Cả nước có gần 24.000 xe được quyền ưu tiên
Theo dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 109/2009 của Chính phủ quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên vừa được Bộ Công an công bố, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính thông qua các hoạt động nghiệp vụ đã chủ động phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường (ngành Công Thương) phát hiện, xử lý 12 vụ vi phạm của các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thiết bị ưu tiên.
Lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 1.833 trường hợp vi phạm về lắp đặt, sử dụng thiết bị ưu tiên không đúng quy định. Trong đó có 135 trường hợp xe không được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt thiết bị ưu tiên, 1.698 trường hợp vi phạm đối với xe được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt thiết bị ưu tiên không đúng quy định hoặc không có giấy phép sử dụng.
Xe được quyền ưu tiên (Ảnh minh hoạ). |
Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan trong toàn quân thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý xe được quyền ưu tiên và tổ chức cấp Giấy phép ưu tiên đúng quy định của pháp luật; giao lực lượng Kiểm soát quân sự tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện, các cơ quan, đơn vị sử dụng xe cứu thương, xe đi làm nhiệm vụ khẩn cấp (phòng chống lụt bão, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh,...) tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý xe được quyền ưu tiên, đội ngũ lái xe ưu tiên, không để xảy ra vi phạm và lạm dụng tín hiệu ưu tiên khi đi thực hiện nhiệm vụ.
Cả nước có gần 24.000 xe được quyền ưu tiên
Theo Bộ Công an, đến nay cả nước có gần 24.000 xe được quyền ưu tiên (xe ô tô và mô tô), gồm: gần 2.500 xe chữa cháy, gần 3.400 xe cứu thương, 299 xe quân sự, gần 9.500 xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, hơn 5.460 xe CSGT, gần 2.900 xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh và xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định hiện hành, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã cấp Giấy phép ưu tiên cho 15.735 xe theo quy định.
Bộ Công an đánh giá, công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thiết bị ưu tiên còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ, nhiều nơi bày bán công khai. Một số cơ sở kinh doanh không thực hiện việc xin giấy phép về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phép.
“Một số cơ quan, đơn vị khi nhập khẩu các xe ưu tiên hoặc lắp đặt thiết bị ưu tiên không đúng theo hình dáng, kích thước, màu sắc và tiêu chuẩn kỹ thuật được quy định tại Nghị định 109. Ví dụ, xe cứu thương chỉ được lắp đặt, sử dụng tín hiệu ưu tiên màu đỏ, nhưng có trường hợp lắp đặt màu xanh”- báo cáo của Bộ Công an nêu.
Bên cạnh đó, nguồn cung cấp các thiết bị phát tín hiệu tương tự như các tín hiệu ưu tiên rất đa dạng, trong đó bao gồm cả thị trường trên mạng internet thông qua giao dịch, thanh toán trực tuyến nhưng chưa có quy định pháp luật điều chỉnh nhằm xử lý vi phạm cũng như quản lý, kiểm soát. Điều này gây nên tình trạng mua bán, trao đổi các thiết bị ưu tiên tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ một số đối tượng lợi dụng tự ý lắp đặt và sử dụng bất hợp pháp.
Theo Dân trí
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam