Bế tắc ở dự án điện lực tỷ USD Kiên Lương: Chủ đầu tư nói gì?
TEC đã chi hàng trăm triệu USD?
Như Dân trí đã đưa tin, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1 tại tỉnh Kiên Giang do Công ty CP Năng lượng Tân Tạo - TEC (thuộc Tập đoàn Tân Tạo) làm chủ đầu tư được Chính phủ đồng ý cho đầu tư từ năm 2008, theo kế hoạch sẽ đưa vào sử dụng năm 2013. Tuy nhiên diễn biến mới nhất cho thấy, Chính phủ đang xem xét thu hồi dự án.
Trong một văn bản phúc đáp lại ý kiến của TEC mới đây, Phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết: Ngay từ cuối năm 2011, dự án đã đình trệ, chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và không thực hiện thủ tục xin gia hạn nộp theo quy định. Tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, phối hợp để giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho chủ đầu tư nhưng dự án vẫn không tiến triển thêm. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các đề xuất thu hồi dự án.
Trong khi đó, trao đổi với Dân trí, phía đại diện chủ đầu tư – ông Đỗ Tuấn Cường, Tổng giám đốc TEC vẫn khẳng định chính quyết định loại bỏ Dự án Kiên Lương 1 ra khỏi quy hoạch điện VII điều chỉnh là nguyên nhân chính dẫn đến việc Dự án không thể triển khai được.
Trong các văn bản gởi Thủ tướng và Chính Phủ trước đây cũng như các Cơ quan Bộ nghành, TEC khẳng định, tất cả những công việc nằm trong khả năng của chủ đầu tư đều đã được “cố gắng làm hết sức và đều thực hiện vượt yêu cầu”. Trong khi UBND tỉnh Kiên Giang cho biết dự án đã đình trệ nhưng theo đại diện TEC thì TEC “đã chi hàng trăm triệu USD” để thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư, làm hạ tầng kỹ thuật và trả lãi cho khoản vay đầu tư rất lớn…
Cụ thể, TEC cho biết tính đến thời điểm năm 2011, doanh nghiệp này đã nạo vét được hàng chục triệu m3 bùn, thực hiện san lấp được trên 88ha của dự án nhà máy Kiên Lương 1, trong đó bao gồm 60ha mặt bằng cho nhà máy, 10ha đường xá, hệ thống kỹ thuật, hệ thống điện, hồ chứa, nước, cống hộp, sân đậu trực thăng, công viên cây xanh và 18ha khu tái định cư, văn phòng, nhà ở chuyên gia và công nhân…
Đồng thời với việc san lấp mặt bằng, TEC cũng cho biết đã khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phụ trợ nhà máy, đã xây dựng xong tuyến đường nối hệ thống giao thông quốc gia với khu nhà máy, đã thực hiện cơ bản được tuyến đường nội bộ chính có chiều dài khoảng 5km, hệ thống cấp điện và cấp nước đã được kéo đến hàng rào nhà máy…
Không những vậy, theo chủ đầu tư, để có thể thực hiện được san lấp làm hạ tầng cho dự án điện tại khu lấn biển, họ đã thực hiện hệ thống đê bao cho toàn bộ vùng Dự án bằng cừ lá sen dài 17km.
"Chúng tôi đã phải huy động các xà lan, tàu bè chuyên trở những thiết bị hạng nặng để đóng cừ lá sen có chiều rộng 1m và chiều dài từ 28 đến 44m và nặng đến 15-25 tấn, được sản xuất theo công nghệ Nhật Bản (hiện tại công nghệ trong nước chưa làm được)", đại diện Tec cho biết
Vẫn khẳng định nguyên nhân dự án đình trệ do ...cựu Thủ tướng loại bỏ khỏi quy hoạch điện VII
Riêng về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, TEC khẳng định đến tháng 10/2011, họ đã hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng cho cả Trung tâm Điện lực Kiên Lương, tiến hành đền bù và di dời được hơn 98% số hộ dân, đóng tiền thuê đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T10-3367 cho toàn bộ khu vực Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương.
Cũng theo đại diện TEC, dự án này vốn là dự án theo hình thức BOO,và để đảm bảo hành lang pháp lý đàm phán về hợp đồng BOO - PAA,TEC đã đề nghị xin cơ chế cấp GGU cho Dự án với các điều kiện tương tự mà Chính phủ đã và đang cấp các dự án BOT điện khác của các nhà đầu tư nước ngoài như dự án Mông Dương 2 hay Phú Mỹ và Bộ ngành liên quan đã có văn bản ủng hộ việc cấp GGU cho Dự án như một mô hình thí điểm.
Ngày 2/5/2012, Bộ Công thương đã có Văn bản số 3713/BCT-TCNL trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị giải quyết các vướng mắc của Dự án và kiến nghị cho áp dụng thí điểm việc cấp bảo lãnh GGU và hợp đồng BOO cho Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1.
Đến ngày 24/10/2013, Tổng cục Năng lượng đã có băn bản đề nghị TEC có ý kiến trình Bộ Công Thương và Chính phủ về việc lựa chọn phương án đầu tư.
Theo đó, để có thể nhận được Bảo lãnh GGU và tiếp tục triển khai Dự án, TEC cần được chấp thuận chuyển dự án sang hình thức BOT. Còn nếu TEC vẫn giữ nguyên hình thức BOO thì sẽ không có bão lãnh GGU và dự án sẽ tiếp tục bế tắc.
Đến ngày 28/11/2013, TEC đã có văn bản chấp thuận theo đề xuất của Bộ Công Thương, xin Chính phủ cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư sang BOT. Sau đó, ngày 20/2/2014, Chính phủ đã văn bản số 117/VPCP-KTN chấp thuận cho Dự án được chuyển đổi sang hình thức đầu tư BOT.
Tháng 12/2015, TEC đã ký Biên bản ghi nhớ phát triển dự án (MOU) với Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Công Thương đã thống nhất ngày vận hành thương mại của dự án vào năm 2025.
Tuy nhiên theo TEC, “ngay sau khi ký MOU, trong lúc TEC đang tích cực triển khai dự án thì ngày 29/1/2016, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ý kiến rà soát và loại bỏ dự án nhiệt điện Kiên Lương 1 khỏi Quy hoạch điện VII điều chỉnh theo thông báo số 26/TP-VPVP của Văn phòng Chính phủ và ký Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016”.
Như vậy theo TEC, chính quyết định loại bỏ Dự án Kiên Lương 1 ra khỏi quy hoạch điện VII điều chỉnh là nguyên nhân chính dẫn đến việc Dự án không thể triển khai được.
Trong văn bản mới đây gửi Bộ Công Thương, lãnh đạo Tập đoàn Tân Tạo cho biết khi ngừng dự án Kiên Lương 1, doanh nghiệp đã chịu rất nhiều sức ép từ đối tác là các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, nếu bị thu hồi dự án, Tập đoàn này đề nghị được Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Kiên Giang đền bù thoả đáng cho cả tập đoàn Tân Tạo và cho các nhà đầu tư nước ngoài vì đã đầu tư rất nhiều vào dự án.
Theo Dân trí
Nhùng nhằng dự án nhiệt điện tỷ USD Kiên Lương – tỉnh vẫn quyết thu hồi | |
Phát triển dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1 | |
Vì sao siêu dự án 6,7 tỉ USD của Tập đoàn Tân Tạo bị kiến nghị thu hồi? |
-
Tập trung chỉ đạo sớm hoàn thành các dự án công nghiệp quy mô lớn
-
Tin kinh tế ngày 26/11: Khởi công dự án nhiệt điện hơn 2,5 tỉ USD
-
Cơ chế nào để tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhiệt điện của PVN?
-
Giữ niềm tin người lao động tại NMNĐ Thái Bình 2
-
Nỗi thất vọng siêu dự án 2 tỷ USD, bà Đặng Thị Hoàng Yến vẫn cố tìm về “hoàng kim”
-
Tin tức kinh tế ngày 24/11: Việt Nam tăng nhập khẩu hàng điện tử Trung Quốc
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11