Cần “đắc nhân tâm”!
Năng lượng Mới số 281
Hội nghị đánh giá tình hình yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng tại TP Hà Nội vừa diễn ra ngày 3/12 được quan tâm không phải là những con số báo cáo thành tích, mà vẫn là một trong những chủ đề đã làm dậy sóng trên các diễn đàn suốt kỳ họp Quốc hội vừa qua. Đó là việc bồi thường cho 10 năm bị tù oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà người dân đã bàn luận rất nhiều. Trên thực tế, theo Cục Bồi thường Nhà nước, đã có việc điển hình nhất.
Ngày 26/8/2013, TAND tỉnh Thái Bình bị tuyên buộc phải bồi thường cho một công dân số tiền trên 21 tỉ đồng vì đã ra bản án oan, gây thiệt hại về tài sản cho ông này. Số tiền TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi cũng là số tiền lớn nhất mà cơ quan tố tụng buộc phải bồi thường cho người bị oan sai từ trước đến nay. Đây là số tiền không hề nhỏ và tiền ngân sách đã phải “gánh” cho lỗi của một số người tiến hành tố tụng gây ra cả chục năm trước đây, bởi vì số tiền mà những cán bộ, công chức trực tiếp gây oan sai phải hoàn trả khá khiêm tốn so với mức Nhà nước bỏ ra để bồi thường. Việc này được dẫn ra như một ví dụ điển hình về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Công an Bắc Giang thừa nhận có sai sót dẫn đến việc ông Nguyễn Thanh Chấn bị án oan 10 năm tù
Còn với vụ ông Chấn, Cục Bồi thường Nhà nước đã tham mưu cho Bộ Tư pháp về những thiệt hại xác định được theo định lượng để tính toán bồi thường cho ông Chấn như tổn thất tinh thần trong thời gian bị giam giữ tù oan (khoảng 560 triệu). Các khoản khác ông Chấn muốn được bồi thường phải chứng minh được thiệt hại thực tế, từ đó các cơ quan thẩm quyền sẽ có cân nhắc, quyết định bao gồm cả những thiệt hại về tài sản bị xâm phạm, tài sản thu nhập thực tế bị mất…
Thực ra, ông Cục trưởng đã dẫn đúng Điều 9 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định quyền, nghĩa vụ của người bị thiệt hại. Theo đó, ông Chấn có quyền:
a- Yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại, khôi phục danh dự theo quy định của luật;
b- Được cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc tòa án giải quyết và thông báo việc giải quyết bồi thường;
c- Khiếu nại, tố cáo quyết định, hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;
d- Khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng;
đ- Yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Nhưng ở khoản 2 lại quy định ông Chấn có nghĩa vụ:
a- Cung cấp kịp thời, đầy đủ và trung thực tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu giải quyết bồi thường;
b- Chứng minh về thiệt hại thực tế đã xảy ra.
Chính điều này khiến bạn đọc xôn xao cho rằng, ông Chấn phải chứng minh ư? 10 năm sống trong đau đớn, mất mát. 10 năm cả gia đình sống với sự miệt thị, khinh bỉ của hàng xóm, láng giềng. Vợ liệt sĩ và gia đình phải sống trong tủi nhục. Kinh tế kiệt quệ, nghèo đói. Con cái không được học hành đến nơi đến chốn. Tình cảm cha con, vợ chồng thiếu vắng. Có bồi thường hàng trăm tỉ cũng không bù đắp lại được. Như vậy là quá đủ rồi, đừng làm đau đớn thêm cho gia đình liệt sĩ nữa!
Một bạn đọc khác tỉnh táo hơn đã viết: Thực sự để bồi thường công bằng đối với ông Chấn nói riêng và những người oan sai nói chung thì rất khó có thể đánh giá chính xác được. Cần có điều tra đánh giá mức độ tổn thất về tinh thần và sức khỏe cũng như vật chất của riêng cá nhân người bị oan sai, kèm theo đó là: chi phí của người thân thuê luật sư và các lần gửi đơn minh oan, rồi cả hệ lụy đối với gia đình của họ ở mức độ nào đó (như con cái mang tiếng không thể tiếp tục học hành, xin việc..).
Theo các chuyên gia, án oan sai đã rõ, vậy mà nút thắt vấn đề không những vẫn chưa được tháo gỡ mà người bị oan còn có nguy cơ tiếp tục bị đẩy vào hết tình thế mắc kẹt này tới thế bí khác, thông qua những quy định được coi là cứng nhắc, máy móc.
Sẽ rất có lý khi cho rằng, với những người có học và có tiền bạc như công dân Thái Bình thì việc tìm bằng chứng chứng minh thiệt hại không khó. Ông này đã tính được con số 21 tỉ đồng thiệt hại để đòi bồi thường. Nhưng với những người nông dân quanh năm không ra khỏi lũy tre làng như ông Chấn, việc chứng minh là khó. Làm nông đâu có thu nhập gì đáng kể. Ông Chấn có thể lấy từ báo cáo của HĐND tỉnh Bắc Giang những con số về bình quân GDP để làm bằng và như các cụ nói “nó lú thì chú nó khôn”, ông Chấn sẽ có bảng tổng hợp toàn bộ thiệt hại trong 10 năm bị tù oan. Nhưng ai dám nói rằng, UBND xã sẽ ký tên đóng dấu xác nhận cho gia đình ông đã tiêu tốn bao nhiêu tiền khi chạy khắp nơi kêu oan, thiệt hại bao nhiêu do ông Chấn bị tù oan mà không làm ăn gì được.
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng viết rằng: “Hỡi bạn trẻ! Hãy bán cho tôi một năm tuổi trẻ, tôi sẽ trả cho bạn một tỉ đô xanh”.
Vậy Cục Bồi thường Nhà nước có vận dụng lý tình khi bồi thường cho ông Chấn đáng đồng tiền bát gạo? Xin quý Cục hãy “đắc nhân tâm” trong vụ án ông Chấn!
Bảo Dân
-
Nga đòi bồi thường hơn 1 tỷ đô la từ gã khổng lồ dầu mỏ Anh
-
Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 8/2024
-
Quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
-
TP HCM: Vì sao nhiều dự án chậm giải ngân tiền bồi thường, tái định cư?
-
Belarus yêu cầu Nga bồi thường 640 triệu USD cho các nhà máy lọc dầu
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị BRICS mở rộng