Bảo hiểm xã hội đứng trước nguy cơ "cháy" quỹ vì... nợ
Khó khăn trong nguồn thu, BHXH đứng trước nguy cơ cháy quỹ
Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP HCM cho biết, kết thúc quý I/2013, trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 10.000 doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH từ ba tháng trở lên, gây khó khăn cho việc giải quyết chế độ cho hàng trăm ngàn lao động. Theo cơ quan này, tình hình kinh tế khó khăn chưa có dấu hiệu khởi sắc vẫn là lý do khiến các doanh nghiệp không thể hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với người lao động.
Tuy nhiên bên cạnh những doanh nghiệp có lý do chính đáng thì một bộ phận không nhỏ đơn vị có điều kiện vẫn không chịu đóng BHXH đúng hạn. Nhiều ý kiến cho rằng, có hiện tượng này là do chế tài đối với hành vi này hiện chưa đủ sức răn đe.
Tại TP HCM, trung bình mỗi tháng trên địa bàn có khoảng 40.000 lao động thôi việc, trong đó số thất nghiệp khá nhiều vì kinh tế khó khăn. Tuy nhiên do doanh nghiệp nợ đóng BHXH nên người lao động đã mất việc lại không được hưởng bất cứ quyền lợi gì.
Theo ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc BHCH TP HCM: “Hiện nay chậm đóng BHXH chỉ phải đóng thêm một khoản tiền lãi chậm đóng bằng lãi suất khoảng 10%/năm. Vì thế doanh nghiệp chọn phương án nợ BHXH để lấy tiền đó đầu tư mà không phải đi vay ngân hàng. Còn trường hợp nếu vi phạm nặng thì cũng chỉ bị xử phạt đến 30 triệu đồng trong khi con số vi phạm lên tới hàng tỷ, chục tỷ đồng”.
Xét về khía cạnh quản lý, BHXH là ngành dọc, có chức năng chăm lo cho quyền lợi của người lao động tại địa phương, nhưng lại không có sự phối hợp và hỗ trợ tích cực của các địa phương. Chưa kể đội ngũ cán bộ ít, khó có thể đảm đương được tất cả mọi việc. Vì vậy, việc ngăn chặn ngay từ đầu, có chế tài thật nghiêm để các doanh nghiệp tự giác đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mới là biện pháp bền vững và lâu dài.
Thống kê mới nhất từ Bộ LĐTB&XH, qua 6 năm thực hiện BHXH, cơ quan chức năng vẫn chưa quản lý được số đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi đó, số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ đạt 0,22% số đối tượng thuộc diện này. Với tình hình này, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần. Điển hình như đến năm 2023, quỹ hưu trí thu chỉ đủ chi và đến năm 2029 sẽ hoàn toàn cạn kiệt, mất khả năng chi trả.
Trước nguy cơ “cháy quỹ” BHXH, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có các giải pháp đồng bộ như: cần tăng dần độ tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi và thắt chặt các quy định về nghỉ hưu sớm, điều chỉnh tỷ suất tích lũy hàng năm thống nhất là 1,5% hoặc 2%, điều chỉnh lương hưu theo mức tăng lương…
Về vấn đề này, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, hiện tại các doanh nghiệp chỉ đóng BHXH cho người lao động thấp hơn mức lương thực trả. Vì vậy, sau 20 năm làm việc lương hưu của họ vẫn thấp hơn lương tối thiểu. Lúc đó, Nhà nước phải tiếp tục có chính sách chăm lo cho nhóm đối tượng này là điều khó tránh khỏi.
“Đã đến lúc cần có những chế tài đủ mạnh để xử lý các doanh nghiệp vi phạm, đồng thời răn đe và ngăn chặn những đơn vị có ý định tương tự”- ông Chính nhấn mạnh.
Thùy Trang
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn