Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Căn bệnh “khó chữa” của ngành giáo dục

06:50 | 24/11/2012

Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bộ Giáo dục và Đào tạo từng phát động phong trào “Chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” và tất cả học sinh, giáo viên đều phải cam kết thực hiện phong trào này bằng một chữ ký. Thế nhưng xem ra bệnh thành tích trong ngành giáo dục trầm kha lắm, trở thành căn bệnh “thâm căn cố đế” khó mà “điều trị” được.

Mới đây thôi, một học sinh lớp 3 tại một trường điểm ở Hà Nội về khoe với mẹ: “Ngày mai lớp con có đoàn kiểm tra đến dự tiết học nên hôm nay cô con chuẩn bị kỹ lắm. Cô dạy chúng con trước bài đó rồi chỉ định cả bạn này, bạn kia ngày mai sẽ trả lời câu hỏi của cô trước lớp. Mà phần trả lời ấy đều do cô làm sẵn và các bạn chỉ việc học thuộc. Cô còn dặn khi cô hỏi thì cả lớp phải giơ tay phát biểu. Nhưng cô sẽ chỉ gọi những bạn đã được chỉ định thôi”.

Thật là, chỉ một việc nhỏ như vậy, đã thấy bệnh thành tích hiện rõ lên như thế nào. Vì sau giờ dự tiết đó, chắc chắn năng lực, chuyên môn của mỗi giáo viên sẽ được đánh giá và trên cơ sở đó sẽ nhận xét, đánh giá thi đua.

Nếu đoàn kiểm tra thuộc cấp nào, chẳng hạn nội bộ trong trường với nhau hoăc cấp Phòng (Phòng Giáo dục)... thì sự chuẩn bị ấy theo đó càng kỹ lưỡng hơn. Thậm chí, học sinh còn được “luyện” một cách nhuần nhuyễn để có thể “tự tin” “dối trá”. Thì chuẩn bị kiểm tra mà biết trước câu hỏi biết trước cả phần trả lời như thế nào thì chả là dối trá thì sao?!

Bệnh thành tích dẫn đến gian lận thi cử

Không chỉ trường của học sinh trên đây mà nhiều trường phổ thông “diễn” cảnh như vậy. Và cũng không chỉ mỗi chuyện “dự giờ” mà bất kỳ chuyện nào trong học đường, nhất là những chuyện được coi là kết quả để đánh giá thi đua thì bệnh thành tích thể hiện rõ.

Ngay như chuyện đóng góp ý kiến của giáo viên các trường, lãnh đạo các phòng giáo dục... về vấn đề giảm tải hay không giảm tải chương trình ở bậc tiểu học.

Chương trình nặng là thế, quá sức của các em là thế, hầu như giáo viên nào cũng biết, cũng thấy trong quá trình giảng dạy. Thế nhưng khi đóng góp ý kiến, mặc dù không được chỉ đạo một cách trực tiếp, nhưng có quận, lãnh đạo Phòng Giáo dục định hướng trước: nội dung chương trình đang giảng dạy, chẳng có gì là khó, học sinh trên địa bàn tiếp thu được hết, “gánh” được hết. Kết quả chả là bao nhiêu học sinh giỏi đấy thôi!  

Câu chuyện này có thể hiểu là, nếu giáo viên công nhận là chương trình khó, cần phải giảm tải thì như vậy khác nào cho thấy sự thật... phũ phàng kết quả học sinh giỏi với tỷ lệ cao chót vót từ trước tới nay là... rởm.

Mặt khác, nếu đánh giá chương trình hiện đang giảng dạy không phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh thì vô hình trung khẳng định một cách gián tiếp giáo viên của mình trình độ chuyên môn yếu, không thể dạy học sinh hiểu bài được.

Thế cho nên mới có vị lãnh đạo của một phòng Giáo dục thuộc TP Hà Nội tuyên bố đầy tự tin giữa tập thể giáo viên của mình: “Khó này chứ khó nữa, giáo viên của tôi vẫn dạy được hết. Học sinh của tôi vẫn tiếp thu được hết”.

Thế mới thấy, bệnh thành tích, “ngấm” từ trên ngấm xuống, ngấm từ dưới lên trên! Và thể hiện dưới mọi hình thức.

Bệnh thành tích làm sai lệch, méo mó mục đích giáo dục (ảnh minh họa).

Như chuyện đánh giá chất lượng giáo dục của mỗi trường, mỗi giáo viên, bao giờ cũng dựa trên những con số, ví như tỷ lệ học sinh giỏi, tỷ lệ học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi ở đủ mọi cấp... Mà những con số đôi khi không thể hiện đúng bản chất của nó.

Như PGS Văn Như Cương đã từng phân tích: Nếu hai cô giáo dạy văn cùng cho học sinh làm bài kiểm tra, nếu lớp này có nhiều điểm 10 hơn lớp kia nghĩa là giáo viên này dạy tốt hơn giáo viên kia. Như vậy, việc gì giáo viên phải chấm đúng chất lượng bài văn, cứ phóng tay cho nhiều điểm 10 để còn khẳng định chuyên môn của mình. Hay việc đánh giá tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT, năm nào Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhìn vào con số và thông báo một cách hồ hởi, đại ý: “Năm nay, 98% học sinh tốt nghiệp THPT”. Nhưng bệnh thành tích của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn lộ liễu hơn khi đặt ra mục tiêu: thành tích “năm sau phải cao hơn năm trước”.

Đúng là bệnh thành tích đã ăn sâu vào “cội rễ” nhiều người công tác trong ngành giáo dục mà không thể nào thay đổi được, mặc dù đã xây dựng khẩu hiệu, đã phát động phong trào trong toàn ngành.

Nguyên nhân của căn bệnh này chính là cơ chế, phương thức được chọn để đánh giá thi đua của ngành giáo dục, là tư duy lúc nào cũng thiên về hình thức mà không quan tâm tới thực chất sự việc...

Trong khi hệ lụy của bệnh thành tích quá lớn, giáo dục một cách vô tình cho thế hệ làm chủ tương lai đất nước sự giả dối, biết gian lận trong học tập, thi cử để rồi từ đó dẫn đến gian trá trong mọi lĩnh vực khác mà các em tham gia. PGS. Văn Như Cương nhận định: “Bệnh thành tích nặng nề trong giáo dục đã làm sai lệch, méo mó cái đích thực của giáo dục”.

Bởi vậy, để xóa bỏ bệnh thành tích, Bộ Giáo dục và Đào tạo trước hết cần phải thay đổi quan niệm, hình thức đánh giá thi đua, phải loại trừ ngay bệnh thành tích khi mới là “hiện tượng” và nghiêm khắc kỷ luật những cá nhân chú trọng bệnh thành tích. Có như vậy, bệnh thành tích không những được “điều trị” mà còn góp phần vào đổi mới giáo dục toàn diện theo nội dung Hội nghị Trung ương 6 đã đề ra trong Đề án: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”.

Xuân Bách