Các công ty châu Âu trả giá đắt khi rút khỏi thị trường Nga
Renault là một trong những công ty đầu tiên bắt đầu rút khỏi Nga vào tháng 5/2022. |
Nghiên cứu báo cáo thường niên và báo cáo tài chính năm 2023 của 600 tập đoàn châu Âu cho thấy, 176 công ty đã bị khấu hao tài sản, chi phí phát sinh từ hoạt động mua bán tài sản và những chi phí một lần khác sau khi bán, đóng cửa hoạt động hoặc cắt giảm hoạt động ở Nga.
Con số tổng thể không tính đến những tác động kinh tế vĩ mô gián tiếp của chiến tranh: Chi phí năng lượng cao, chi phí nguyên liệu thô cao, vũ khí bắt đầu bán chạy hơn... Những yếu tố này đã giúp các công ty quốc phòng, tập đoàn dầu mỏ và công ty khí đốt thu về lợi nhuận cao.
Theo một nghiên cứu do Trường Kinh tế Kiev thực hiện, trong số 1.871 chủ thể do người châu Âu sở hữu tại Nga vào giai đoạn tiền chiến tranh, có hơn 50% vẫn đang hoạt động ở nước này, như UniCredit của Ý, Raiffeisen của Áo, Nestlé của Thụy Sĩ và Unilever của Anh.
Nhiều nghiên cứu khác đã làm sáng tỏ lý do vì sao vẫn còn nhiều công ty châu Âu đang bị kẹt tại Nga. Đã có nhiều danh sách về tình trạng của các công ty, do nhiều nguồn khác nhau thực hiện. Chẳng hạn như danh sách của Jeffrey Sonnenfeld - Giáo sư tại Đại học Yale (Mỹ), hay danh sách của Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD), hoặc của Đại học St. Gallen. Danh sách của ĐH Yale tính đến tất cả các hoạt động thương mại ở Nga; còn nghiên cứu của IMD thì chỉ tính đến những khoản đầu tư thông qua công ty con, thường đòi hỏi nhiều chi phí tốn kém hơn nếu muốn từ bỏ.
Nga đáp trả trừng phạt, làm cản trở hoạt động rút lui khỏi thị trường Nga của các công ty nước ngoài
Trên thực tế, việc rời khỏi Nga là một thử thách thực sự đối với những công ty châu Âu. Nếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây không làm Điện Kremlin ngạc nhiên (vì đây là vũ khí mà phương Tây thường xuyên sử dụng kể từ sau cuộc chiến tranh Nga - Gruzia năm 2008), thì quyết định rút khỏi lãnh thổ Nga của các công ty tư nhân sẽ thực sự làm chao đảo nền kinh tế của gã khổng lồ Á - Âu này. Quả thực, phần lớn kinh tế Nga phụ thuộc vào hoạt động của những chủ thể nước ngoài.
Một phân tích của trang tin tức Atlantico cho thấy, nếu các công ty phương Tây muốn rút khỏi thị trường Nga, thì trước tiên, họ phải tìm được người mua lại tài sản. Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận không phải là điều dễ dàng, vì bất kỳ hoạt động rút vốn nào ra nước ngoài cũng đều bị chính phủ Nga cản trở. Tuy nhiên, bất chấp chi phí cao và thua lỗ đáng kể, các công ty lớn vẫn rời khỏi lãnh thổ.
Từ đó trở đi, Điện Kremlin thực hiện nhiều biện pháp khiến cho các công ty nước ngoài gặp thêm nhiều phức tạp nếu muốn rút khỏi lãnh thổ của họ. Ban đầu, chính quyền trực tiếp cấm các nhà đầu tư trong một số ngành chiến lược rút lui (như tài chính ngân hàng, năng lượng và cơ sở hạ tầng), đồng thời đảm bảo hoạt động chuyển lợi nhuận về nước nhà của họ càng trở nên khó khăn càng tốt. Sau đó, chính phủ đi xa hơn, bằng cách yêu cầu các công ty nước ngoài trả tiền cho bất kỳ tiến trình nào nhằm rút khỏi tài sản của Nga, thông qua khoản phí “đóng góp tự nguyện” cho ngân sách Nga - 10% “giá trị thị trường” của tài sản giao dịch.
Gần đây, các công ty phương Tây bị yêu cầu bán cổ phần của họ trong tài sản ở Nga với mức chiết khấu 50% và phải trả “thuế xuất cảnh tự nguyện” cho Nga. Theo bà Alexandra Prokopenko - Nhà nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu Carnegie Russia Eurasia, nói rằng “việc tìm kiếm người mua rất phức tạp [đối với các công ty phương Tây]. Không có giao dịch nào có thể diễn ra, vì có đến 6.000 người và công ty bị liệt vào nhiều danh sách trừng phạt khác nhau. Nhà nước Nga cũng phải đồng ý với thỏa thuận mua bán, và trong một số trường hợp, phải cần đến sự phê duyệt của chính [Tổng thống Nga Vladimir] Putin, làm mất thêm thời gian”.
Như đổ thêm dầu vào lửa, vào tháng 4/2022, Nga đã ký một sắc lệnh về việc trao cho nhà nước Nga quyền tạm thời kiểm soát tài sản của những công ty hoặc cá nhân đến từ những quốc gia “thù địch”, bao gồm Mỹ và các đồng minh của họ. Ngay lập tức, Điện Kremlin đã sử dụng sắc lệnh này nhằm kiểm soát những cơ sở thuộc sở hữu của công ty năng lượng Fortum của nhà nước Phần Lan và gã khổng lồ năng lượng Uniper của Đức.
Vào ngày 18/6/2023, người đứng đầu Điện Kremlin đã ký một nghị định mới yêu cầu công ty tiếp quản lại tài sản từ doanh nghiệp phương Tây phải là những công ty thuộc sở hữu hoàn toàn của người Nga, gây nguy cơ tước quyền sở hữu của nhiều công ty tư nhân. Cũng từ đó, mà Nga nắm quyền kiểm soát tài sản trong nước của công ty thực phẩm Danone (Pháp) và doanh nghiệp bia Carlsberg (Đan Mạch) vào tháng tiếp theo.
Do đó, những biện pháp trả đũa này sẽ làm các thủ tục rút khỏi thị trường kinh tế Nga trở nên gắt gao hơn đối với giới đầu tư phương Tây. Theo phân tích của Financial Times, hơn 2.000 công ty đang tìm cách rời khỏi thị trường Nga. Và theo Yale, những công ty khác thì đang hoạt động như thể chiến tranh chưa từng nổ ra.
Đạo đức kinh doanh không phải là nguyên nhân lý giải vì sao có một số công ty thì rút lui nhanh chóng, một số khác thì lại rút lui muộn. Theo một nghiên cứu do Đại học St. Gallen và Trường Kinh doanh IMD ở Lausanne công bố vào giữa tháng 1, trong số những công ty vẫn còn đang nắm cổ phần ở Nga, có đến 90% vẫn chưa rút khỏi thị trường. Có nhiều lý do giải thích cho việc này và rất ít số đó liên quan đến đạo đức kinh doanh.
Bên cạnh những vấn đề về thủ tục khó khăn, nhiều tác giả cũng cho rằng, có khả năng nhiều người trong số họ không muốn bỏ rơi khách hàng hoặc nhân viên người Nga của mình. Ngoài ra, nhiều công ty không bị xử phạt, do tính chất lĩnh vực của họ. Ví dụ, những công ty dược phẩm như Roche và Novartis không có kế hoạch rời khỏi Nga vì sản phẩm thuốc được miễn trừng phạt vì lý do nhân đạo.
Tuy nhiên, cũng có những công ty đã tìm ra đủ lý lẽ để biện minh cho việc tiếp tục hoạt động ở Nga từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, và những chủ thể này đang phải đối mặt với một tình hình ngày càng bất ổn. Theo bà Alexandra Prokopenko, họ ngày càng lo sợ “bị xem là đồng phạm trong cuộc chiến của Putin”. Hiện nay, Nga được cho là một đối tác kinh tế không đáng tin cậy, khiến những doanh nghiệp phương Tây cân nhắc tìm lối thoát.
Ông Nabi Abdullayev - Đối tác tại công ty tư vấn chiến lược Control Risks, cho biết: “Các công ty đã mất rất nhiều tiền khi rời khỏi Nga, nhưng những công ty nào còn lưu lại thì sẽ có nguy cơ thua lỗ lớn hơn”.
Tương tự, bà Anna Vlasyuk - Nhà nghiên cứu tại KSE, chia sẻ với Financial Times: “Sẽ tốt hơn nếu những công ty vẫn còn ở đó chọn hủy niêm yết. Tôi không nghĩ sẽ có ai thực sự có vị trí an toàn. Vì sao họ lại tiếp quản Carlsberg? Đây có thực sự là vấn đề an ninh quốc gia? Tôi không nghĩ vậy".
Ngọc Duyên
AFP
-
Kỳ cuối: Ứng dụng thực tiễn của động cơ lượng tử
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga
-
Olympic Paris 2024: Chiến dịch marketing đột phá cho kỷ nguyên mới