Các công ty thuộc Asanzo vẫn tiếp tục bị kiểm tra
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa có báo cáo về tình hình thực hiện công tác quản lý thị trường tại TP HCM 7 tháng đầu năm 2019.
Báo cáo cho biết, trong những tháng đầu năm, cơ quan quản lý thị trường đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo về tăng cường phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép khoáng sản; công tác tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm giả mạo nhãn mác “Made in Vietnam”...
Tổng cục Quản lý thị trường cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra, làm rõ vụ Asanzo |
Đồng thời đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 11 vụ, trong đó có 2 vụ vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu; 7 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả; 1 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Tổng trị giá hàng hóa, tang vật vi phạm khoảng 10 tỷ 504 triệu đồng.
Đề cập đến các nhiệm vụ cuối năm, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra, xác minh làm rõ hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh của các công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo; việc phản ánh hàng hóa sản xuất nước ngoài nhưng gắn nhãn mác “made in Việt Nam” cũng như xử lý mạnh các hành vi sản xuất, buôn bán xăng dầu giả, kém chất lượng.
Đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.
Cách đây không lâu (cuối tháng 7/2019), Cục Quản lý thị trường TP HCM cũng đã có văn bản báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường về việc rà soát các doanh nghiệp có liên quan đến hàng hoá mang nhãn hiệu Asanzo.
Theo Cục Quản lý thị trường TP HCM, từ ngày 21/6 Báo Tuổi trẻ có loạt bài điều tra: Asanzo - hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt đã phản ánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo sử dụng "hàng Trung Quốc" đội lốt "hàng Việt Nam" lừa dối người tiêu dùng.
Chính vì vậy, Cục Quản lý thị trường thành phố TP HCM và Cục Hải quan đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp, đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo hoặc có liên quan đến công ty này.
Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp, đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp của Công ty CP Tập đoàn Asanzo hoặc có liên quan đến Asanzo.
Theo đó, có 15 đơn vị nên Cục quản lý thị trường Thành phố đã giao các đội quản lý thị trường có liên quan phải khẩn trương tiến hành thẩm tra, xác minh.
Đồng thời, Cục Quản lý thị trường thành phố cũng đã đề nghị Hải quan thành phố cung cấp thông tin về việc: "Ngoài Asanzo nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo còn có tổ chức, cá nhân nào khác nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo hay không? Nếu có, là đơn vị nào, địa chỉ ở đâu? Hàng hoá nhập khẩu là gì? Công ty CP Tập đoàn Asanzo hoặc có tổ chức, cá nhân nào khác xuất khẩu hàng hoá mang nhãn hiệu Asanzo hay không? Nếu có, là đơn vị nào, địa chỉ ở đâu? Hàng hoá xuất khẩu là gì, xuất khẩu đến quốc gia nào, vùng lãnh thổ nào?"...
Tùng Phong (TH)
-
Long An: Thu giữ gần 1.000 vỏ bình LPG của các nhãn hiệu lớn
-
Tổng cục QLTT kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa từ Tết Trung thu đến hết năm 2024
-
Nâng cao nhận thức về mua sắm an toàn qua trưng bày nhận diện thực phẩm thật - giả
-
Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý gần 17.600 vụ vi phạm
-
Nghệ An: Đồng loạt kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trong tháng 5/2024