paradigmatic axis) với "ra hoa", "ra lá", "ra nhánh", "ra nụ", "ra rễ", v.v... Vậy "bồ câu ra ràng" là "bồ câu con đang mọc lông tơ" (Xin xem ảnh) nên chẳng làm sao "có thể bắt đầu bay ra khỏi tổ". Hai quyển từ điển mang đặc trưng của phương ngữ Nam Bộ là Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của và Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức đều nhầm lẫn vì đã đánh đồng hai chữ đồng âm (theo ngữ âm Nam Bộ) khác nghĩa là "ràn" và "ràng". "Ràn" là "chuồng gia súc, gia cầm" còn "ràng" là "lông tơ của loài chim". Đại Nam quấc âm tự vị không có "ràng" mà chỉ có "ràn" nhưng lại ghi nhận hai mục: - "Ra ràn. Chim con mới nở, mới ra khỏi ổ, mới biết chuyền".
- "Cu con ra ràn. Chim cu mới nở, hiểu là một vật ăn rất ngon".
Giảng như vậy thì mâu thuẫn vì mới nở thì không thể ra khỏi ổ (tổ) và càng không thể biết chuyền. Và cu con mới nở thì cũng chẳng ai ăn vì chỉ có "cu con ra ràng" (chứ không phải "ràn") mới được "hiểu là một vật ăn rất ngon" mà thôi. Việt Nam tự điển cũng không có "ràng" còn mục "ra ràn" thì được giảng là "tơ, nói về loài chim vừa mọc lông, to con, thịt mềm, chưa rỏ ( = chưa săn chắc - AC). Ở đây, lời giảng thì có thể xem là đúng nhưng chính tả thì sai vì chữ "ràng" lại bị ghi thành "ràn". Phải là "ràng" thì mới vần một cách ngon lành với "nàng" trong câu "Nhất chim ra ràng, nhì nàng bỏ guốc" hoặc với "tang" trong câu "Cau phơi tái, gái mãn tang, bồ câu ra ràng, gà mái ghẹ".
Tóm lại, "ra ràng" là "mọc lông tơ"; bởi vậy ta không nên vì sính chữ mà biến cầu thủ mới "rời khỏi trung tâm đào tạo" thành "cầu thủ mới… mọc lông tơ".
Năng lượng Mới 478
- Tử vi ngày 30/10/2024: Tuổi Ngọ trên đà tăng tiến, tuổi Thân hướng đi triển vọng
- Tử vi ngày 29/10/2024: Tuổi Dậu cải thiện tài chính, tuổi Tuất kinh doanh có lợi
- Tử vi ngày 28/10/2024: Tuổi Tỵ tình duyên tươi sáng, tuổi Dần tin tức tốt lành
- Tử vi ngày 27/10/2024: Tuổi Sửu nhận được tín nhiệm, tuổi Tuất khẳng định vị thế
- Tử vi ngày 26/10/2024: Tuổi Mão ấn tượng tốt đẹp, tuổi Mùi tràn đầy năng lượng
- Tử vi ngày 25/10/2024: Tuổi Thìn phát huy tài lẻ, tuổi Thân tiến triển tích cực