Bị chỉ trích "đâm sau lưng" đồng minh, Mỹ lên tiếng xoa dịu Pháp
Mỹ, Anh, Australia công bố thỏa thuận quốc phòng lịch sử ở Thái Bình Dương |
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: Getty). |
"Chúng tôi hợp tác vô cùng chặt chẽ với Pháp về nhiều ưu tiên chung không chỉ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn xa hơn trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Chúng tôi đặt giá trị nền tảng cho mối quan hệ đó, cho quan hệ đối tác đó", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong cuộc họp báo ngày 16/9 sau cuộc gặp giữa các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Australia ở Washington.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken được cho là nhằm xoa dịu Pháp, sau khi quốc gia châu Âu phản ứng giận dữ với thỏa thuận an ninh mới của Mỹ, Anh và Australia.
Ngày 15/9, Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận hợp tác an ninh xuyên lục địa giữa 3 nước lấy tên là AUKUS. Theo thỏa thuận này, Mỹ và Anh sẽ cung cấp công nghệ và huấn luyện kỹ thuật để Australia chế tạo các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Các tàu này sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng không được trang bị vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận sẽ giúp Australia trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết Australia dự kiến đóng các tàu ngầm hạt nhân này ở thành phố Adelaide, đồng thời nhấn mạnh rằng Canberra sẽ tuân thủ mọi cam kết về không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, AUKUS cũng ảnh hưởng trực tiếp tới Pháp khi Australia sẽ hủy thỏa thuận mua các tàu ngầm của Pháp trị giá hàng tỷ USD. Australia năm 2016 đã chọn tập đoàn đóng tàu Pháp Naval thực hiện hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD thay thế cho đội tàu ngầm đã hơn 20 năm tuổi trong kho vũ khí.
Giới chức Pháp đã giận dữ chỉ trích cả Australia và Mỹ vì thỏa thuận trên.
"Đó thực sự là một cú đâm sau lưng. Chúng tôi đã thiết lập mối quan hệ tin cậy với Australia, nhưng niềm tin này đã bị phản bội. Hôm nay tôi rất tức giận và cay đắng... đây không phải là điều mà các đồng minh làm với nhau", Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu hôm 16/9.
Ngoại trưởng Le Drian cũng cho biết hành vi của chính quyền Tổng thống Joe Biden gợi nhớ đến người tiền nhiệm Donald Trump, người đã khiến châu Âu giận dữ với những quyết định không thể đoán trước.
"Quyết định đơn phương, đột ngột và không lường trước được này gợi nhắc rất nhiều đến những gì ông Trump từng làm", Ngoại trưởng Pháp nói thêm, đồng thời mô tả những gì đã xảy ra là "không thể chấp nhận được".
Nhà Trắng cho biết các quan chức Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao với Pháp trước khi công bố thỏa thuận mới với Australia, nhưng người phát ngôn của Đại sứ quán Pháp tại Washington cho biết chưa có cuộc tham vấn nào về thỏa thuận này.
"Chúng tôi không được thông báo trước khi tin tức đầu tiên về thương vụ này được đăng tải trên báo chí Mỹ và Australia, vài giờ trước khi ông Joe Biden thông báo chính thức", người phát ngôn Đại sứ quán Pháp cho biết.
Giới chuyên gia nhận định thỏa thuận AUKUS là động thái mới của Mỹ nhằm kiềm tỏa Trung Quốc trong bối cảnh Washington và các đồng minh đang tìm cách đối phó với sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Nhà Trắng đã bảo vệ quyết định của Mỹ, bác bỏ những lời chỉ trích từ cả Trung Quốc và Pháp về thỏa thuận này.
"Chúng tôi không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc", người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên hôm 16/9.
Bà Psaki nói rằng Washington sẽ để Australia giải thích lý do họ tìm kiếm công nghệ tàu ngầm hạt nhân từ Washington.
Theo Dân trí
-
Kỳ cuối: Ứng dụng thực tiễn của động cơ lượng tử
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga
-
Olympic Paris 2024: Chiến dịch marketing đột phá cho kỷ nguyên mới