Bao giờ Hà Nội hết... lụt?
Ảnh minh họa |
Tình trạng ngập lụt cục bộ ở Hà Nội kéo dài trong nhiều năm nay vẫn chưa chấm dứt. Vẫn biết chính quyền Thủ đô và các ngành chức năng đã có nhiều cố gắng tìm giải pháp khắc phục, nhưng dường như đó mới chỉ là tìm cách xử lý phần ngọn. Cái gốc thì vẫn còn chờ đấy. Câu hỏi “bao giờ” hết lụt vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng. Một kiến trúc sư khá nổi tiếng nói với chúng tôi rằng, biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, không chỉ có khu vực đồng bằng Nam bộ mới phải “sống chung với lũ” mà Hà Nội và nhiều địa phương ở miền Bắc cũng không thể chủ quan với giặc thủy.
Cho đến ngày 30/7, sau gần một tuần, nhiều khu vực thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất vẫn chưa thoát cảnh ngập lụt. Khoảng 800 hộ dân, hàng nghìn nhân khẩu vẫn chưa thể ra khỏi nhà.
Trận lụt này cách trận lụt lần trước sáu năm. Nó xảy ra do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, gây mưa lớn liên tục, lượng mưa phổ biến từ 50 đến 160 mm. Ngoài ra cư dân nơi đây còn bị đe dọa bởi nguồn nước lớn từ hồ thuỷ điện ở thượng nguồn xả lũ về. Do mực nước sông Đáy dâng cao khiến sông nhánh của sông Đáy là sông Bùi thoát chậm. Những ngày qua, Trạm thủy văn Yên Duyệt, Chương Mỹ, nước luôn vượt báo động 3, mỗi ngày nước rút chừng 10 đến 15 cm, nghĩa là nếu trời tiếp tục mưa thì trận lụt cục bộ này còn kéo dài hàng tháng trời.
Sông Bùi có chiều dài 91 km, diện tích lưu vực 1.249 km², đổ ra Sông Đáy. Sông có chiều dài 91 km và diện tích lưu vực là 1.249 km², bắt nguồn từ xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình, chảy qua Hà Nội. Sông Bùi đổ vào sông Đáy tại Ba Thá, xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ngã ba sông đó là ranh giới của ba huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ứng Hòa. Trong ba huyện này, Chương Mỹ thiệt hại nặng nề nhất.
Những con số thiệt hại đã được thống kê: Hàng nghìn mét kênh mương bị phá hủy; hơn 5.000 mét đê và hàng chục nghìn tuyến đường giao thông nội đồng bị ngập sâu. Đáng chú ý, có 24 thôn xóm bị dìm trong lũ, trở thành những “ốc đảo”. Thật khó hình dung cảnh “màn trời chiếu nước” xảy ra giữa thủ đô của chúng ta! Đương nhiên thiệt hại về kinh tế là rất đáng lo ngại. Nhiều diện tích lúa mùa, thủy sản, gia súc, gia cầm mất trắng.
Theo cảnh báo của cơ quan chức năng, ngập lụt ở các vùng trũng thấp, ven sông sẽ còn tiếp diễn, nhất là nhiều khu vực thuộc huyện Chương Mỹ.
Đấy là cảnh lụt ở các huyện ven đô. Còn tình trạng phố hóa thành sông thì vẫn đang là một nỗi lo trong những ngày cuối hạ, đầu thu, mưa nhiều, mưa lớn và bất chợt. Một báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố vẫn còn 30 điểm úng ngập - 30 điểm đen từng gây biết bao khó khăn, nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nếu lượng mưa cao hơn 50mm/giờ thì các điểm úng ngập cục bộ xuất hiện. Và khi lượng mưa lên tới 100mm/giờ trở lên thì hệ thống thoát nước sẽ quá tải.
Các nhà quản lý, các nhà chuyên môn đã cày đi xới lại nhiều lần, nguyên nhân do đâu, khắc phục như thế nào? Tiền đổ vào cũng không ít. Chẳng hạn việc đầu tư cho các dự án thoát nước khu vực nội thành, tổng mức đầu tư lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. Riêng Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông được đầu tư 7.400 tỷ đồng để chống ngập cho phía tây. Vậy hiệu quả đầu tư thế nào là vấn đề cần phải xem xét, không thể cứ tiếp tục như thế, gây lãng phí rất lớn nguồn ngân sách.
Có một nguyên nhân ai cũng thấy là thành phố đang quá tải. Hạ tầng giao thông, thoát nước không theo kịp sự phát triển của đô thị. Việc xây dựng các khu đô thị mới ngoài việc giải quyết chỗ ở còn có mục đích là để thoát nước mặt của nội thành. Thế nhưng khi xây dựng, tỉ lệ che phủ mặt đất quá lớn, trong khi đó lại chưa kết nối với hệ thống thoát nước của toàn thành phố, cũng như chưa kết nối với hệ thống thoát nước cả vùng. Vậy là không chỉ gây úng ngập cục bộ mà còn làm trầm trọng thêm khu vực nội đô.
Rồi tình trạng xả rác bừa bãi diễn ra khắp nơi. Không ít dòng kênh, dòng sông đang bị biến thành bãi rác, hóa thành những con sông chết. Đã có nhiều chiến dịch, đã có nhiều chương trình, kế hoạch nạo vét, đã có những đội nhóm thanh niên tình nguyện làm sạch lòng sông... nhưng vẫn chỉ là giải pháp tình thế.
Sẽ không bao giờ hết những “trận mưa lịch sử”, những “trận mưa ngoài sức tưởng tượng”. Sẽ không có chuyện dân số Hà Nội giảm xuống dưới 8 triệu dân. Sẽ không thể cứ giao khoán mãi cho “ông thoát nước”. Không sức nào, nguồn nhân lực nào đủ sức chống tả “ông trời”. Nhưng lại không thể khoanh tay ngồi nhìn chấp nhận cảnh cứ mưa là lụt.
Từ chuyện ngập lụt ở Chương Mỹ, Quốc Oai, người dân mong chờ những quyết sách mới của chính quyền Hà Nội. Đó là những giải pháp vừa căn cơ, lâu dài, vừa ứng phó nhanh và hiệu quả. Có như vậy mới xóa đi câu hát buồn: “Hà Nội mùa này phố cũng như sông” (!).
Hải Đường