“Bóng ma” tội phạm tài chính - ngân hàng (Kỳ 1)
Kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, thị trường tài chính - ngân hàng chính là công cụ điều hành nền kinh tế quan trọng bậc nhất của Chính phủ, là kênh huy động vốn cho các dự án, cho các chương trình, mục tiêu kinh tế và thực thi chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, hoạt động tài chính - ngân hàng cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém mà biểu hiện rõ nét nhất chính là diễn biến phức tạp và hậu quả khôn lường mà hoạt động tội phạm trong lĩnh vực này gây ra những năm gần đây.
Từ "ngoại thương"
Mấy năm qua, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, thị trường chứng khoán bấp bênh, thị trường vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro... đã kéo theo sự xuất hiện của nhiều yếu tố được xem là nguyên nhân và điều kiện phát sinh, phát triển các loại tội phạm và vi phạm pháp luật mới, đặc biệt là hoạt động tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng bởi hệ thống tài chính - ngân hàng có vai trò đặc biệt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.
Diễn biến trên thị trường tài chính - ngân hàng những năm gần đây đã cho thấy rõ hậu quả khôn lường của loại tội phạm này đối với nền kinh tế, với số tiền thiệt hại lên tới hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tỉ đồng.
Hoạt động tín dụng đen gây bất ổn tại nhiều địa phương
Có thể kể đến một loạt những vụ án được phát hiện, xử lý thời gian gần đây như vụ Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả con dấu, chữ ký của lãnh đạo, móc nối với cán bộ ngân hàng, các doanh nghiệp và đối tượng ngoài xã hội để huy động vốn, lừa đảo chiếm đoạt hơn 4.300 tỉ đồng của 5 ngân hàng và 30 tổ chức, cá nhân.
Hay vụ 23 cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập khống 125 giấy xác nhận huy động vốn và chứng từ chi tiền môi giới khống, sử dụng giấy chứng minh thư nhân dân của nhiều người để huy động vốn ảo với số tiền lên tới 150 tỉ đồng; vụ Trịnh Thị Lan - Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Nguyễn Thị Thúy Lan - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư, tư vấn, dịch vụ tài chính Sài Gòn - Hà Nội móc nói với cán bộ ngân hàng lập khống hợp đồng ủy thác mua trái phiếu Chính phủ, làm giả bản cam kết đảm bảo cho hợp đồng này, lừa đảo, chiếm đoạt của Ngân hàng Thương mại Cổ phần nhà Hà Nội 600 tỉ đồng...
Và gần đây nhất, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) về tội cố ý làm trái và ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch Hội đồng quản trị 3 công ty: Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại B&B, Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu (Hà Nội) về tội kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước.
Hậu quả mà các đối tượng này gây ra cho Ngân hàng ACB nói riêng thì đã rõ, nhưng với thị trường tài chính, chứng khoán hay với một số tổ chức, cá nhân bị “sa bẫy” thì khó có thể tính nổi. Chỉ biết rằng, theo ghi nhận trên thị trường chứng khoán, sau 2 ngày thông tin Nguyễn Đức Kiên bị bắt, vốn hóa của thị trường chứng khoán đã bốc hơi hàng trăm tỉ đồng, còn tính riêng những người giàu nhất sàn chứng khoán thì tài sản của họ cũng bốc hơi hơn 700 tỉ đồng.
Đáng báo động hơn, khi chính sách tiền tệ thắt chặt, khung pháp lý trong hoạt động tài chính - ngân hàng ngày càng được hoàn thiện, hoạt động tội phạm trong tài chính - ngân hàng lại đang có xu hướng len lỏi về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng sa để “lộng hành”. Thống kê sơ bộ của cơ quan cảnh sát kinh tế cho thấy, từ năm 2010 đến tháng 6/2012, đã phát hiện, điều tra hơn 60 vụ “vỡ nợ tín dụng đen” - một loại tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng với số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng (chúng tôi sẽ đi phân tích thủ đoạn của bọn tội phạm này ở bài viết tiếp theo).
Điển hình như vụ vỡ nợ 400 tỉ đồng tại doanh nghiệp tư nhân Quang Quyên ở Đan Phượng (Hà Nội); vụ Nguyễn Thị Minh Tâm và Nguyễn Chí Việt ở khu 1, Suối Hoa (Bắc Ninh) vỡ nợ 500 tỉ đồng; vụ Vũ Thị Hoàng Hoa ở quận 10 (thành phố Hồ Chí Minh) vỡ nợ 500 tỉ đồng...
Cũng theo cơ quan điều tra thì hoạt động của loại tội phạm này đang có dấu hiệu gia tăng về cả số lượng lẫn tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Cụ thể, trong 3 năm (2009, 2010, 2011), hơn 100 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tham ô, vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng đã được các lực lượng chức năng điều tra phát hiện. Còn nếu tính từ năm 2010 đến tháng 6/2012, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 104 vụ, gây thiệt hại trên 9.100 tỉ đồng nhưng chỉ thu hồi được 2.000 tỉ đồng; cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố 40 vụ, gần 70 cán bộ ngân hàng...
Đáng lưu ý, hầu hết những vụ việc trên đều có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng, chiếm tới 70% số đối tượng đã khởi tố, thậm chí, nhóm đối tượng này còn câu kết với các đối tượng bên ngoài hình thành tổ chức, đường dây phạm tội để rút ruột ngân hàng. Tính chất, mức độ nghiêm trọng của các vụ án cũng ngày một gia tăng còn thể hiện ở số đối tượng tham gia ngày một đông, có vụ lên tới 15-20 đối tượng, thậm chí là 30-40 đối tượng.
Đặc biệt, nếu như các vụ án trước kia đối tượng phạm tội thường chỉ là nhân viên giao dịch hoặc cùng lắm là giám đốc chi nhánh, hội sở thì nay đối tượng phạm tội có cả tổng, phó tổng giám đốc ngân hàng cổ phần thương mại lớn và cán bộ cao cấp (như vụ ở Ngân hàng ACB xảy ra năm 2012). Cùng với sự gia tăng về tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc thì thiệt hại mà những vụ án này gây ra cũng ngày một lớn, không dừng lại ở con số tiền tỉ mà đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng, thậm chí còn lớn hơn nữa.
Qua đó để thấy rằng, hậu quả của các vụ án liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng là hết sức nặng nề và việc khắc phục hậu quả mà nó gây ra là hết sức khó khăn. Thậm chí, nó còn đe dọa đến vấn đề an ninh kinh tế của đất nước, là mầm mống gây bất ổn chính trị, cản trở quá trình phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế và điều dễ nhận thấy nhất, vì mục đích cá nhân hay “nhóm lợi ích”, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tìm mọi cách “bóp méo”, làm sai lệch nhiều chính sách, pháp luật của Nhà nước để trục lợi.
Nếu ví nền kinh tế là một “cơ thể sống” thì “cơ thể sống” đấy đang bị tổn thương nghiêm trọng mà để chữa khỏi nó sẽ là vô cùng “tốn kém”. Những con số lên tới hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ đồng đưa ra để giải quyết nợ xấu - một trong những hậu quả mà tội phạm này gây ra đã nói lên điều đó.
(Xem tiếp kỳ sau)
Thanh Ngọc
-
Tin tức kinh tế ngày 20/10: Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cao kỷ lục
-
Giá dầu hôm nay (19/10): Dầu thô quay đầu giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh