Các tướng lĩnh cảnh báo việc người Trung Quốc gom đất Đà Nẵng
Thiếu tướng Trần Minh Hùng cho rằng khu vực ven biển Đà Nẵng là bất khả xâm phạm. |
“Đây là khu vực bất khả xâm phạm”
-Thưa Thiếu tướng Trần Minh Hùng, thời gian qua, dư luận đặc biệt chú ý đến nghi vấn người Trung Quốc đứng đằng sau việc mua một loạt các khu đất ở khu vực ven biển, ngay cạnh sân bay Nước Mặn. Là một người đã từng chiến đấu nhiều năm tại khu vực này, Thiếu tướng đánh giá thế nào về chuyện này?
Tôi đánh giá đây là một khu vực nhạy cảm, quan trọng về an ninh quốc phòng. Theo quan điểm của tôi, tất cả các khu vực nhạy cảm thì không nên để người nước ngoài có các dự án. Nếu người Trung Quốc đứng đằng sau mua đất ven biển thì rất cần thẩm tra, xác minh thấu đáo.
Nếu những người đó có ý định nhập cư, phát triển kinh tế trong hợp tác thì đó là một việc nhưng nếu mua đất có ý đồ đằng sau thì dứt khoát phải dẹp bỏ. Đặc biệt là những khu nhạy cảm như sân bay Nước Mặn.
Dọc tuyến biển này người Trung Quốc rất đông nhưng không thể để họ tạo dựng lên một đường Trung Quốc, làng xóm, khu phố Trung Quốc, bãi biển Trung Quốc. Quan điểm của tôi đây là khu vực bất khả xâm phạm, dù làm kinh tế có lợi đến mấy, giàu đến mấy nhưng đối với dân tộc Việt Nam thì việc khẳng định, bảo vệ chủ quyền phải đặt lên trên hết.
-Thiếu tướng vừa nhắc đến sự bất khả xâm phạm của khu vực này ở góc độ an ninh, quốc phòng. Xin Thiếu tướng nói rõ hơn về điều này.
Để làm rõ về vấn đề này, trước hết chúng ta phải nói về tầm quan trọng của quân khu 5. Địa bàn quân khu 5 rất quan trọng, bởi vì tại đây có khu vực Tây Nguyên, là điểm cao có thể khống chế được toàn Đông Dương. Chiếm được Tây Nguyên là chiếm được Đông Dương.
Trở lại câu chuyện tuyến đường ven biển đang nghi vấn có người nước ngoài mua đất, tuyến đó nếu để những người có ý đố xấu, lợi dụng xây dựng những khách sạn kiên cố, khu nghỉ dưỡng nhưng ở dưới là hầm ngầm thì ai có thể biết được. Những nơi ấy mà cất giấu những gì hoặc có những hoạt động bất hợp pháp khó lường thì sao. Vì họ đã vào rồi, cho họ xây dựng, định cư rồi thì biết sao được.
Đây không phải là một nơi nhạy cảm mà là một nơi bất khả xâm phạm đối với chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Trước đây, theo quy định, các nơi điểm cao đều từ bình độ 30 trở xuống, tức là 200m thì muốn làm gì thì làm còn từ 200m trở lên thì không được đụng chạm đến vì đó là nơi dành cho phòng thủ bảo vệ Tổ quốc tuyến ven biển. Kể câu chuyện đó để thấy, bờ biển của chúng ta vô cùng quan trọng.
Nhìn lại lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước. Còn trên địa bàn Đà Nẵng, không phải tự nhiên mà cả 2 lần bắt đầu chiến tranh, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều chọn nơi đây mở đầu cho chiến tranh xâm lược. Muốn chia cắt miền Trung và đất nước thì chắc chắn quân địch sẽ chọn đánh chiếm tuyến ven biển rồi tấn công lên đường bộ.
-Vậy việc các dự án ven biển đang được triển khai và việc mua bán đất chưa rõ ràng tại Đà Nẵng sẽ ảnh hưởng như nào đến an ninh, quốc phòng?
Tôi kể một câu chuyện này, bên trong casino người Trung Quốc đầu tư tại Đà Nẵng, người lao động Việt vào làm việc tại đây phải bịt mắt lại rồi khi đi làm xong lại bịt mắt ra. Thử hỏi có cái điều luật nào đối xử với người lao động như thế không. Hay anh làm gì mờ ám, hệ thống hầm ngầm bí mật thế nào mà phải như vậy đối với người lao động? Phải làm rõ vấn đề này. Đối xử với người lao động Việt Nam như vậy là đúng hay sai. Và tại sao những dự án của người nước khác không làm như vậy mà chỉ có dự án của người Trung Quốc.
Nói câu chuyện trên để thấy, anh giao đất cho họ rồi, ở dưới họ xây hệ thống hầm ngầm như thế nào thì anh có thể biết. Bên trong đó họ cất giấu những thứ gì thì ai biết. Còn tầm quan trọng của khu vực này như thế nào thì tôi đã nói ở trên.
-Nhưng cũng có quan điểm nói bây giờ là thời bình, việc phát triển kinh tế là quan trọng. Cho người nước ngoài đầu tư tại các tuyến ven biển là để đem lại kinh tế cho đất nước. Vậy quan điểm của Thiếu tướng về vấn đề này như thế nào?
Theo tôi nghĩ, làm gì thì làm điều đầu tiên phải nghĩ đến là an ninh quốc phòng, làm gì cũng phải nghĩ đến vận mệnh Tổ quốc và cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Nhưng không phải vì lẽ đó mà để chúng ta nghèo khổ mà phải khéo léo xây dựng kinh tế. Để cho dân đói là có tội, là không chấp nhận được. Nhưng không phải vì đó mà bất chấp.
Xây dựng đất nước thì không thiếu cách gì cách, phát triển kinh tế không thiếu gì cách mở ra các dự án nhưng phải chọn đối tác một cách cẩn thận.
Nếu để xảy ra chiến tranh là chuyện cuối cùng, nhưng giữ hòa bình để ổn định, phát triển kinh tế mới là khó. Vừa đấu tranh, vừa xây dựng đất nước mới là đối sách hợp lý. Trên góc độ của nhà quân sự, tôi nghĩ đất đai đã “nhỡ” bán cho người nước ngoài thì phải tìm cho bằng được nguồn gốc tiền mua, của những người đứng đằng sau đó để giải quyết vấn đề theo luật pháp của Việt Nam. Nếu hiện tượng người Việt đứng đằng sau mua đất thì nói nôm na chính là “nối giáo cho giặc”.
“Khả năng phòng thủ, tấn công của sân bay Nước Mặn coi như bỏ”
- Nguyên là Sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không 375, là đơn vị tiếp quản sân bay Nước Mặn từ sau giải phóng đến năm 1995, Đại tá đánh giá thế nào về việc một loạt đất ven sân bay này được bán đi và nghi vấn là có người Trung Quốc đứng đằng sau mua.
Nghe thấy có 246 lô đất đã bán dọc sân bay Nước Mặn, mà nghi là có người Trung Quốc đứng đằng sau mua thì cảm giác đầu tiên của tôi là thấy quá shock. Đây là một khu vực quan trọng và nhạy cảm.
Năm 1975, sau giải phóng thì Sư đoàn 375 bố trí ở đó 2 Đại đội pháo cao xạ và 1 Tiểu đoàn tên lửa phòng không. Việc bố trí trận địa phòng không ở đây là để giữ phía mặt biển, điều này rất quan trọng. Sư đoàn 375 bàn giao sân bay Nước Mặn cho bên Hải quân từ 1995, khi ấy thì phía ngoài biển chỉ toàn trồng cây chắn sóng và không cho làm nhà ở khu vực xung quanh.
Đại tá Nguyễn Lành. |
Năm 1993, Thượng tướng Đào Đình Luyện, Tổng Tham mưu trưởng QĐND có gặp tôi và nói: “Anh Lành, khu đất này không được giao cho ai làm kinh tế nhé”. Hồi đó, có ý kiến định xây khách sạn của quân chủng nhưng rồi không tiến hành vì không được xây nhà cao tầng ở quanh sân bay. Kể câu chuyện đó để biết, việc bán đất ở khu vực này cho người nước ngoài là sai lầm.
Dù đã nghỉ hưu nhưng tôi hỏi một số người còn đang làm là sao lạ thế, đất của mình sao lại bán đi. Tôi cũng đã hỏi Đại tá Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng, Đại biểu Hội đồng nhân dân về chuyện này. Anh Hùng bảo là tôi đã hỏi rất nhiều lần ở Hội đồng nhân dân rồi nhưng không có ai trả lời.
-Đất xung quanh sân bay Nước Mặn đã bán, và còn xây một số khách sạn cao tầng. Với kinh nghiệm từng là một Sư đoàn trưởng một sư đoàn phòng không, ông nghĩ gì về chuyện này?
Trong quân sự, một khẩu súng AK của lính bộ binh sẽ bắn khác, tầm sát thương khác và góc che khuất sẽ rất ít. Còn với phòng không, mục tiêu càng xa lại càng cần góc bắn hạ thấp. Đối với các loại pháo cao xạ sẽ cần một góc xạ giới rộng. Tên lửa thì lại là bắn đón tầm xa, góc lại càng phải hạ xuống. Bây giờ làm nhà cao tầng lên, tầm bắn sẽ bị khuất, không bắn được.
Việc xây dựng các khách sạn, tòa nhà cao thì rõ ràng ảnh hưởng rất nhiều đến pháo phòng không và việc tác chiến tên lửa. Để cho góc xạ giới rộng, nhất thiết không được xây dựng nhà cao tầng quanh các sân bay quân sự. Cứ tưởng tượng, cần bắn một mục tiêu ở xa, hạ góc của pháo và tên lửa xuống thấp thì vướng vào nhà cao tầng, bắn sao làm sao được.
-Cụ thể hơn, việc xây khách sạn JW Marriott 18 tầng, cao khoảng hơn 50m thì ảnh hưởng như thế nào đến sân bay Nước Mặn?
Xây một tòa nhà cao tầng gần một sân bay quân sự không khác gì bỏ đi việc máy bay cất, hạ cánh tại sân bay. Máy bay sẽ không lên xuống được vì khi máy bay từ trên cao xuống, đến 1 độ cao nhất định, phải bỏ càng, hạ độ cao xuống tiếp đất. Từ sân bay đến khu vực được xây nhà cao tầng, phải ít nhất 3km. Nhất là với một sân bay quân sự, có diện tích nhỏ như sân bay Nước Mặn, càng phải tuân thủ điều này. Mà với khoảng cách 3km, cũng chỉ có thể cho xây nhà cao khoảng 12m, tương đương 3 tầng, 4 tầng thôi.
Như khách sạn JW Marriot cao tầm 50m, thì khả năng cả tấn công, cả phòng thủ của sân bay Nước Mặn coi như bỏ đi. Vì có nhà cao tầng che mất góc xạ giới của pháo cao xạ và tên lửa thì không phòng thủ được. Đó là hạn chế hỏa lực phòng thủ. Cũng nhà cao tầng ấy che mất đường cất cánh, hạ cánh của máy bay thì tấn công kiểu gì.
Nói cách khác, sân bay Nước Mặn bây giờ chỉ có thể dùng cho máy bay lên thẳng là trực thăng.
Khách sạn JW Marriott cao 18 tầng đang hạn chế khả năng phòng thủ và tấn công của sân bay Nước Mặn. |
-Vậy nhìn ra rộng hơn, bờ biển Đà Nẵng bây giờ lấp đầy các dự án sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc tác chiến phòng thủ của khu vực này?
Tầm bắn của tên lửa bờ đối hạm của quân đội ta khoảng 80km - 150km, khi tác chiến sẽ phải đặt ở bờ biển, trong khi dọc bờ biển các công trình chắn hết thì đặt ở đâu? Và với tên lửa bờ, góc xạ giới phải rộng, trong khi lại bị chắn bởi nhà cao tầng.
Bây giờ, phát hiện mục tiêu tất cả bằng rada, nhưng trong thực chiến, việc quan sát bằng mắt thường cũng đóng một vai trò nhất định. Mà những nhà cao tầng xây xung quanh sẽ hạn chế rất nhiều trong bổ trợ tác chiến. Nếu đó là khách sạn của người Việt Nam đã rất ảnh hưởng, chưa kể đó là khách sạn của người nước ngoài thì việc đó càng nghiêm trọng hơn.
Thanh Hiếu
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng