Cần sửa đổi Luật Thuế GTGT để giải quyết các bất cập trong thực tiễn
Cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để giải quyết các bất cập trong thực tiễn |
Hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận về Dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi |
Trước Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. |
Theo đó, dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi) gồm 04 Chương, 18 Điều. Dự án Luật được xây dựng với mục đích hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào NSNN, đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN. Đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định, luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật (Nghị định, Thông tư) nhằm cải cách thủ tục hành chính; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, thống nhất, ổn định chính sách, thực hiện quản lý thuế điện tử, bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào NSNN.
Khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.
Dự thảo Luật về cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách. Theo đó, dự thảo Luật: Giữ nguyên nội dung quy định tại 05 Điều của Luật Thuế GTGT hiện hành gồm: phạm vi điều chỉnh (Điều 1); thuế GTGT (Điều 2); đối tượng chịu thuế (Điều 3); căn cứ tính thuế (Điều 6); phương pháp tính thuế (Điều 9). Sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 11 Điều của Luật Thuế GTGT hiện hành gồm: người nộp thuế (Điều 4); đối tượng không chịu thuế (Điều 5); giá tính thuế (Điều 7); thuế suất (Điều 8); phương pháp khấu trừ thuế (Điều 10); phương pháp tính trực tiếp trên GTGT (Điều 11); khấu trừ thuế GTGT đầu vào (Điều 12); các trường hợp hoàn thuế (Điều 13); hóa đơn, chứng từ (Điều 14); hiệu lực thi hành (Điều 15); tổ chức thực hiện (Điều 16). Bổ sung 01 Điều quy định về thời điểm xác định thuế GTGT và 01 Điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đối với những nội dung sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật đã bám sát theo 05 nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế GTGT (sửa đổi) đã được UBTVQH đồng ý gồm: (1) Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT; (2) Hoàn thiện các quy định về giá tính thuế GTGT; (3) Hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế GTGT; (4) Hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào; (5) Hoàn thiện các quy định về hoàn thuế GTGT. Đồng thời, thực hiện ý kiến của Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp thứ 28 của UBTVQH (ngày 18/12/2023): “Quy định về thuế GTGT nằm ở nhiều nghị định khác nhau, nên cần rà soát luật hóa tối đa, tránh tình trạng luật khung, luật ống nhất là đối với luật về thuế”, dự thảo Luật đã luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật đối với 04 nhóm chính sách là: người nộp thuế, thời điểm xác định thuế GTGT, phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh. |
Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh khẳng định: Ủy ban nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về các trường hợp không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào: Dự thảo Luật quy định cho phép không tính thuế đầu ra nhưng được khấu trừ thuế đầu vào đối với nông lâm thuỷ sản chưa chế biến. Hiện nay việc chuyển nhượng dự án đầu tư và một số trường hợp khác cũng đang được áp dụng cơ chế tương tự. Ủy ban TCNS đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình làm rõ luận cứ và cơ sở pháp lý của các quy định này.
Về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT: Dự thảo Luật sửa đổi quy định mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (theo quy định của Luật hiện hành) thành “dưới mức do Chính phủ quy định”. Ủy ban TCNS cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT là cần thiết để phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và cần được quy định cụ thể trong Luật để xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng.
Về việc bổ sung đối tượng áp dụng thuế suất 5%: Dự thảo Luật chuyển phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển, các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang nhóm hàng hóa áp dụng mức thuế suất 5%. Trong Ủy ban TCNS có 2 luồng ý kiến: (i) Một luồng ý kiến đồng tình với nội dung của dự thảo Luật để giải quyết vướng mắc, bất cập kéo dài của chính sách thuế GTGT hiện hành đối với các ngành sản xuất trong nước về các hàng hóa này; (ii) Một luồng ý kiến không tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc áp dụng thuế suất 5% sẽ làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, tăng giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước. Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc sửa đổi chính sách này, từ góc độ tác động đối với các ngành sản xuất trong nước cũng như từ góc độ tác động đối với người nông dân...
Huy Tùng