Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út: Nếu chỉ tập trung vào năng lượng tái tạo là một “sai lầm chết người”
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út Hoàng tử Abdulaziz bin Salman phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Công nghệ Dầu khí Quốc tế 2022 (IPTC) hôm Chủ nhật, 20/2/2022 tại Riyadh. Ảnh: Saudi Gazette |
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Công nghệ Dầu khí Quốc tế 2022 (IPTC) hôm 20/2, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã cảnh báo rằng sự sụt giảm mạnh đầu tư vào dầu khí đe dọa an ninh năng lượng, coi đây là một mối nguy hiểm thực sự. “Điều nguy hiểm là thế giới sẽ không thể sản xuất tất cả năng lượng cần thiết để thúc đẩy phục hồi”. Việc thiếu đầu tư này làm tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng năng lượng và tạo ra thách thức cho các nhà hoạch định chính sách, với việc năng lượng tăng giá và gây ra những lo ngại liên quan đến tình trạng thiếu nguồn cung. Ả Rập Xê Út sẽ tiếp tục đầu tư vào dầu khí sạch và mở rộng năng lực sản xuất của mình.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út cho rằng đại dịch Covid và quá trình phục hồi đang diễn ra sau đại dịch đã dạy chúng ta “giá trị của sự thận trọng”. Ả Rập Xê-út sẽ tiếp tục thận trọng và chú ý đến sự cần thiết phải duy trì sự linh hoạt trong chiến lược năng lượng của mình và sẽ áp dụng trong một viễn cảnh dài hạn. Ả Rập Xê-út có thể triển khai các dự án năng lượng mặt trời, gió và hydro trị giá hàng tỷ USD tại Ả Rập Xê-út ngay cả khi vẫn duy trì vị thế là một nhà sản xuất dầu khổng lồ. Việc lựa chọn giữa một trong hai chiến lược là vô lý và việc suy đoán về sự suy giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch là hoàn toàn xa rời thực tế.
Đường ống dẫn dầu xuất khẩu năng lượng toàn cầu của Aramco. Ảnh: Aramco. |
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út chỉ ra rằng an ninh năng lượng đòi hỏi thế giới tiếp tục phải sử dụng tất cả các lựa chọn năng lượng, bao gồm cả các nguồn hydrocacbon, vốn đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong nhiều thập kỷ. Công nghệ sẽ là một trụ cột thiết yếu để giải quyết các vấn đề thách thức liên quan đến cách thức cung cấp nhiên liệu hydrocacbon và giảm phát thải khí nhà kính. Đổi mới công nghệ sẽ là yếu tố cần thiết trong việc thực hiện Sáng kiến Xanh của Ả Rập Xê Út, với mong muốn đáp ứng một nửa nhu cầu điện trong nước từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030 và không phát thải carbon vào năm 2060.
Là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, Ả Rập Xê-út sản xuất hơn 9 triệu thùng mỗi ngày và chiếm 15% trữ lượng dầu của toàn thế giới. Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco gần đây cho biết họ sẽ bắt đầu bơm thêm dầu, tăng khả năng nắm bắt nguồn cung toàn cầu, trong khi các nước phương Tây và các công ty năng lượng quốc tế cố gắng hạn chế khai thác nhiên liệu hóa thạch.
Hội nghị Công nghệ Dầu khí Quốc tế (IPTC) lần thứ 14 diễn ra từ ngày 21-23/2/2022 tại Riyadh, với sự bảo trợ của Ả Rập Xê-út, sự tham dự của Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq và Kuwait, Bộ trưởng Dầu khí Ai Cập và nhiều đại diện của các tổ chức, công ty dầu khí toàn cầu, là sự kiện kỹ thuật đa ngành dầu khí hàng đầu ở khu vực, tập trung vào vấn đề công nghệ và các thách thức đối với các kỹ sư, nhà quản lý trong ngành dầu khí trên toàn thế giới./.
Thanh Bình
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 23/10: Giá dầu thế giới diễn biến trái chiều
-
Các chuyên gia nói gì về nhu cầu dầu từ nay đến năm 2035?
-
Yếu tố nào đang đè nặng lên thị trường dầu mỏ?
-
VPI dự báo giá xăng dầu giảm từ 1,2 - 3,1% trong kỳ điều hành ngày 24/10
-
Qatar phải cạnh tranh với các nhà cung cấp LNG linh hoạt