Bão số 4 gây ra 28 sự cố đường dây truyền tải, làm ảnh hưởng cung cấp điện tại 9 tỉnh miền Trung
Xử lý sự cố lưới điện ở Quảng Ngãi |
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 07 giờ ngày 28/9/2022, vị trí tâm bão số 4 (NORU) đã đi vào đất liền khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14. Do ảnh hưởng bão, các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đã có gió mạnh, nhiều nơi có mưa lớn và mưa cũng tiếp tục mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ.
Do ảnh hưởng của bão, theo EVN, hệ thống lưới điện truyền tải và tình hình cung cấp điện tại khu vực miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề.
Cụ thể, tính đến 7 giờ sáng 28/9, bão số 4 đã gây ra 5 sự cố đường dây 500 kV trên một số đoạn trong khu vực từ Hà Tĩnh đến Pleiku, trong đó đã khôi phục và đưa vào vận hành trở lại 03 đường dây. Lưới điện 500 kV vẫn giữ được liên kết Bắc - Nam trong bão qua đường dây 500kV mạch 3.
Có 7 sự cố đường dây 220 kV trên một số đoạn trong khu vực từ Huế đến Quảng Nam, đã khôi phục vận hành 05 đường dây. Và có 16 sự cố đường dây 110 kV và 10 trạm biến áp 110 kV, đã khôi phục vận hành 02 đường dây 110 kV.
Đối với lưới điện trung và hạ áp, bão số 4 và hoàn lưu bão đã gây ảnh hưởng cung cấp điện cho nhiều khu vực tại các tỉnh/ thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum. Tổng công suất bị gián đoạn cung cấp điện là 673 MW, chiếm khoảng gần 23% tổng công suất tiêu thụ điện của Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC).
Hiện nay, các đơn vị Điện lực tại miền Trung đang tập trung nỗ lực khắc phục các sự cố điện do ảnh hưởng bão để khôi phục cung cấp điện trở lại nhanh nhất có thể cho khách hàng. Tuy nhiên, đối với một số khu vực có thể bị ngập lụt do mưa lớn sau bão bắt buộc phải cắt điện chủ động để đảm bảo an toàn.
Cũng theo EVN, do đã chủ động các biện pháp phòng chống bão, hệ thống đập, hồ thủy điện vẫn đang vận hành bình thường. So sánh với thời điểm trước khi bão đổ bộ vào đất liền (ngày 25/9/2022), mực nước thượng lưu của phần lớn các hồ thủy điện không thay đổi nhiều. Riêng mức nước các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn đã tăng mạnh: hồ A Vương tăng 9.7m, hồ Sông Bung 2 tăng 9.3m, hồ Sông Tranh 2 tăng 5.3m.
Dung tích phòng lũ còn lại tại các hồ chứa thủy điện trong vùng bị ảnh hưởng là gần 1,8 tỷ m3. Các hồ chứa đang điều tiết xả tràn: Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Buôn Kuốp, Srêpôk 3, An Khê, Ka Nak, Sê San 4, A Lưới.
“Tình hình mưa sau bão được dự báo còn diễn biến phức tạp và mở rộng nên lưu lượng nước về và mức nước các hồ vẫn tiếp tục được theo dõi chặt chẽ”, EVN cho biết.
Hải Anh
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành
-
Nhiều bài học kinh nghiệm quý sau thành công của Dự án đường dây 500kV mạch 3
-
Giá điện có thể được điều chỉnh tăng gần 10%
-
PC Long An: Hơn 5 giờ khắc phục sự cố điện do thiết bị Drone gây ra
-
LPG Expo Châu Á - Thái Bình Dương 2024: Cơ hội hợp tác toàn cầu trong ngành công nghiệp LPG
-
IEA: Trung Quốc đang dẫn đầu “kỷ nguyên điện”
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Đức nỗ lực củng cố ngành công nghiệp điện gió