Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Ca sĩ Ánh Tuyết: Còn sức, còn hát!

09:16 | 12/06/2014

1,562 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ca sĩ Ánh Tuyết khác người ở chỗ, chị làm nghệ thuật mà không nghĩ ngợi chuyện lỗ lãi. Đã có những chương trình ca nhạc của Ánh Tuyết “cháy” lên chỉ bằng niềm đam mê nghệ thuật của chị. Ánh Tuyết chưa già nhưng cũng không còn trẻ, cộng với nhiều bệnh tật nhưng máu nghề vẫn sục sôi, còn hơn cả những ngày đầu đi hát ở Huế… Phóng viên Năng lượng Mới có cuộc trò chuyện với ca sĩ Ánh Tuyết.

Năng lượng Mới số 329

Càng già, “máu” hát càng hăng!

PV: Nhiều lần gọi điện thoại cho chị, tôi hay nghe chị bảo ốm, dấu hiệu của tuổi tác chăng thưa chị?

Ca sĩ  Ánh Tuyết: Thì tôi cũng có tuổi rồi, năm nay đã 53, tuy nhìn bên ngoài còn hồn nhiên khỏe mạnh vậy chứ trong người ốm đau từ đầu đến chân. Nhất là mấy hôm nay bị rối loạn tiền đình. Còn cột sống và cổ thì đã mổ đến mấy lần rồi, bao nhiêu đinh tán, ốc vít trong đó. Tôi bị thoát vị đĩa đệm kèm theo thoái hóa cột sống, thoái hóa đĩa đệm dẫn đến tình trạng mất vững cột sống. Các bác sĩ đã phẫu thuật để giải ép cho thần kinh, cố định cột sống cho tôi. Hiện tại, tôi không thể ngồi lâu vì hai chân sẽ tê cứng không cử động được... Và còn một số bệnh khác nữa! Nhưng tôi không bận tâm lo nghĩ lắm, quy luật tạo hóa, tự nhiên là vậy mà! Bệnh vậy, chứ tôi vẫn đi lại khá nhiều, như vừa rồi em gọi là tôi đang ở Sa Pa làm từ thiện. Và giọng hát của tôi thì vẫn còn rất khỏe, có thể hát hằng đêm nhé!

PV: Chị dự định mình sẽ đi hát, ra đĩa đến bao lâu nữa?

Ca sĩ  Ánh Tuyết: Hát tới khi nào không hát nổi, tới khi không còn người cần mình hát nữa thì thôi. Còn đam mê, còn máu lửa thì tôi cứ hát thôi chứ không phụ thuộc tuổi tác. Và tôi vẫn còn “máu hát”, thậm chí càng ngày càng căng và chín muồi hơn. Tôi đã có trải nghiệm cuộc sống nên hát gì cũng đời hơn và đậm đà hơn.

Còn về dự định thì tôi không có dự định gì, tính cách của tôi là không đặt ra trước bất kỳ chuyện gì. Trong kinh doanh thì có thể tính toán, còn trong nghệ thuật thì cần phải có cảm xúc, phải ngẫu hứng. Khi mình thích, có cảm xúc, cảm hứng thì mới có được sản phẩm tốt. Nên em thấy đấy, có lúc tôi ra đĩa kiểu “dội bom” 3 đĩa cùng lúc, nhưng có khi mấy năm tôi không ra đĩa nhạc nào cả!

PV: Nhiều anh chị em đồng nghiệp và giới báo chí đặc biệt yêu quý chị cũng ở cái tính hài hước, chân thành và cũng rất thẳng thắn. Lúc nào gặp chị, cũng thấy chị cười, chị kể toàn chuyện tiếu lâm, thậm chí còn chủ động gọi bạn bè đến để nghe chị kể chuyện “tào lao” cho đỡ buồn. Nhưng với một người từng trải qua quá nhiều thăng trầm trong công việc thì hẳn chị cũng có không ít những nỗi niềm?

Ca sĩ  Ánh Tuyết: Gần 40 năm làm nghề, bằng kinh nghiệm cảm nhận cuộc sống, trải nghiệm bao thăng trầm khổ ải, cái may, cái rủi, cái số, cái phận làm con người Ánh Tuyết thay đổi. Hồi nhỏ tôi rất nóng tính, tôi không nói nhiều, không biết thanh minh, phân bua. Tính nóng nhưng tôi nhịn giỏi tuy nhiên đến lúc gọi là “tức nước vỡ bờ” thì tôi trở nên rất khủng khiếp.

Với lại, ngày xưa nặng lòng lắm, cái gì tôi cũng để trong lòng, suy nghĩ, lao tâm khổ tứ. Nhưng khi bước vào Sài Gòn lập nghiệp, tôi thay đổi, tôi tự nhủ mình rằng, muốn phát triển con đường nghệ thuật, muốn tập trung kiếm sống thì hãy gạt bỏ bớt những gánh nặng. Từ đó tôi trở nên bàng quan, tức gạt bỏ những gì không cần thiết và những gì làm rồi, nói rồi thì tôi quên liền chứ không muốn nhớ nữa. Có những sự kiện rất quan trọng xảy ra trong đời tôi nhưng đã giải quyết rồi thì tôi cần nhớ đến những chi tiết đó nữa. Nhiều người hỏi Ánh Tuyết có kỷ niệm gì từ lúc vào Sài Gòn không tôi bảo ngay là không!    

PV: Phòng trà ATB của chị dừng hoạt động mấy năm nay, chắc cuộc sống của chị có nhiều thay đổi?

Ca sĩ  Ánh Tuyết: Không làm phòng trà nữa, tôi có nhiều thời gian cho cuộc sống hơn nhưng nỗi buồn vì nhớ nghề thì cũng nhiều hơn. Thú thật, tôi làm phòng trà toàn lỗ, giỏi lắm thì đủ tiền thuê mặt bằng, tôi phải lấy tiền từ công ty xây dựng của gia đình, từ việc mua bán đất đai để bù vào. Nhưng tính tôi là vậy, tôi mà có tiền ở nhà thì tôi sẽ đổ vào văn nghệ hết vì tôi rất “máu” nghề. Tính tôi không đi ăn chơi ở ngoài, không rượu chè, bia bọt và quăng tiền bậy bạ. Vì đam mê và mục tiêu muốn có một chỗ chơi, chỗ vui với các anh em nghệ sĩ nên tôi mở phòng trà. Mọi người được vui, làm việc có tình có nghĩa với nhau và có công việc được tốt là tôi cũng vui, nếu hạ hồi phân giải mà không được thì dừng thôi.

Từ khi dừng phòng trà ATB, tôi bắt đầu có tiền dư rủng rỉnh, tôi còn gửi vào ngân hàng cơ. Tôi lại có nhiều thời gian đi hát ở ngoài nên thu nhập cũng khá hơn. Nhưng, máu nghệ thuật trong tôi càng ngày càng hăng, tôi không chịu an phận mặc dù mình đã 53 rồi, tôi vẫn sẽ tìm mặt bằng mới phù hợp hơn để tiếp tục thực hiện đam mê nghệ thuật của mình!

Cho đến giờ này, nhiều khán giả vẫn rất nhớ mô hình ATB. Dẫu sao thì ATB đã trở thành một thương hiệu, một đẳng cấp được nhiều người trân quý, được nhớ và tiếc. Không chỉ ở Việt Nam, khách nước ngoài, một số sách của nước ngoài cũng nói về ATB. Và hơn ai hết tôi vẫn nặng lòng với ATB.

Nhưng cũng khó là bây giờ có rất nhiều phòng trà, quán cà phê có ca nhạc, từ nhỏ tới lớn đều có. Càng ngày mọi người càng có yêu cầu, đòi hỏi cao hơn, ý thức tốt hơn, hiểu hơn - tất nhiên đó là đối với những người thưởng thức âm nhạc thực sự. Bây giờ, nếu tìm địa điểm mới thì cái gì cũng tăng, từ lương ca sĩ, mặt bằng, nhưng giá bán cho khách thì không thể tăng, thậm chí phải hạ. Nhưng vì đam mê và mục tiêu hướng lớp trẻ, giữ lại một phong cách, nhắc cho những ai yêu phong cách này nhớ lại thì tôi vẫn làm.

Nghệ sĩ trẻ đang bối rối

PV: Từ việc kinh doanh không thành công của phòng trà ATB cho thấy nhu cầu thưởng thức dòng nhạc tiền chiến ở Sài Gòn còn rất thấp. Chị nghĩ sao?

Ca sĩ  Ánh Tuyết: Nếu tĩnh tâm chú ý, từ xưa đến giờ nhạc xưa luôn nhiều hơn nhạc nay. Nhưng do nhiều lý do nên mọi người hiểu lệch đi. Vẫn những bài hát đó, nhưng nếu những nghệ sĩ xưa hát thì gọi là “nhạc vàng”, mà Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng hát thì gọi là nhạc trữ tình nên làm lớp trẻ hiểu sai. Trước đây, mọi người cứ nghĩ “nhạc xưa”, “nhạc già” thì chỉ có người già đến nghe, chỉ có những mái đầu bạc tìm đến để hồi tưởng. Nhưng rất nhiều những trường hợp những người trẻ đưa cha mẹ, hay ông bà tới xem, họ cũng rất thích, rất xúc động khi nghe nhạc xưa. Quan niệm áp đặt sai, báo chí tuyên truyền sai lệch nên làm cho mọi người nhầm lẫn. Hiện nay, hầu hết tại các quán cà phê, phòng trà là đều hát nhạc trước năm 1975, có khi đến 95%. Âm nhạc không có chuyện già, trẻ, chỉ có hay hay dở, có biết thưởng thức, cảm nhận hay không mà thôi.

PV: Khoảng thời gian vài năm trở lại đây, có một xu hướng là các ca sĩ trẻ đổ xô hát dòng Bolero. Chị đánh giá xu hướng này như thế nào?

Ca sĩ  Ánh Tuyết: Tôi cho rằng các bạn trẻ không định hình được, các bạn trẻ đang bối rối. Đến với dòng nhạc bolero là tốt, nhưng phải hát cho đúng. Những người đi trước đã trải nghiệm, các bạn trẻ phải cẩn thận khi học lại, khi hát lại. Có những người đi trước hát, tức là đốt giai đoạn cho mình để được học hỏi, lược bỏ cái gì xấu, cái gì dở thì mình phải biết chọn được cái hay chứ không được bắt chước. Hiện nay, các ca sĩ trẻ hát dòng nhạc bolera đa phần giống y chang những ca sĩ trước, nhưng lại không bằng. Các ca sĩ trẻ bây giờ bắt chước theo kiểu rập khuôn, chỉ có một số em may mắn, mạnh dạn, có đầu tư suy nghĩ hát theo kiểu riêng và cũng có nét riêng, nhưng chưa làm cho tới. Một số người thì vô tình làm lệch dòng nhạc đó đi bằng cách hát kỳ quái của mình.

Bolero không phải dòng nhạc sến, ngày trước cũng không gọi là dòng nhạc sến. Nhạc bolero là chúng ta học từ phương Tây, nhưng điệu nhạc bolero rất dễ phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và câu chuyện rất Việt Nam nên nhạc bolero rất dễ đi vào lòng người, trải rộng từ giới trí thức đến bình dân. Kể cả những người không biết chữ, không biết gì về âm nhạc cũng sẽ “cảm” rất nhanh. Với bolero, bạn có thể ôm đàn hát dòng nhạc này ở bất kỳ đâu, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào môi trường. Và đã mang lên sân khấu làm nghệ thuật để trau chuốt, gọt dũa thì phải làm cho hay, để cho người nghe hiểu dòng nhạc này có tính nghệ thuật thực sự chứ không phải bolero là nhạc bình dân. Hiểu như vậy là sai. Là người làm nghệ thuật thì phải suy ngẫm để làm sao đó những bài hát phải đạt đến mức độ nghệ thuật. Có nhiều đối tượng người nghe, cũng có nhiều cách thể hiện, nhưng nếu là người làm nghệ thuật có trách nhiệm thì phải suy nghĩ làm sao để đại chúng cũng dần hiểu và chấp nhận.

PV: Nhìn vào thế hệ ca sĩ trẻ hiện nay, chị có cảm xúc gì và điều gì muốn nói với họ?

Ca sĩ  Ánh Tuyết: Hiện nay, xã hội, con người đang bị nhiễu. Mở, nhưng lại nhiễu, phát triển, nhưng không rõ ràng. Lớp trẻ bây giờ rất có điều kiện để học hỏi, tìm hiểu, nhưng để thấu thì chưa thể thấu nổi, bởi nhiều quá nên chưa thể định hình, không xác định được cái gì sẽ là tốt, cái gì đúng. Cũng có những người xác định được, nhưng rồi lại đua theo để cho người khác biết mình cũng biết, tức là không xác định rõ ràng chính bản thân mình, không định hình được chính bản thân mình. Mỗi điều nhỏ đó ở mỗi con người sẽ nhân cấp số nhân trong xã hội rất nhanh. Những lớp sau này sẽ như thế nào? Chúng sẽ hoảng loạn, sẽ không biết theo thứ gì. Không chỉ riêng nghệ thuật, tất cả cuộc sống hiện nay đều như vậy.

Tại sao mọi người bàng quan? Bởi họ đua nhau kiếm tiền để chứng tỏ mình là ai, để được sung sướng hơn mọi người. Nhưng mọi người quên rằng, đua nhau, chà đạp nhau để đứng lên vị trí cao, để kiếm đồng tiền đó, để sung sướng, nhưng rồi khi đứng trên cao rồi, mình cô độc vô cùng. Lúc đó lại bỏ tiền ngược lại để đi mua bạn, tìm bạn.

Con người sống trong xã hội cũng như giữa mặt trăng, trái đất và mặt trời có lực hút nhất định, con người phải có những người xung quanh, có cuộc sống, cây, hoa, lá… và mình đều phải bảo vệ. Mình bảo vệ những điều đó là bảo vệ cho chính mình và mình được hưởng.

Là nghệ sĩ thì luôn có tình!

PV: Hơn ai hết chắc hẳn chị là người thấm thía cái gọi là tình nghệ sĩ. Giới nghệ sĩ trẻ bây giờ nói showbiz là một thế giới không có tình người. Đúng như thế chứ, thưa chị?

Ca sĩ  Ánh Tuyết: Không phải thế giới nghệ thuật là không có tình người, nhưng dần dần, do môi trường làm con người trở nên vô tình hơn thôi. Và chẳng qua là nghệ thuật là mặt nổi, phơi bày ra trên tất cả các diễn đàn nên người ta mang ra bàn tán, nó cũng vô thưởng vô phạt, ai muốn nói gì cũng được chứ làm sao vô tình bằng thương trường hay chính trường! Nghệ sĩ không nên nói như vậy.

Nói cho cùng, những người có năng khiếu làm nghệ thuật là những người có tâm tính rất tốt. Họ là những người nhẹ dạ, nhạy cảm, rất dễ mủi lòng, bởi nếu không có điều đó, họ đâu thể trải lòng để thể hiện bài hát, vai diễn một cách cảm xúc được. Mà những người giàu cảm xúc, dễ rung động thì bản chất bên trong con người họ là luôn tốt, đẹp. Tôi hoàn toàn chắc điều đó! Nhưng môi trường, cuộc sống, tất cả những diễn biến khắc nghiệt của cuộc sống đã đẩy họ đến tiêu cực. Họ chỉ biết tranh giành để sống, rồi sau đó khi ở trên đỉnh cao, nhìn xuống mới thấy xung quanh mình không có ai.

Như chúng ta cũng đừng nhìn những chuyện xảy ra do cuộc sống sắp đặt, không nên đánh giá nghệ sĩ theo cách nhìn của mọi người. Và hãy loại trừ những “nghệ sĩ” mới đây, những ngôi sao showbiz mới đây khi nói về người nghệ sĩ! Tất nhiên tôi không vơ đũa cả nắm, nhưng chúng ta phải xác định lại từ “showbiz”. Hiện nay chúng ta sử dụng từ showbiz, ngôi sao quá dễ dãi, vô tội vạ. Ai cũng có thể là ngôi sao. Thậm chí không có chút tài năng nào, chỉ có scandal, kiếm đủ trò để nổi lên mà cũng trở thành ngôi sao. Nên nói thật, bây giờ đừng ai gọi tôi là ngôi sao, gọi thế tôi thêm giận, hãy cứ gọi tôi là “ca sĩ Ánh Tuyết”.

Thực chất, khi nhìn kỹ sẽ thấy người nghệ sĩ thực thụ là người có nhân cách, yêu nghề, họ là những người có tấm lòng thực sự. Còn tất nhiên, là con người thì ai cũng có hỉ, nộ, ái, ố, giận hờn, ganh ghét, rồi những lúc bức xúc. Họ đã làm nghệ thuật thì sẽ làm bằng cả tấm lòng, làm hết trách nhiệm, không có kiểu tính toán quá mức hay thiếu tình nghĩa.

Và nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết “Tình nghệ sĩ” là có lý do.

Khi vào Sài Gòn, bước vào dòng nhạc tiền chiến này, tôi quan sát, tìm hiểu những người lớn đã làm nghề thì thấy họ khác với lớp trẻ bây giờ rất nhiều. Mỗi người có góc cạnh, có cá tính riêng, nhưng họ có sự tôn trọng nhau, dù có lúc tranh cãi. Đó là những người có nhân cách, biết nhìn, biết sống, biết tôn trọng, biết trân quý. Đặc biệt, khi được hỏi nhận xét về người khác, họ rất tế nhị, đĩnh đạc, đàng hoàng, nhận xét một cách trân trọng, không có ý chê bai, bài bác. Nhưng tôi thấy bây giờ sự khen - chê nặng tính miệt thị, chà đạp, mang nhân cách người khác ra để nói. Đó là điều rất tệ!

Bùng nổ các gameshow, điển hình là "Giọng hát Việt" 2013

PV: Không quá khi nói rằng, đời sống âm nhạc giải trí hiện nay chủ yếu phản ánh qua các gameshow, các chương trình có chất lượng hằng năm không có là mấy. Mà các gameshow thì chủ yếu là cuộc chơi lời - lỗ của nhà tổ chức. Chị nghĩ gì về thực trạng này?

Ca sĩ  Ánh Tuyết: Công bằng mà nói, các gameshow đã làm cho đời sống âm nhạc phong phú hơn, mọi người có nhiều điều kiện để thưởng ngoạn, để nhìn nhận tốt, xấu, nâng cao trình độ thưởng thức của công chúng. Nhưng khi nhiều gameshow quá, bị lạm dụng quá thì gây nhiễu và do mục đích của những người làm gameshow là kinh doanh nên chỉ có một vài chương trình đầu là nghệ thuật, nhưng dần dần lại lạm dụng để kinh doanh, kiếm tiền bằng mọi cách. Mở đầu thì rất hay, nhưng càng về sau càng lệch đi, và ngay cả những người thưởng thức cũng trở nên ích kỷ, cũng đấu đá. Điều này đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng mà không ai nhìn thấy.

Giới showbiz hiện nay thì người ta tìm mọi cách chơi xấu, tìm mọi cách xỉa xói nhau. Có những người không có chút tài năng nào nhưng vẫn mơ tưởng và đam mê điên cuồng, bằng mọi cách. Nó chiếm đến 80-90% trong giới showbiz hiện tại. Và điều này vô tình làm lệch đi cả một thế hệ sau này và con đường phát triển âm nhạc của đất nước cũng sẽ bị lệch lạc.

Quản lý văn hóa hiện nay không khó, nhưng do có người vẫn “mắt nhắm mắt mở”, miệng nói quản mà tay thì làm ngơ thì làm sao mà tốt đẹp lên cho được đây!

PV: Xin cảm ơn chị!

Lê Trúc(thực hiện)