Cáp treo qua Sông Hồng: "Quan xã" đổ tội cho báo chí!
Ông Dưa và cỗ máy khi chưa “đắp chiếu”.
Sáng nay (25/8) phóng viên PetroTimes nhận được tin cụ Nguyễn Thị Tịnh (93 tuổi) mẹ ông Trần Văn Dưa (64 tuổi) – người làm ra “cáp treo” qua sông Hồng (thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội) đã qua đời.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Vương Ngọc Chi, Phó Chủ tịch xã Đại Mạch khẳng định: “Cỗ máy” này không chở người. Bây giờ chúng tôi đình chỉ hoạt động rồi. Báo chí vào nhiều, gia đình người ta bức xúc nên hôm qua bà cụ mất rồi”.
Ông Chi cũng cho biết: “Hôm nay gia đình ông Dưa đang lo hậu sự cho cụ Tịnh. Đấy, sau khi báo chí đưa tin người ta bức xúc đến mức độ đó cơ mà. Già là phải chết, tuy nhiên đáng ra là bà cụ chưa chết chỉ vì người ta nghĩ nhiều, vì bức xúc chuyện đó (“cáp treo” bị ngừng hoạt động - PV) nên như thế”.
Nói thêm về việc “đắp chiếu cáp treo” qua sông Hồng, ông Chi nói: “Xuất phát từ sáng kiến của người dân, họ làm như thế giảm thời gian vận chuyển chuối và các nông sản khác nhưng báo chí đưa tin nhiều khi quá nên ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì cỗ máy này. Đáng lẽ với những sáng kiến đó cần được ủng hộ đằng này lại bị đình chỉ”.
Tuy nhiên, khi phóng viên trao đổi với ông Dưa, ông xác nhận việc cụ Tịnh mất là đúng. Còn về việc cụ Tịnh mất, ông Dưa cũng khẳng định không liên quan đến những lùm xùm quanh hệ thống “cáp treo”.
Ông Dưa nói: “Không. Cụ tuổi cao nên mất, không có liên quan gì đến “cáp treo” cả. Trong việc đó cụ không biết vì. Cụ năm nay 93 tuổi, mất sau nửa tháng ốm rồi”.
Để chắc chắn, phóng viên hỏi lại ông Dưa thêm một lần nữa, ông Dưa vẫn chắc chắn rằng: “Cụ 93 tuổi, ốm nửa tháng nay rồi. Cụ bị khó thở, tuổi cao sức yếu, chúng tôi chăm sóc nhưng không qua khỏi chứ không phải là liên quan đến việc kia (“cáp treo” qua sông – PV) đâu. Nói thế nào thì nói chứ nếu nói là vì cái “cáp treo” nên cụ mất thì không đúng”.
Trao đổi thêm về việc tạm ngưng sử dụng “cáp treo”, ông Dưa cho biết: “Một ngày sau khi báo chí phản ánh, chính quyền xã Đại Mạch đã yêu cầu ngưng sử dụng “cáp treo”. “Cáp treo” hiện đang tạm ngừng để bảo dưỡng. Tuy nhiên nếu xã có yêu cầu ngừng sử dụng “cáp treo” thì chúng tôi sẵn sàng chấp thuận”.
Như đã thông tin, ở xã Đại Mạch có 3 hệ thống “cáp treo” tự chế qua sông Hồng. Mỗi “cỗ máy” đầu tư khoảng 20.000.000đ, chủ yếu vận chuyển chuối, phân bón và chở người…
Sau khi báo chí phản ánh, dư luận xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Có người cho rằng “cáp treo” chỉ dùng chở nông sản, phân bón qua sông. Có người lại khẳng định “cáp treo” có chở người và việc đưa người qua sông tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.
Nhiều năm quản lý lỏng lẻo và không có các biện pháp hỗ trợ người dân, nhưng khi báo chí đưa tin thì UBND xã Đại Mạch lại "nhanh nhảu" yêu cầu các hộ dân ngừng việc dùng “cáp treo” để vận chuyển chuối, phân bón… qua sông Hồng. Chưa hết, "quan xã" Đại Mạch không tiếc lời "vu vạ" cho báo chí!
Xuân Hinh
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam