Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Cao Tự Thanh phủ nhận lệ kiêng húy

14:08 | 14/03/2015

|
Bạn đọc: Tôi nghe nói tác giả Cao Tự Thanh phủ nhận lệ kiêng húy trong lịch sử nước nhà. Tôi nghĩ là trước đây ta có kiêng chứ. Nhờ ông An Chi cho biết thực hư ra sao? Xin cảm ơn. Nguyễn Hữu Dũng (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Năng lượng Mới số 404

Học giả An Chi: Mở đầu đầu bài “Hoàng - Huỳnh, Phúc - Phước, Vũ - Võ … với vấn đề kiêng húy” (trucnhatphi.wordpress.com), tác giả Cao Tự Thanh đã khẳng định:

“Trước nay, không ít người vẫn coi hiện tượng các từ Việt Hán có hai âm đọc song vẫn không thay đổi ý nghĩa từ vựng và chức năng ngữ pháp như Hoàng - Huỳnh, Phúc - Phước, Vũ - Võ… là kết quả của việc kiêng húy các vua chúa phong kiến. Đáng tiếc là đến nay quan niệm sai lầm ấy vẫn được nhiều trí thức, trong đó có cả một số nhà ngôn ngữ học chính thức thừa nhận và công khai phổ biến. Cho nên cần phải có một sự đính chính trước khi người ta kéo nhau đi tìm tên vợ con và bà con nội ngoại của các vua chúa để giải thích bằng được và bằng hết những Cương - Cang, Cảnh - Kiểng, Chính - Chánh hay Uy - Oai, Tiến - Tấn, Tùng - Tòng…”.

Với 135 chữ trên đây, Cao Tự Thanh đã phủ nhận một sự thực lịch sử hiển nhiên từ bao đời nay và là đối tượng nghiên cứu cho công trình song ngữ Việt - Pháp của Ngô Đức Thọ nhan đề Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại dày 445 trang, chưa kể các trang phụ lục (NXB Văn hóa, 1997). Ông Thanh đã cả quyết một cách cực kỳ bất ngờ rằng “cần phải có một sự đính chính trước khi người ta kéo nhau đi tìm tên vợ con và bà con nội ngoại của các vua chúa”. Nhưng không biết Ngô Đức Thọ có cái vinh dự được đọc bài trên đây của Cao Tự Thanh (1993) hay chưa mà sau đó 4 năm thì, trong công trình đã nêu, tác giả này đã ghi nhận cho ta 531 trường hợp kiêng húy qua các triều đại sau khi đã sưu tầm và phân tích các lệnh kiêng húy của nhiều đời vua trong lịch sử nước nhà tại “Phụ lục 4” của quyển sách. Cứ theo phụ lục này thì ông Thanh đã sai ngay từ đầu với ba cặp “Hoàng - Huỳnh, Phúc - Phước, Vũ - Võ”. Ông Thanh đã thực sự chí lý khi viết:

“Đã gọi là “quốc húy” thì phải có thông báo bằng văn bản cụ thể theo đúng thủ tục hành chính và có hiệu lực pháp lý hẳn hoi cho dân biết dân làm, không phải chuyện bí mật quốc gia hay hoạt động bí mật để thông báo nội bộ hay rỉ tai nhau trong giới quan lại mà kiêng húy”.

Về ý kiến này thì Cao Tự Thanh đã chí lý! Thì đây, liên quan đến chữ “hoàng” của ông, trang 132 trong công trình của Ngô Đức Thọ đã ghi rõ: “Lệnh kiêng húy lần thứ 2: Tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 6 [1825] (…) Kiêng âm, không được dùng để đặt tên người, 11 chữ: Kim 淦, Hoàng 潢, Nguyên 源, Lan 瀾 (…)”.

Hiển nhiên là lệnh mà Ngô Đức Thọ ghi nhận đã đáp ứng yêu cầu nghiêm cẩn mà Cao Tự Thanh đã nêu. Nhưng liền tiếp theo ngay ý kiến trên đây của mình thì ông Thanh lại thách thức:

“Và riêng dân Nam Bộ thì đến năm 1861 có nhận được chỉ dụ cuối cùng của Tự Đức phổ biến về 47 chữ “quốc húy” (1862-1867 Nam Kỳ đã bị Pháp chiếm làm thuộc địa rồi), trong đó có 20 chữ đã được Minh Mạng thông báo trong chỉ dụ kiêng húy vào loại đầu tiên của triều Nguyễn năm 1825. Ai muốn biết rõ về 47 chữ ấy xin cứ tìm bộ Đại Nam Thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn mà đọc, xem có những Hoàng (vàng), Phúc, Vũ, Cảnh, Cương, Chính… và hàng trăm chữ khác mà các nhà Kiêng Húy học trước nay vẫn gán bừa cho tổ tiên ta không”.

Xin thưa với ông Thanh rằng, chữ “hoàng” [黄] là (màu) vàng đâu có mắc mớ gì đến tên húy của Chúa Tiên là chữ “hoàng” [潢]  bộ “thủy” mà ông đòi cho nó có mặt trong chỉ dụ của Tự Đức về 47 chữ quốc húy. Ở đây, người ta kiêng là kiêng âm mà ông. Đây, xin mời ông đọc:

“Lệnh kiêng húy lần thứ tư: Tháng 12 năm Tự Đức thứ 14 (1861).

Xuống dụ ban bố lệnh cấm đặt tên người đồng âm với chữ húy của bản triều.

Sở dĩ có lệnh kiêng húy này là do một lần vua xem tờ tâu của bộ binh, trong đó có một người là Lê Tiến Hoàng 黎進黄 (đây chánh cống là chữ “hoàng” = vàng - AC) trùng âm húy của Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế (là chữ “hoàng” [潢] - AC), vua bèn bắt đổi tên là Lê Tiến Bình 黎進平. Nhân đó, vua truyền cho các cơ quan ở Quốc tử giám cùng với người của Nội các và bộ Lễ sai lục tất cả các chữ húy đã chép trong sách Hoàng triều ngọc điệp, kể thêm cả tên húy của hoàng hậu, ban bố cho trong ngoài đều biết” (Ngô Đức Thọ, sđd, tr.156).

Vấn đề rất rõ ràng nên dĩ nhiên là ông Thanh chỉ có thể tiếp tục khẳng định ý kiến của mình nếu ông có đủ phép mầu để xóa bỏ các lệnh kiêng húy hữu quan của triều Nguyễn mà Ngô Đức Thọ đã có công sưu tầm và ghi nhận. Nhưng có lẽ điều làm cho ông phải sửng sốt là chuyện chính chữ “Hoàng” [潢], tên cúng cơm của Chúa Tiên, cũng đọc là “huỳnh”, dĩ nhiên là do kiêng âm, hoàn toàn đúng với quy định của lệnh kiêng húy đã thấy ở trên. Thì đây, cứ mở Dictionnaire annamite-français của J.F.M. Génibrel (Saigon, 1898), trang 323, cột 1, ta sẽ thấy mục sau:

“潢 Huình. (Bàu), Étang. Ngân huình, Voie lactée”.

Với mục từ này, ta biết được rằng “huỳnh” là “bàu” (trong “bàu sen”), mà Génibrel đối dịch là “étang” và ta còn có thêm “Ngân huỳnh”, có nghĩa là “Ngân hà” (Voie lactée). Đây hiển nhiên đích thị là chữ [潢] dùng để ghi tên của Nguyễn Hoàng. Dù ông Thanh có vùng vẫy quyết liệt đến cỡ nào thì ông cũng dứt khoát không thể nào tự cởi trói được khỏi những sự thật mà chúng tôi đã nêu. Đến như những chữ “Cảnh”, “Cương”, “Chính” mà ông cũng đòi cho chúng phải có mặt trong lệnh kiêng húy của Tự Đức thì đây là một điều cực kỳ phi lý và lố bịch vì chúng đâu có phải là những chữ húy của nhà Nguyễn. Nhưng về lý thì không phải húy của nhà Nguyễn lại không có nghĩa là không phải húy của nhà khác. Huống chi, đâu phải chỉ có sự kiêng húy mới tạo ra “các từ Việt Hán có hai âm đọc song vẫn không thay đổi ý nghĩa từ vựng và chức năng ngữ pháp”.

Trong bài đại luận của mình ông Cao Tự Thanh còn sai ở những điểm khác nữa. Ông viết:

“Nếu thống kê chi tiết toàn bộ những An - Yên, Bách - Bá, Càn - Kiền, Chân - Chơn, Dũng - Dõng, Đương - Đang, Giới - Giái, Hợp - Hiệp, Khỉ - Khởi, Lã - Lữ, Mệnh - Mạng, Nhật - Nhựt, Trường - Tràng, Thịnh - Thạnh, Súy - Soái, Vũ - Võ… thì con số các từ Việt Hán bị đọc chệch âm nói trên sẽ vượt xa tất cả đồng thời chẳng có gì ăn khớp với những cái tên vua chúa Việt Nam”.

Thật ra, những “cặp đôi” trên đây là do ông Thanh cao hứng hạ bút liệt kê trong cơn phấn khích chứ chẳng có tác giả chín chắn nào lại ngớ ngẩn mà khẳng định rằng, tất cả các cặp đó đều chỉ do có một tục kiêng húy mà ra. Nhưng liền sau đó, ông Thanh còn viết tiếp trong ngoặc đơn:

“Chẳng hạn gần đây có người cho rằng vì kiêng húy các chúa Trịnh Tùng, Trịnh Cương nên dân Việt ở miền Bắc đọc Tùng, Cương ra Tòng, Cang như tam tòng, tam cang, song người ta không hiểu vì sao hai ông chúa ấy lại cứ để yên cho thiên hạ lếu láo đọc tên Trịnh Kiểm là Kiểm không có chút gì là kiêng húy…”.

Ông Thanh đã mặc nhiên nghe theo ý kiến của người đó chứ thực ra thì chính người miền Bắc mới nói “cương”, nói “tùng”, như có thể thấy trong Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức là một quyển từ điển lấy phương ngữ miền Bắc làm nền tảng. Trong Nam mới nói “tòng”, nói “cang”. Trong Nam mà nói “Võ Tòng đả hổ” thì nhiều người biết chứ nói “Vũ Tùng đả hổ” thì người ta sẽ lõ con mắt mà ngó. Trong Nam chỉ nói “gia cang”, không nói “gia cương”; thậm chí “dây cương” trước đây người ta cũng nói thành “ dây cang”, v.v... Dĩ nhiên là riêng tại đoạn này ta chỉ xác định miền nào nói “tùng”, “cương”, miền nào nói “tòng”, “cang”, chứ không đề cập đến chuyện kiêng húy. Cũng xin nói thêm rằng, húy của Trịnh Cương thì lại viết với bộ “mộc” [木] thành [棡], là một chữ không thông dụng bằng hai chữ [剛], [綱].

Còn về chuyện “cứ để yên cho thiên hạ lếu láo đọc tên Trịnh Kiểm là Kiểm” thì xin mời ông Thanh đọc Chương IV (Chữ húy đời Lê trung hưng - Tây Sơn) trong công trình của Ngô Đức Thọ (tr.78-112) để có thể biết được rằng, thời đó vẫn có kiêng húy tuy không chặt chẽ bằng những thời khác. Tại trang 91, ta có thể thấy tên các chúa Trịnh: Kiểm, Tùng, Căn, Doanh, Sâm cũng được viết kiêng húy ít nhất là trong một tài liệu (so với nhiều tài liệu không kiêng húy khác).

Cũng trong bài đại luận của mình, ở một phần dưới nữa, Cao Tự Thanh khẳng định:

“Vào khoảng cuối Minh đầu Thanh, ngôn ngữ Trung Quốc đã bắt đầu mất phụ âm đầu D khiến Dân (nhân dân), Diểu (xa) chuyển thành Mín, Miểu (…)”.

Chúng tôi đã chỉ ra và phân tích cái sai căn bản này của ông Thanh trong bài “Em [M] không đến từ Dê [D]” trên Năng lượng Mới số 395 (30/1/2015). Cũng liên quan đến chuyện kiêng húy, trong bài “Nghĩ về phương ngữ Nam Bộ” (trucnhatphi.wordpress.com), Cao Tự Thanh viết:

“Ngoài ra, việc tiếp nhận mảng từ vựng gốc Hoa theo lối đọc Minh âm, Thanh âm trên địa bàn phía nam đèo Hải Vân từ thế kỷ XVII còn dẫn tới cách đọc Việt Hán khác với Đường âm, ví dụ võ (vũ), huỳnh (hoàng), soái (súy), trúc (trước) [lẽ ra phải là “trước (trúc)” - AC], cách đọc trong một thời gian dài đã bị ngộ nhận là do kiêng húy các vua chúa”.

Không biết ông Thanh căn cứ vào đâu - hay chỉ phát ngôn không hóa đơn? - mà nói rằng “soái (súy), trước (trúc) là cách đọc trong một thời gian dài đã bị ngộ nhận là do kiêng húy các vua chúa”. Chúng tôi không thấy ai nói như thế cả, có lẽ do đọc ít chăng. Vậy xin nhờ ông Thanh chỉ ra cho biết. Còn việc ông khẳng định rằng, “võ (vũ), huỳnh (hoàng), soái (súy), trước (trúc)” là do việc tiếp nhận mảng từ vựng gốc Hoa theo lối đọc Minh âm, Thanh âm” thì chỉ là chuyện hoàn toàn vô căn cứ.

Trong bài “Cao Tự thanh, dịch giả tự cao” (An ninh thế giới giữa & cuối tháng, 17/2/2011), tác giả Phạm Phú Lữ đã ghi lại lời hay ý đẹp của Cao Tự Thanh: “Tôi chỉ nói cái gì tôi biết, nhưng có vài người cứ lên mặt nói những cái họ không biết”. An Chi xin tặng ông 34 chữ: “Có người không biết mà cứ tự cho là mình biết. Tốt nhất, để cho đúng đạo lý, ta nên theo phương châm: Biết thì thưa thốt; không biết thì dựa cột mà nghe”.

A.C