Bộ Tài chính: 3 phương án tháo gỡ vướng mắc cho Dung Quất
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. |
Như PetroTimes đã thông tin, trong khi sản phẩm xăng của Công ty Lọc hóa dầu Dung Quất phải chịu mức thuế 20% thì các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Hàn Quốc lại chỉ chịu mức thuế 10%. Chính sự chênh lệch thuế suất này khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhà máy gặp vô vàn khó khăn. Và dù Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý Dung Quất - đã giảm giá bán sản phẩm để bù phần chênh lệch thuế nhập khẩu nhưng các doanh nghiệp đầu mối cũng chỉ ký hợp đồng với thời hạn 2 hoặc 3 tháng, đồng thời cũng giảm khối lượng đăng ký mua...
Việc khách hàng giảm khối lượng cam kết tiêu thụ và chỉ cam kết tiêu thụ sản phẩm trong thời gian ngắn như vậy được xác định là tiềm ẩn rủi ro cho Dung Quất trong việc lập kế hoạch sản xuất, thu mua dầu thô, xây dựng phương án tiêu thụ nhiên liệu...
Từ thực tế trên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Bình Sơn đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét và điều chỉnh cơ chế thuế cho Dung Quất. Và ngày 3/12/2015, Bộ Tài chính đã có Công văn trả lời PVN đề nghị Tập đoàn thực hiện đúng các quy định hiện hành. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi biến động của giá dầu để lựa chọn thời điểm điều chỉnh...
Tuy nhiên, tại thời điểm trên, Thông tư về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Hàn Quốc chưa được ban hành. Chính vì vậy, tại thời điểm này, khi Thông tư đã được ban hành và có hiệu lực từ 20/12/2015 và với tình hình giảm giá bán của Bình Sơn nhưng các đầu mối xăng dầu vẫn giảm khối lượng đăng ký mua, cùng với khả năng số lượng xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN, Hàn Quốc (nguồn nhập khẩu được hưởng thuế nhập khẩu thấp hơn mức thuế nhập khẩu MFN - thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi) tăng lên so với năm 2015 do chênh lệch thuế, Vụ Chính sách thuế đã trình Bộ Tài chính 3 phương án tháo gỡ như sau:
Phương án 1: Tiếp tục giữ nguyên mức thuế nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng xăng dầu như quy định tại Thông tư số 182/2015/TT-BTC và nội dung công văn 17936/BTC-CST.
Về phương án này, Vụ Chính sách thuế cho rằng, đối với Bình Sơn sẽ khó tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra hơn so với năm 2015. Trường hợp Bình Sơn giảm số lượng sản phẩm tiêu thụ thì số thu điều tiết sẽ giảm theo tương ứng.
Còn với xăng dầu nhập khẩu, trước mắt thu được thuế nhập khẩu, thuế Giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt tính theo mức thuế nhập khẩu MFN đối với xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN, Hàn Quốc chưa có chứng nhận xuất xứ. Nhưng sau đó sẽ phải hoàn chênh lệch thuế nhập khẩu, thuế Giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nếu doanh nghiệp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ trong thời hạn theo quy định.
Đối với doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu: Nếu nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN, Hàn Quốc có chứng nhận xuất xứ, được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì sẽ được hưởng lợi hơn so với năm 2015 do chính sách thuế tạo ra. Bởi mức thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở bán lẻ là mức thuế nhập khẩu MFN, trong khi mức thuế nhập khẩu thực tế áp dụng cho thuế suất ATIGA hoặc Việt Nam - Hàn Quốc có sự chênh lệch. Cụ thể, mặt hàng xăng năm 2015 không có chênh lệch nhưng năm 2016 sẽ chênh lệch 10% nếu được áp dụng thuế suất theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc; dầu diezen, nhiên liệu bay năm 2015 chênh lệch 5% nhưng năm 2016 thì chênh 10% nếu được áp dụng thuế suất ATIGA.
Phương án 2: Giữ mức thuế nhập khẩu MFN đối với xăng là 20% (bằng với mức ATIGA, cao hơn mức Việt Nam – Hàn Quốc là 10% để tiếp tục theo dõi số lượng xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc (là đối tượng được áp dụng Thông tư 201/2015/TT-BTC); điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng dầu về mức thống nhất 7% (mức thuế nhập khẩu MFN của diezen, ma dút, nhiên liệu bay từ 10% về 7%; dầu hoả từ 13% về 7%) bằng với mức cam kết của Chính phủ đối với sản phẩm lọc dầu của Bình Sơn.
Nếu thực hiện theo phương án này, Vụ Chính sách thuế cho rằng, đối với Bình Sơn sẽ tạo điều kiện cho Công ty dễ tiêu thụ dầu diezen, ma dút, nhiên liệu bay, dầu hoả hơn so với phương án 1, việc tiêu thụ mặt hàng xăng thì vẫn như phương án 1 nhưng không giải quyết được triệt để khó khăn của Bình Sơn trong việc cạnh tranh với hàng nhập khẩu khi thuế nhập khẩu ATIGA đối với mặt hàng dầu, nhiên liệu bay là 0% từ năm 2016.
Với xăng dầu nhập khẩu thì số thuế nhập khẩu, thuế Giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN, Hàn Quốc chưa có chứng nhận xuất xứ sẽ thấp hơn so với phương án 1 nhưng số thuế phải hoàn chênh lệch thuế nhập khẩu, thuế Giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nếu doanh nghiệp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ trong thời hạn theo quy định sẽ lại thấp hơn phương án 1.
Với doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thì nếu nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN, Hàn Quốc, có chứng nhận xuất xứ, được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì sẽ hưởng lợi do mức mức thuế nhập khẩu tính trên giá cơ sở bán lẻ là mức thuế nhập khẩu MFN thấp hơn phương án 1 nhưng vẫn cao hơn so với năm 2015.
Phương án 3: Tiếp tục giữ nguyên mức thuế nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng xăng dầu như quy định tại Thông tư số 182/2015/TT-BTC như phương án 1, đồng thời nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi quy định về cơ chế thu điều tiết nêu tại Quyết định số 138/QĐ-TTg như sửa đổi về đối tượng thu, tỉ lệ thu điều tiết cho phù hợp với lộ trình giảm thuế các biểu thuế FTA.
Thực hiện theo phương án này sẽ tạo điều kiện để sản phẩm xăng dầu của Bình Sơn bán ra được cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu trong bối cảnh thuế nhập khẩu ATIGA và Việt Nam – Hàn Quốc đối với các mặt hàng xăng dầu được giảm theo cam kết.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nếu nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN, Hàn Quốc, có chứng nhận xuất xứ, được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì vẫn được hưởng lợi do mức thuế nhập khẩu tính trên giá cơ sở bán lẻ là mức thuế nhập khẩu MFN như phương án 1.
Chính vì vậy, Vụ Chính sách thuế đề nghị nghiên cứu sửa quy định về mức thuế nhập khẩu tính trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu bán lẻ không phải là mức thuế nhập khẩu MFN.
Từ những phân tích trên, Vụ Chính sách thuế cho hay, về lâu dài, Vụ sẽ phối hợp với các đơn vị nghiên cứu báo cáo Bộ phương án 3.
Thanh Ngọc
-
Tin tức kinh tế ngày 27/10: Thanh, kiểm tra các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam
-
Giá vàng trong tuần (21/10-27/10): Kết thúc tuần tăng giá
-
Đức ký kết hợp đồng mua khí đốt tự nhiên của Mỹ trong 10 năm
-
Chủ tịch HĐQT Shinec: Kinh doanh tín chỉ carbon như "bán đàn vịt giời"
-
Apple bị “soán ngôi” công ty giá trị nhất thế giới