Bộ Tài chính phản đối giảm thuế động cơ, hộp số ôtô về 0%
Dự thảo Nghị quyết các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến đưa ra nhiều đề xuất theo hướng giảm thuế với động cơ, hộp số về 0% đến 2025, mức tương đương cam kết tại Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA). Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được đồng tình từ phía Bộ Tài chính.
Theo Bộ Tài chính, thuế suất ưu đãi đặc biệt của các dòng hàng động cơ và hộp số ôtô tại ATIGA là 0%, trong hiệp định ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Còn tại Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) mức thuế suất ưu đãi lần lượt là 0%; 4,2%; 13,3%; 18%; 20% tại năm 2019. Các mức ưu đãi hiện nay bằng hoặc thấp hơn so với thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) 2018.
Như vậy, nếu điều chỉnh thuế suất trong AKFTA và VKFTA đang ở mức bằng hoặc thấp hơn MFN 7-25% về mức tương đương với cam kết ATIGA (0%) sẽ đẩy nhanh cam kết trong 2 hiệp định nói trên, đồng thời có thể gây ra chuyển hướng thương mại tới các nước được hưởng thuế suất ưu đãi của hiệp định.
Lắp ráp ôtô tại Nhà máy ôtô Trường Hải (Quảng Nam). Ảnh: Trường Hải. |
Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu động cơ, hộp số ôtô chủ yếu đến từ Hàn Quốc (33,7%), Trung Quốc gần 20%, ASEAN và Nhật Bản trên 18%. Nếu doanh nghiệp muốn được hưởng thuế suất thấp có thể lựa chọn nhập khẩu từ các nước ASEAN, Nhật Bản...
Trong bối cảnh nhập khẩu động cơ, hộp số từ Hàn Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn, Bộ Tài chính cho rằng, nếu đẩy nhanh cam kết trong AKFTA, VKFTA có thể khiến tỷ trọng này tăng lên, tăng rủi ro khi phụ thuộc vào một thị trường cũng như không đa dạng hoá nguồn cung khác nhau cho doanh nghiệp và giảm thu từ thuế nhập khẩu.
Mặt khác, ngành sản xuất lắp ráp ôtô thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên tại Nghị định 111/2015, được miễn thuế nhập khẩu 5 năm từ ngày dự án bắt đầu sản xuất với nguyên, vật liệu, linh kiện trong nước chưa sản xuất được.
"Các quy định về thuế đã khuyến khích sản xuất, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ngành sản xuất, lắp ráp ôtô", Bộ Tài chính đánh giá. Vì thế, cơ quan này đề nghị Bộ Công Thương bỏ quy định này ra khỏi dự thảo Nghị quyết.
Bộ Tài chính cũng muốn bỏ khỏi dự thảo Nghị quyết quy định về ưu đãi tín dụng riêng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Thay vào đó dự thảo Nghị định nên sửa thành "việc vay vốn đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ thực hiện theo quy định hiện hành".
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng không ủng hộ có giải pháp ưu tiên các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ, tạo nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Cũng theo dự thảo Nghị quyết, Bộ Công Thương muốn bổ sung quy định Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp được dùng ngân sách từ nhiệm vụ không thường xuyên trong 5 năm. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị bỏ nội dung này với lý do "không phù hợp".
Theo VNE
-
Kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm rủi ro thiên tai và khuyến nghị cho Việt Nam
-
Cân nhắc bổ sung quy định về ngưỡng nợ thuế tối thiểu áp dụng tạm hoãn xuất cảnh
-
Thu ngân sách nhà nước từ dầu thô vượt 6,2% dự toán trong 10 tháng 2024
-
Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản tăng CPI bình quân năm 2024
-
Áp thuế suất 5% với phân bón: Giảm giá thành, tăng thu ngân sách Nhà nước
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên