Putin khiến phương Tây “há hốc mồm” tại Syria
Liệu những biến đổi lớn trong cục diện quân sự và chính trị tại Syria trong tuần cuối tháng 2 vừa rồi có đồng nghĩa với những tiến triển tốt đẹp cho Syria? Còn quá sớm để nói trước được điều gì, song một điều quá rõ ràng tại thời điểm hiện tại là Nga và đồng minh Syria hợp tác như một cặp bài trùng. Tổng thống Nga Putin lại một lần nữa chứng tỏ tài năng lãnh đạo của mình khi liên tiếp có những bước đi cao tay trên bàn cờ Syria, khiến các đối thủ chỉ còn biết chống trả một cách yếu đuối.
Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng nhiệm Mỹ Kerry |
Cô lập Thổ Nhĩ Kỳ
Qua lệnh ngừng chiến lần này, một mặt, Putin muốn chia cắt và cô lập Thổ Nhĩ Kỳ: Sau thắng lợi quân sự lớn tại Aleppo thời gian gần đây, Nga đã tạo điều kiện cho quân đội Damas lấy lại nhiều lãnh thổ hơn bao giờ hết và với lệnh ngừng bắn trong tay, họ sẽ có thời gian để tạo một hàng rào phòng thủ vững chắc quanh những vùng mới chiếm được.
Nước cờ này như một lời cảnh báo thẳng thừng với Thổ Nhĩ Kỳ và những đồng minh của quân nổi dậy rằng “ngừng trợ giúp phiến quân và đóng cửa biên giới ngay đi, không thì chúng tôi gửi tặng các người thêm 2 triệu dân tị nạn từ Syria nữa đấy”… Putin hiểu rõ rằng, dù ông Erdogan có mạnh miệng đến mấy thì vị Tổng thống Thổ cũng không có khả năng đưa quân vào Syria để giúp đỡ quân nổi dậy nếu không có sự trợ giúp của Mỹ và các đồng minh phương Tây, đặc biệt là trong thời điểm lệnh ngừng bắn đang có hiệu lực.
Lực lượng nổi dậy mà ông Erdogan trợ giúp thì liên tục bị không quân Nga oanh tạc, những lần nã pháo vào dải hành lang Azar của Thổ không những không đẩy lùi lực lượng người Kurd tại đây mà chỉ góp phần làm tăng thêm số lượng người tị nạn.
Trên bình diện quốc tế thì Tổng thống Mỹ Obama cũng đành ngậm bồ hòn mặc cho Nga áp đặt hai đồng minh Thổ và Arập Xêút còn châu Âu thì vẫn giữ thái độ mặt lạnh trước người hàng xóm Thổ Nhĩ Kỳ. Với lệnh ngừng bắn hiện tại, dù Thổ và các đồng minh có muốn cũng không thể nã pháo về phía người Kurd hay quân đội Syria được nữa nếu như họ không muốn tự tay phá bỏ lệnh ngừng bắn giữa Nga và Mỹ. Đây quả thật là một thời điểm đen tối cho chính quyền Ankara.
Mặt khác, nước cờ lệnh ngừng bắn còn cho phép ông Putin tạo sức ép lên toàn bộ phe thân Mỹ vì như đã nêu trên, lệnh ngừng bắn là một món quà đối với chính quyền Syria và họ đều bằng lòng với việc chấp hành lệnh này. Mỹ thì rõ ràng là bị đẩy vào thế bị động khi mà họ buộc phải chấp hành lệnh ngừng bắn nhưng nội bộ của họ thì lại rối như tơ vò: Phía phương Tây thì muốn tống cổ ông Assad càng sớm càng tốt, tuy nhiên lệnh ngừng bắn càng kéo dài chừng nào thì chính quyền ông Assad còn tồn tại; Mỹ thì buộc phải “dỗ dành” Thổ và Arập Xêút tuân theo lệnh ngừng bắn, một điều mà hai nước này cho là hết sức phi lý.
Song mấu chốt vấn đề không dừng tại đó, cho dù Thổ và Arập Xêút có chịu nghe theo Mỹ thì các nhóm phiến quân hiếu chiến mà hai ông lớn này “nuôi” cũng khó lòng mà tuân thủ lệnh ngừng bắn. Trong đó khó, khăn lớn nhất ở đây là sự tồn tại của tổ chức al-Nusra, một nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda đóng tại Syria và nguy hiểm không kém gì tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Tổ chức này không có một căn cứ nhất định mà tồn tại nhiều nơi. Hiện al-Nusra kiểm soát thành phố Idleb ở Syria và hấu hết các nhóm phiến quân đóng tại đây.
Với lệnh ngừng bắn, Nga không có lý do gì để dội bom vào các nhóm phiến quân, song nếu lấy lý do là tiêu diệt các phần tử al-Nusra đang ẩn nấp tại đây thì Nga vẫn có thể oanh tạc vào đây mà không lo sợ sẽ vi phạm lệnh ngừng bắn. Quân nổi dậy không có nhiều lựa chọn hoặc họ ngồi yên chịu trận, hoặc họ tự tay phá vỡ lệnh ngừng bắn, nếu không thì họ buộc phải ly khai khỏi tổ chức al-Nusra. Chắc chắn là máu sẽ đổ và Mỹ thì lại dính vào mớ bòng bong này. Putin lại một lần nữa chứng minh cho phương Tây thấy mình cao tay như thế nào.
Nước cờ tiếp theo
Sau thắng lợi tại Aleb, có lẽ liên minh Nga - Syria sẽ kéo sang tiến đánh các nhóm hồi giáo thánh chiến tại phía đông của thành phố vì nước đi này không những giúp họ nới rộng vành đai phòng thủ quanh Aleb mà còn giúp họ kiểm soát được trục đường chính nối thành phố với vùng thuộc phạm vi kiểm soát của chính phủ.
Từ Kuwaired và Ithriya, quân đội Syria có thể tham chiến cùng Lực lượng dân chủ Syria tiêu diệt các mục tiêu của lực lượng thánh chiến đóng tại phía Nam hồ Assad rồi từ đó đánh chiếm lại sân bay Tabqa đã bị mất về tay quân thánh chiến hồi năm 2013. Như vậy các nhóm quân thánh chiến nằm giữa Aleppo và Euphrate sẽ không thể tiếp cận được Raqqa, tạo cơ hội cho Lực lượng dân chủ Syria tiến sâu vào vùng nằm giữa Afrin và Kobane.
Từ Tabqa, quân đội Syria có thể đánh chiếm Raqqa một cách thuận lợi. Với một nước đi tuyệt vời như trên, ông Bachar al-Assad hoàn toàn có đủ khả năng đảm bảo cho mình một nhiệm kỳ tổng thống mới đồng thời hợp thức hóa sự can thiệp quân sự của Nga. Tuy nhiên, mục tiêu chính vào thời gian tới có lẽ không phải là Raqqa mà là Palmyre nếu như Syria muốn mở lại tuyến đường lưu thông giữa Deir el-Zor và Damas, một việc dễ dàng hơn bao giờ hết vì mặt trận phía tây của Syria đã phần nào hạ nhiệt nhờ vào lệnh ngừng bắn.
Bầu cử quốc hội: mồi nhử
Song song với lệnh ngừng bắn, mới đây Tổng thống Al-Assad cũng đã kêu gọi các cử tri đi bầu Quốc hội mới. Mọi thứ đều hoàn hảo và dựa theo Hiến pháp, song điều đáng nói ở đây là thông báo này đến sớm hơn mọi khi những 1 tháng và cùng lúc với thông báo về lệnh ngừng bắn, điều này đã khiến không ít người nghi ngờ liệu đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là do sắp đặt từ trước. Con bài “chuyển dịch chính trị” (dựa theo Nghị quyết số 2254 của Liên Hiệp Quốc) mà ông Bassad vừa tung ra này khiến các đối thủ của ông phải há hốc mồm vì kinh ngạc.
Cuộc bầu cử lần này sẽ diễn ra tương đối khác vì Syria hiện đang là một quốc gia có nội chiến với hơn 6 triệu người tị nạn và khoảng 21,5 triệu dân không có nơi sinh sống nhất định. Một điều chắc chắn là phe thân Nga sẽ tham gia bỏ phiếu và ngược lại đối với phe đỡ đầu bởi Ryad. Điều không chắc chắn ở đây là sự tham gia của đảng Liên minh dân chủ (người Kurd ở Syria): Vẫn còn những bất đồng về mặt chính trị giữa người Kurd và các nhà lập pháp tại đây, chưa kể đến việc đảng Liên minh dân chủ hoàn toàn không có khả năng tham gia vào cuộc bầu cử (căn cứ theo Hiến pháp). Có lẽ là ông Bassad lần này phải tích cực vận động để đưa người Kurd vào bộ máy chính trị mới để làm hài lòng các bên?
Sau 5 năm dài chiến tranh, điều chờ đợi phương Tây là hàng triệu người tị nạn và phần tử thánh chiến trước thềm cửa châu Âu, đây thật sự là một thất bại lớn của Liên minh châu Âu. Tình hình hiện tại không cho họ nhiều thời gian: hoặc là họ thí Syria cho Nga và quay lưng với Thổ Nhĩ Kỳ hoặc là tiếp tục chờ đợi một vụ khủng bố Paris lần thứ hai cùng với đó là làn sóng người nhập cư đang dâng cao. Nếu như phương Tây chấp nhận nước đi này thì chắc chắn Thổ sẽ bị cô lập và không thể hỗ trợ quân nổi dậy một cách hiệu quả. Khó mà ngờ rằng Tổng thống Nga Putin lại có thể dễ dàng sử dụng hàng triệu người tị nạn Syria để uy hiếp các đối thủ của chính quyền ông Assad.
Mỹ và phương Tây bật lại
Mỹ đang hối thúc chính quyền Damas trở lại bàn đàm phán hòa bình vòng hai cho vấn đề Syria. Tuy nhiên, đại diện chính quyền Tổng thống Assad đang tìm cách câu giờ đề củng cố các địa bàn vừa chiếm được. Ngày 12/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết cuộc hoà đàm Syria do Liên Hiệp Quốc bảo trợ nên diễn ra vào thứ hai (14/3) như kế hoạch đã định. Song Ngoại trưởng Syria - ông Walid Muallem, nói Chính phủ Syria tiếp tục theo đuổi cuộc ngưng bắn, nhưng phái đoàn của họ tại cuộc hoà đàm sẽ chỉ chờ 24 giờ đồng hồ để phái đoàn đối lập tới dự cuộc họp. Hiện chưa biết các nhóm đối lập chính ở Syria có tham dự cuộc hòa đàm ở Geneve hay không.
Trước khi lên đường sang Geneve, ông Muallem tuyên bố cuộc hội đàm lần này không được bàn thảo đến vấn đề tước bỏ quyền hành của Tổng thống Bashar al-Assad. Ông Muallem nói: “Chúng tôi không nói chuyện với bất cứ ai muốn thảo luận về tổng thống… Bashar al-Assad là lằn ranh đỏ”.
Ông Mohammad Alloush, trưởng đoàn thương thuyết của nhóm đối lập chính ở Syria nói rằng, Tổng thống Assad phải ra đi. Ông nói với AFP rằng: “Chúng tôi tin là giai đoạn chuyển tiếp phải bắt đầu với việc ông Bashar al-Assad bị lật đổ hoặc chết”.
Mỹ cho rằng bằng cách đưa ra điều kiện trên, Damas “rõ ràng tìm cách cản trở” cuộc hòa đàm do Liên Hiệp Quốc bảo trợ nhằm chấm dứt cuộc nội chiến 5 năm đẫm máu tại Syria.
Nga cũng đang tìm cách kéo dài lệnh ngừng bắn hiện nay tại Syria bằng cách đòi gài thêm thành phần tham gia hòa đàm tại Geneve. Ngày 13/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo về sự sụp đổ của Syria, nếu người Kurd bị gạt khỏi tiến trình đàm phán liên Syria. Quan điểm này được Bộ trưởng đưa ra trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình REN TV: “Nếu người Kurd bị loại bỏ khỏi cuộc đàm phán về tương lai Syria, thì làm sao có thể trông đợi rằng họ muốn ở lại trong thành phần quốc gia này? Khi đó họ chỉ cần phẩy tay vào mặt cộng đồng quốc tế cũng như mọi thứ theo sơ đồ này” - ông Lavrov phân tích.
Ông Lavrov nhấn mạnh, vì vậy Nga sẽ kiên quyết để Liên Hiệp Quốc không “cúi đầu” trước tối hậu thư của Thổ Nhĩ Kỳ và mời người Kurd tham gia cuộc thương lượng để giải quyết xung đột.
Liên quan tới Mỹ, cũng trong bài phát biểu trên REN TV, ông Lavrov khẳng định: “Tôi nhắc lại một lần nữa, chúng tôi xuất phát từ lập trường nguyên tắc của mình: “Chúng tôi làm việc với Mỹ không phải để làm vừa lòng họ, để họ “nhẹ tay” với chúng tôi, mà chúng tôi làm việc ở những khu vực mà sự hiệp lực của chúng tôi thực sự có thể mang lại kết quả sẽ nằm trong lợi ích của Nga. Chúng tôi hợp tác với người Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Syria, vì chúng tôi không muốn để các tổ chức khủng bố hoành hành ở Trung Đông, bọn khủng bố chiến đấu ở địa bàn này sau đó sẽ bắt đầu gây bất an cho các láng giềng của chúng tôi và cho đất nước chúng tôi” - Ngoại trưởng Lavrov nói.
S.Phương
Năng lượng Mới 505
-
Tổng thống Putin: Nền kinh tế phương Tây đang suy thoái
-
Ông Putin tới Trung Quốc, nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung
-
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thảo luận gì về năng lượng?
-
Những thách thức lớn mà ông Putin sẽ phải đối mặt trong 6 năm tới
-
Gần 90% người Nga ủng hộ ông Putin trước thềm bầu cử
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng