“Biết đứng dậy khi bữa tiệc chưa tàn”
Tổng thống Putin luôn có những quyết định bất ngờ khiến Mỹ và phương Tây bối rối không biết phải "tiếp chiêu" như thế nào |
“Đặc sản” của Putin
Tổng thống Putin hôm 14-3 đã làm cả thế giới bất ngờ khi ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu bắt đầu rút dần các binh sĩ thuộc lực lượng không quân Nga ra khỏi lãnh thổ Syria từ ngày 15-3, vì nhiệm vụ của họ tại đây đã hoàn thành. Bỗng chốc, những dự đoán, cảnh báo trước đó của phương Tây về cái gọi là “sự sa lầy” của Nga khi can thiệp quân sự vào Syria tự nhiên trở nên ngớ ngẩn đến cùng cực. Nhưng cũng chính lúc này,những đồn đoán, dèm pha nhắm vào nước Nga và cá nhân Tổng thống Putin lại được dịp nổi lên.
Người ta đồn rằng, Nga buộc phải tìm cách rút quân khỏi Syria chẳng qua vì đã ở đường cùng. Họ cho rằng Moskva không chịu nổi phí tổn của cuộc chiến này nữa.
Báo New York Daily News đưa tin ước tính mỗi ngày quân đội Nga “đốt” hết 4 triệu USD ở Syria. Trong khi đó, lệnh cấm vận của phương Tây suốt gần 2 năm trời, cộng thêm việc giá dầu rớt thảm hại suốt thời gian dài qua khiến một đất nước phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu mỏ như Nga đã khó khăn lại càng thêm điêu đứng.
Trước mắt, Nga còn phải chịu đựng lệnh cấm vận của Mỹ thêm 1 năm, đến 6/3/2017 và lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đến cuối tháng 7 năm nay. Trong khi đó, triển vọng phục hồi giá dầu toàn cầu càng ngày càng trở nên tăm tối. Ả-rập Xê-út - “ông vua” của thế giới dầu mỏ - kẻ đang đứng ở chiến tuyến bên kia trong cuộc chiến Syria và là đồng minh của Mỹ đã lắc đầu dứt khoát với yêu cầu tha thiết giảm sản lượng từ Nga. Không những vậy, Riyadh còn tỏ rõ quyết tâm “chơi đến cùng” trong cuộc chiến “dìm” giá dầu và đẩy các đối thủ như Nga và Iran vào cảnh cơ hàn khi yêu cầu vay gói “siêu” nợ từ 6 - 8 tỉ USD hồi tuần trước. Trong tình hình này, việc rút quân khỏi Syria sẽ giúp Nga tiết kiệm tiền đáng kể, để dồn sức chống đỡ với những khó khăn kinh tế trong nước.
Người ta cũng đồn rằng, Tổng thống Putin vốn đã hi vọng việc Nga tham chiến ở Syria sẽ lôi kéo sự chú ý của phương Tây và Mỹ khỏi Ukraina, cũng như có thể ra giá với Washington và phương Tây trên hồ sơ này, nhưng tình hình Ukraina ngày càng bị “đóng băng”, còn lệnh cấm vận thì vẫn tiếp diễn, nên ông Putin quyết định phải rút về ngay lập tức, vì Nga không có khả năng chia lửa cho hai mặt trận.
Nhưng dù đồn đoán kiểu gì, người ta cũng phải công nhận rằng ông Putin đã luôn khiến Mỹ và phương Tây bối rối, choáng váng bởi những quyết định bất ngờ và táo bạo của mình. Đây có lẽ là thứ “đặc sản” mà phương Tây đã “ăn” của ông Putin bao năm qua mà vẫn không biết thực chất nó được chế biến lúc nào, chế biến ra sao, khi nào thì bày lên bàn tiệc và phải “ăn” nó kiểu gì. Nhanh nhạy và dầy dặn kinh nghiệm như tình báo Mỹ CIA còn như bị dán băng dính vào mắt và phải chật vật đọc ý đồ của ông Putin.
Còn nhớ, cách đây hơn 5 tháng, khi rời kỳ họp 70 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trở về, ngay hôm sau, Quốc hội Nga đã phê chuẩn cho phép Tổng thống Putin được can thiệp quân sự ở Syria theo yêu cầu của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và chỉ vài tiếng đồng hồ sau, không quân Nga đã xuất kích dội bão lửa lên khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các phe nhóm phiến quân cực đoan khác ở Syria.
Putin đã làm cho phương Tây quá ngỡ ngàng bởi sự thần tốc và hiệu quả chóng vánh của chiến dịch. Chỉ một tuần không kích mà hiệu quả của Nga bằng một năm không kích của liên quân 60 nước do Mỹ dẫn đầu! Và lúc này dư luận quốc tế không khỏi thắc mắc: Tại sao một nước Nga “bị cách ly, nghèo đói sắp kiệt quệ tới nơi” (như cách phương Tây mô tả) mà lại chống khủng bố hiệu quả đến vậy, trong khi phương Tây có cả một liên minh rầm rộ mà càng đánh thì IS càng bành trướng lãnh thổ ở Iraq và Syria?
Chưa hết, trong khi các nhà quân sự phương Tây còn tưởng tai mình bị điếc hay mắt mờ nhìn nhầm các trang báo thì tốp máy bay Su-34 của Nga đã bay từ Syria về căn cứ quân sự tại Nga ngày 15-3 chỉ sau tuyên bố rút quân của ông Putin 24 tiếng! Cơn bối rối của người Mỹ có lẽ phải sau chuyến đi Moskva và thỉnh giáo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cuối tuần này của Ngoại trưởng John Kerry mới nguôi ngoai được.
Thời điểm hoàn hảo
Và bất chấp những dèm pha, đồn đoán, phải thừa nhận rằng ông Putin đã chọn một thời điểm hoàn hảo cho việc rút quân. Nga đã thắng trong canh bạc này một cách vẻ vang, bởi rút quân trong thời gian ngưng bắn vì đó là hình ảnh chiến thắng, còn rút quân trong khi giao tranh là thua bỏ chạy. Hơn nữa, Moskva đã đạt được quá nhiều mục tiêu và lợi ích trong cuộc can thiệp quân sự vào Syria.
Đầu tiên - và quan trọng nhất, là chiến dịch can thiệp quân sự thần tốc của Nga vào Syria đã làm thay đổi cục diện căn bản chiến trường Syria. Khi quân đội Nga bắt đầu triển khai tới Syria vào ngày 30-9 năm ngoái, chính quyền của ông Assad đang tơi bời bởi các đợt tấn công của hàng loạt lực lượng nổi dậy khác nhau được Mỹ chống lưng mạnh mẽ và đang ở đứng bên bờ vực của sự sụp đổ bất cứ lúc nào.
Chỉ 5 tháng sau đó, được hậu thuẫn bởi chiến dịch không kích mạnh mẽ của Nga, quân đội Syria đã chiếm lại được những phần lãnh thổ quan trọng ở cả hai miền Nam và Bắc, mang lại thế thượng phong quân sự rõ ràng cho ông Assad và khiến cho các lực lượng nổi dậy “ôn hòa” dưới con mắt của Washington, cũng như IS phải hứng chịu những tổn thất nặng nề. Phe nổi dậy bị đẩy vào thế: hoặc là chịu khó ngồi vào bàn đàm phán, hoặc là liên kết với thánh chiến khủng bố và cùng chết chung với chúng.
Moskva cũng đã gần như đạt được một mục tiêu quan trọng là khiến phương Tây phải lựa chọn: hoặc là sự khủng khiếp của IS hoặc là sự tồn tại của chế độ Assad. Moskva gần đây đã buộc Washington phải “tắt” điệp khúc “Assad phải ra đi”, với việc Ngoại trưởng John Kerry khẳng định rằng “Hoa Kỳ và các đối tác của chúng tôi không tìm kiếm cái gọi là thay đổi chế độ” và rằng “không có sự khác biệt giữa chúng tôi về những gì có thể hoặc không thể được thực hiện ngay lập tức về Assad”.
Trên mặt trận ngoại giao, sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria thực sự đã chấm dứt mọi nỗ lực phớt lờ và cô lập nước Nga của phương Tây. Washington buộc phải thừa nhận Moskva đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định tương lai của Syria ngay từ khi đặt bút ký vào bản ghi nhớ tránh đụng độ giữa các máy bay hai nước trên bầu trời Syria khi tiến hành không kích vào tháng 10 - 2015. Còn giờ đây, Nga và Mỹ là những nhà bảo lãnh chung của thỏa thuận ngừng bắn ở Syria và thậm chí cả ở Ukraina, hai nước cũng đang có dấu hiệu khởi động lại các nỗ lực ngoại giao đàm phán.
Nga đã "rời bàn tiệc" trong thế thắng |
Nga cũng đã thành công trong việc kéo “Iraq về gần Iran” cũng như thúc đẩy sự liên kết giữa Iran - Hezbollah - Dân quân Shia (Iraq) - Dân quân Houthi (Yemen) và đây sẽ là lực lượng cực kỳ quan trọng mà Nga sẽ hậu thuẫn trong ván bài địa chính trị Trung Đông.
Trên bình diện quốc tế, Nga cũng gióng một hồi chuông báo động về chính sách “dùng khủng bố để can thiệp vào nội bộ nước khác” và “dạy” cho Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ một bài học về “thế nào là cường quốc, là nước lớn”.
Việc rút quân còn cho thấy, Nga muốn các đối tác ở vùng Vịnh và cả thế giới hiểu rằng: Nga tôn trọng và không bao giờ phản bội các cam kết của mình. Nga là một quốc gia đến và hoàn thành nghĩa vụ bằng một giải pháp hòa bình thì đi mà không ai cản được. Nga cũng không can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của nước khác. Nga rút quân để cho tiến trình hòa hợp, hòa giải là câu chuyện của người trong cuộc. Từ nay trở đi hòa bình ở Trung Đông nếu tồi tệ hơn thì Mỹ và phương Tây phải cố mà chịu trận.
Dĩ nhiên, cũng có ý kiến cho rằng động thái rút quân của Nga khỏi Syria chỉ có ý nghĩa tinh thần, biểu tượng còn thực tế Nga vẫn duy trì hiện diện quân sự tại căn cứ hải quân ở cảng Tartus và căn cứ không quân ở sân bay Hmeymim, vẫn để lại hệ thống cố vấn trong quân đội Syria, để lại một số đơn vị tấn công, các kho chứa quân cụ và vũ khí, đặc biệt là giàn hoả tiển tối tân S-400 do lính Nga điều khiển vẫn duy trì để kiểm soát bầu trời Syria… Tuy nhiên, với sự “mềm dẻo” này, nước Nga đang chứng tỏ họ cứng rắn nhưng cũng luôn sẵn lòng mở cánh cửa hợp tác, chia sẻ với các đối thủ, đối tác...
Như vậy, sau nhiều năm vắng bóng trong các cuộc viễn chinh, người Nga đã có sự trở lại ngoạn mục ở Syria. Đến thần tốc một cách đường đường chính chính, rút quân bất ngờ trong thế thắng, ông Putin qua đó ngầm tuyên bố với thế giới rằng “hai thập kỷ sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn có khả năng duy trì ảnh hưởng của mình kể cả ở những nơi cách xa hàng nghìn km” và họ có thể xử lý tốt như thế nào trong một cuộc chiến đa diện không chỉ trên mặt trận quân sự.
Người Nga đã rời “bàn tiệc” một cách chủ động vẻ vang, bỏ lại một nước Mỹ “chưng hửng” bối rối chẳng biết bao giờ mới chấm dứt chiến dịch chống khủng bố...
John Kerry sang Nga học nghệ thuật chiến tranh của ông Putin Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông sẽ tới Moskva vào tuần tới để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc nước Mỹ nên làm gì cho tiến hòa bình tại Syria. |
6 thước phim cực sốc về chiến dịch của Nga ở Syria Ngày 15/3, lực lượng không quân Nga đã rút khỏi Syria sau gần 6 tháng không kích quân khủng bố. Sau đây là 6 thước phim quay cảnh máy bay Nga tấn công các cơ sở của IS do đài RT của Nga bình chọn. |
Hiểu hết chiến dịch quân sự của Nga tại Syria trong 1 phút Khởi sự cách đây 6 tháng, chiến dịch không kích của Nga chống IS đã đem lại những kết quả khả quan. Hôm 14/3, Tổng thống Putin thông báo rút quân sau khi đã đạt được mục đích. |
Putin khiến phương Tây “há hốc mồm” tại Syria Lệnh ngừng bắn tại Syria ngày 27/2 và cuộc bầu cử lập pháp tại Syria vào tháng 4/2016 là hai bước đi của Nga và chính quyền Damas nhằm buộc Mỹ và tất cả các nước đồng minh chấp nhận thất bại tại Syria. |
Linh Phương
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng