Bí thư Đà Nẵng: "Ai cấp sai 14 sổ đỏ ở sân vận động Chi Lăng phải chịu trách nhiệm..."
Nói đến việc cấp 14 sổ đỏ ở khu đất Sân vận động Chi Lăng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã phát biểu như trên tại buổi làm việc với ngành ngân hàng thành phố ngày 28/8.
Ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng làm việc với ngành ngân hàng thành phố |
Cụ thể, tại buổi làm việc, nhiều đại diện chi nhánh các ngân hàng tại thành phố kêu khó xử lý nợ xấu liên quan đến các dự án “dính” sai phạm đất đai theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ như dự án bất động sản Đa Phước, sân vận động Chi Lăng…; nợ xấu liên quan hai nhà máy thép Dana-Úc, Dana - Ý
Liên quan đến khu đất sân vận động Chi Lăng, sau khi Thành phố bán khu đất này cho Tập đoàn Thiên Thanh thời điểm ông Phạm Công Danh làm chủ tịch Tập Đoàn (năm 2010), khu đất này đã bị “xẻ thịt” thành 14 lô đất với 14 sổ đỏ và vay tiền ngân hàng. Không biết việc “xẻ thịt” khu đất này là sai (phân lô khi quy hoạch dự án chưa được phê duyệt), phần thấy khu đất SVĐ Chi Lăng có giá trị nên ngân hàng yên tâm cho vay.
Theo Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, ai cấp sai 14 sổ đỏ ở khu đất SVĐ Chi Lăng phải chịu trách nhiệm |
Trao đổi với các đại diện ngành ngân hàng thành phố, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chia sẻ Thành phố mong muốn thu hồi lại đất SVĐ Chi Lăng theo nguyện vọng của người dân. Hiện tại đất SVĐ Chi Lăng không thể đưa ra đấu giá được vì 14 sổ đỏ được cấp không hợp pháp. Việc cấp sai 14 sổ đỏ ở đây, ai cấp sai phải chịu trách nhiệm và khả năng có người đi tù.
“Ông nào cấp sổ đỏ thì phải chịu trách nhiệm và cũng sẽ có một vài ông đi tù. Còn ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro” - ông Trương Quang Nghĩa nói.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng đề nghị các ngân hàng và Thành phố ngồi lại với nhau để thương thảo cách giải quyết vướng mắc tại SVĐ Chi Lăng theo hướng Thành phố sẽ hoàn trả lại tiền bán đất SVĐ Chi Lăng trước đó (1.200 tỷ đồng - PV).
Cũng tại buổi làm việc với Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, đại diện chi nhánh các ngân hàng tại Đà Nẵng cũng nêu cụ thể các khoản nợ xấu phát sinh liên quan đến các dự án “dính” sai phạm đất đai khác như dự án bất động sản Đa Phước.
Đại diện Chi nhánh Vietcombank Đà Nẵng cho biết, món nợ khoảng 230 tỷ đồng chủ đầu tư dự án bất động sản Đa Phước vay của ngân hàng đang phát sinh nợ xấu, do dự án này đang vướng thanh tra sai phạm đất đai.
Đại diện chi nhánh Agribank Đà Nẵng cho biết, đang gặp khó trong việc xử lý khoản nợ xấu hơn 170 tỷ đồng phát sinh tại Nhà máy thép Dana - Ý. Hiện nhà máy thép này đang dừng hoạt động nên doanh nghiệp không có nguồn thu để trả nợ ngân hàng.
Tương tự, BIDV Hải Vân cũng kêu khó thu hồi khoản nợ 216 tỷ đồng tại hai nhà máy thép Dana - Úc và Dana - Ý.
Đại diện các chi nhánh ngân hàng đề nghị chính quyền TP Đà Nẵng sớm có hướng giải quyết các vụ việc liên quan hai nhà máy thép này, theo hướng kiến nghị của doanh nghiệp là chỉ hoạt động cán thép, không luyện thép gây ô nhiễm môi trường.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho biết định hướng Thành phố sẽ di dời hai nhà máy thép về Khu công nghiệp Hoà Khánh để tiếp tục hoạt động và cũng chỉ hoạt động cán thép. Còn hoạt động luyện thép gây ô nhiễm môi trường thì dứt khoát dừng.
Theo Dân trí
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường