Cẩu thả đến thế là cùng!
Năng lượng Mới số 298
Ra mắt công chúng ngày 11/2, 4 tác phẩm điêu khắc về các danh tướng: Việt quốc công Lý Thường Kiệt, Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận được sự quan tâm từ cộng đồng. Dự án làm tượng 4 danh tướng của dân tộc ta do Hội quán Di sản cùng Circle Group thực hiện.
Chưa nói đến thần thái của các danh tướng trong các bức tượng thì trong các chú thích cho các bức tượng đã có những sai sót nghiêm trọng cả về mặt ngữ pháp tiếng Việt, lỗi chính tả và thậm chí là thiếu sự nhất quán trong cách sử dụng từ. Thay vì ghi đúng họ tên Đại tướng là “Võ Nguyên Giáp”, bảng chú thích chỉ viết “Võ Nguyên” và phía dưới là “Võ Nguyễn Giáp”. Phần dẫn giải Đại tướng có công lao to lớn khi làm nên những trận thắng chấn động địa cầu cũng sai chính tả khi viết thành “trấn” động địa cầu.
Bên cạnh đó, cách dịch cụm từ “Việt quốc công Lý Thường Kiệt” thành “Vietnamese Prince” của dự án cũng không ổn. Một số người cho rằng, lối dịch này chưa chính xác bởi “prince” để chỉ các hoàng tử hoặc hoàng thân quốc thích, còn “Việt quốc công” nói đến người có công với đất nước. Như vậy, khi chuyển ngữ sang tiếng Anh như trên sẽ gây nhầm lẫn bởi Lý Thường Kiệt xuất thân từ nông dân, không phải là hoàng thân quốc thích.
Tượng 4 danh tướng của dân tộc do Hội quán Di sản cùng Circle Group thực hiện
Nhân dịp khai hội đền Trần (Thái Bình), nhiều du khách tham quan không khỏi… giật mình khi xem bảng giới thiệu về tiểu sử của một số vị vua Trần. Trong đó, tại phần giới thiệu về vua Trần Nhân Tông có nội dung khá… ngô nghê đó là giới thiệu về “nghề nghiệp” của ông là “Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”. Bên cạnh đó, nhiều từ cũng dùng chưa chuẩn xác, như: phần giới thiệu về Trần Nhân Tông lại gọi là “cai trị”, bởi nếu dùng chính xác phải là “trị vì”. Câu chữ trong bảng trên nhiều chỗ vướng vào tự nhiên chủ nghĩa, như trong phần “cai trị” của vua Trần Nhân Tông có viết: “Bấy giờ, nhà Nguyên sai sứ sang hạch điều này, trách điều nọ, triều đình cũng có nhiều việc bối rối”... Một số câu chữ còn lủng củng, dài dòng, thông tin không rõ ràng và quá nhiều thông tin khiến khách đọc rất khó hiểu.
Gần đây, những sai sót trong những sự kiện văn hóa không còn quá hiếm, đến mức kể cả có biết, nhiều người cũng tặc lưỡi bỏ qua vì “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Thật khó có thể lý giải tại sao những người mang danh “làm văn hóa” lại có thể cẩu thả, tùy tiện như vậy trong chính nghề nghiệp của mình. Một vị tướng tài ba, kiệt xuất của dân tộc có đáng bị viết mất tên. Một vị vua hiền minh, người sáng lập ra Thiền phái Trúc lâm không thể dùng từ “cai trị”! Và thật sự, liệu có khách tham quan nào quan tâm đến “nghề nghiệp của vua”?
70 năm trước, trong truyện ngắn “Đời thừa”, nhà văn Nam Cao đã viết: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”.
Sau khi những sai sót được báo chí phát hiện và phản ánh, Hội quán Di sản - đơn vị thực hiện dự án “Danh tướng Việt Nam” đã xác nhận những sai sót này và lý giải quá trình chuyển đoạn text lý lịch của Đại tướng từ word sang đồ họa, ra phim rồi in, font chữ bị nhảy nên đã xảy ra sai sót đáng tiếc trên. Thêm nữa, đại diện của cơ quan tổ chức cũng lý giải, do… thời gian thực hiện chỉ trong 3 ngày nên khâu kiểm tra không được chu đáo, đầy đủ. Cách lý giải này, nghe qua thật nực cười và cũng thật khó chấp nhận!
Một nhà Sử học có dự phần vào việc này, ông Dương Trung Quốc biện minh: “Cũng phải thông cảm, các bạn trong dự án tự bỏ tiền túi ra thực hiện. Chỉ có những sai sót về chính tả. Khi biết được sai, các bạn trong dự án đã nhanh chóng sửa chữa. Đó là sơ suất thì ban tổ chức sửa ngay chứ có gì mà phải ầm ĩ. Chỉ là sai sót kỹ thuật! Các bạn cũng đã nhận sai rồi, chẳng lẽ lại kiểm điểm hay kỷ luật họ”.
Lại một lần nữa, sự cẩu thả trong văn hóa lại được ngụy biện bởi sự lấp liếm “do đánh máy”, “do sơ suất”, “đã nhận sai” của những người có trách nhiệm. Có lẽ cần phải nhìn nhận một cách xác đáng hơn về trách nhiệm của những người làm văn hóa, kiểm duyệt văn hóa khi để xảy ra những sai sót nghiêm trọng như thế này. Đó không chỉ là sơ suất hay sai sót kỹ thuật mà còn là sự cẩu thả, coi thường nghề nghiệp của chính bản thân mình, coi thường công chúng.
Sự cẩu thả này được thể hiện rõ ràng qua những câu chữ chắp vá; những thông tin hời hợt, nhồi nhét; những ngôn từ sáo rỗng, sai lệch về những bậc vĩ nhân, những người cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Có lẽ, nó không còn là sự cẩu thả, mà là sự thờ ơ với lịch sử và với những người đã đem lại hòa bình, độc lập cho đất nước của chính những người đang đeo mác “văn hóa”. Họ là những người làm văn hóa nhưng thực sự không có văn hóa, thiếu sự tôn trọng cơ bản đối với các danh nhân lịch sử và những đối tượng hưởng thụ văn hóa.
Khó có thể biện hộ cho những dòng chữ lủng củng, lộn xộn, sử dụng dấu câu, viết hoa tùy tiện như trong lễ khai hội đền Trần và dự án “Danh tướng Việt Nam” là “thiếu thời gian” hay “lỗi đánh máy”. Điều này chỉ có thể giải thích bằng sự khiếm khuyết trong kiến thức và tùy tiện trong cách sử dụng từ ngữ và cách diễn đạt.
Có ai đó đã nói rằng ở Việt Nam, đánh máy là một nghề nguy hiểm bởi lẽ bất thình lình một ngày những “cậu đánh máy” hay “cô thư ký” có thể trở thành chiếc bình phong cho những sai phạm gây ra bởi sự cẩu thả, tùy tiện và vô trách nhiệm của những người làm văn hóa.
Có lẽ nhìn vào những triển lãm, những lễ hội văn hóa ngày nay, chúng ta có thể phần nào hiểu được tại sao sách báo hiện nay lại mắc những lỗi sai khủng khiếp và nghiêm trọng đến vậy. Nhớ lại thời bao cấp, những cuốn sách 500-700 trang chỉ có khoảng hai, ba chục lỗi sai về chính tả. Thế nhưng hiện nay, sách báo lỗi tràn lan, chỉ cần tùy tiện mở một trang sách, mở một tờ báo là có thể “nhặt cả rổ” những lỗi chính tả, lỗi dùng từ, lỗi diễn đạt, lỗi trình bày… mà chỉ được giải thích do “đánh máy”.
Chúng ta đang hô hào rằng dân trí đang được nâng cao, văn hóa đang được nâng tầm và cần lắm những người quảng bá được nền văn hóa ấy ra nước ngoài. Nhưng văn hóa của chúng ta có thật sự cao, dân trí nước ta có đang được cải thiện? Chúng ta vẫn chấp nhận sự tùy tiện, cẩu thả trong mọi lĩnh vực của xã hội. Nhiều giảng viên đại học đã phải than thở rằng, so với trước đây, dù điểm luận văn tốt nghiệp ngày càng cao hơn nhưng chất lượng luận văn đang đi xuống bởi lẽ sinh viên ngày càng cẩu thả. Sinh viên không thích viết mà chỉ thích cắt dán từ trên báo mạng và các luận văn khóa trước, thậm chí không màng sửa lại diễn đạt, câu cú...
Nhưng trách cứ làm sao được sinh viên khi giới khoa học cũng đua nhau viết lên những công trình cẩu thả, được xét duyệt cẩu thả và nghiệm thu cẩu thả. Nghiệm thu xong tất cả lại xếp lên giá chờ bụi phủ.
Rõ ràng một khi sự cẩu thả đi cùng với thói chuộng hình thức và ngụy biện thì hậu quả sẽ thật khôn lường. Những thói tật này đã được cảnh báo rất nhiều lần, mềm mỏng có, thống thiết có, nhưng có lẽ, nếu không có một khung chuẩn về văn hóa thì cũng chỉ như “nước đổ lá khoai”!
Vương Tâm
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam