Các nhà khoa học, đứng đầu bởi tiến sĩ Jason Goldman, cho biết: "Kết quả này có thể có ý nghĩa quan trọng với sự thành bại của các chương trình phát triển vaccine dựa trên chủng virus ở Vũ Hán".
Họ phát hiện các tế bào miễn dịch của bệnh nhân mất tới 18 ngày (lâu hơn dự kiến) để đáp ứng với lần nhiễm trùng thứ hai. Điều này cho thấy "sự thiếu hụt trong phản ứng đối với tái nhiễm".
Hệ miễn dịch trong lần mắc bệnh sau cũng phải hoạt động nhiều hơn so với lần đầu. Nghiên cứu cho biết đây là dấu hiệu chứng minh kháng thể sản sinh ban đầu không còn mạnh mẽ.
"Như vậy, kháng thể hình thành trong lần mắc Covid-19 đầu tiên hồi tháng 3 không đủ khả năng ngăn ngừa chủng D614G đã đột biến trong tháng 7", báo cáo nêu rõ.
Nghiên cứu đăng tải trên trang web khoa học và y tế medRxiv.org hôm 26/9.
Tình nguyện viên tiêm thử vaccine Covid-19 giai đoạn 3 tại Florida, tháng 8/2020. Ảnh: AFP |
Trước đó, Tướng Chen Wei, chuyên gia virus tại Học viện Khoa học Quân Y, người đứng đầu chương trình phát triển vaccine Trung Quốc, cho biết các liều tiêm của nước này dựa trên chủng virus ở Vũ Hán. Vì vậy, đột biến là mối quan tâm hàng đầu. Trong Diễn đàn Sức khỏe Đời sống và Khoa học Toàn cầu tại Bắc Kinh hồi đầu tháng này, bà cho biết các nhà nghiên cứu vẫn theo dõi sát sao cơ sở dữ liệu quốc tế về trình tự gene virus được sắp xếp ở các quốc gia khác. Họ cố gắng xác định những thay đổi về cấu trúc hoặc chức năng do đột biến gây ra.
"Nhưng đến nay, tác động của D614G được ước tính là rất nhỏ", bà nói.
Gần như tất cả loại vaccine đang phát triển đều dựa trên bộ gene của nCoV được Trung Quốc giải trình tự vào tháng 1 năm nay. Hơn 100.000 tình nguyện viên khắp cả nước, bao gồm các nhà ngoại giao, kỹ sư và công nhân được cử ra nước ngoài, đã tiêm phòng.
Kỳ vọng lớn nhất của giới khoa học là tạo ra liều tiêm có khả năng bảo vệ bền vững, chống tái nhiễm và các chủng virus khác nhau.