Bản tin trưa 28/12: Chứng khoán rung lắc mạnh ở vùng 1.000 điểm
VN-Index tạm đóng cửa phiên sáng 28/12 tăng 2,21 điểm tương ứng 0,22% lên 1.006,78 điểm trong khi VN30-Index giảm 2,25 điểm tương ứng 0,22% còn 1.005,11 điểm. HNX-Index tăng 0,23 điểm tương ứng 0,11% lên 203,37 điểm; UPCoM-Index giảm 0,21 điểm tương ứng 0,3% còn 70,31 điểm.
Tình trạng giằng co thể hiện rõ nét qua độ rộng cân bằng trên toàn thị trường chung. Trong khi phía giảm có 312 mã, có 15 mã giảm sàn thì chiều ngược lại, có 357 mã tăng và 30 mã tăng trần.
Thanh khoản thấp với khối lượng giao dịch trên sàn HoSE chỉ đạt 192,68 triệu cổ phiếu tương ứng 3.100,57 tỷ đồng; HNX có hơn 19 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 263 tỷ đồng và UPCoM có 6,73 triệu cổ phiếu tương ứng 83,4 tỷ đồng.
Cổ phiếu IBC đang trong trạng thái rơi tự do (Ảnh chụp màn hình). |
Cổ phiếu IBC của Apax Holdings vẫn chưa có dấu hiệu ngưng chuỗi giảm sàn. Ở phiên sáng nay, mã này tiếp tục bị "khóa sàn", khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 437.000 cổ phiếu trong khi dư bán sàn còn hơn 11 triệu đơn vị. Khả năng đây sẽ là phiên giảm sàn thứ 25 liên tiếp của IBC. Hiện tại, thị giá của mã cổ phiếu này chỉ còn 2.420 đồng/cổ phiếu.
Tình trạng giảm sàn liên tiếp của IBC được phía Apax Holdings lý giải do nhà đầu tư cổ phiếu IBC có vay ký quỹ/thế chấp bị bán chủ động/bán giải chấp từ các công ty chứng khoán để nhanh chóng thu hồi vốn và hiện tượng này vẫn tiếp tục.
Trong số cổ phiếu bị bán giải chấp có cổ phiếu thuộc sở hữu của ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Apax Holdings. Mới đây Công ty Chứng khoán Bảo Việt phải bán giải chấp 113.800 cổ phiếu IBC trên tổng số đăng ký bán là 1,56 triệu cổ phiếu IBC do ông Thủy nắm giữ, mỗi phiên chỉ bán được một lượng cổ phiếu khiêm tốn.
Cùng với đó, cổ phiếu IBC do Công ty mẹ của Apax Holdings là Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup nắm giữ, tài khoản mở tại Mirae Asset (Việt Nam) và Bảo Việt cũng bị bán giải chấp. Hoạt động bán giải chấp không thuận lợi do cầu yếu, thanh khoản thấp nên ngay cả khi bán giá sàn (giá thấp nhất phiên) thì cũng không có người mua.
Trở lại với diễn biến thị trường chung, cổ phiếu ngân hàng phân hóa với diễn biến tăng giá tích cực tại EIB (tăng 3%); VCB (tăng 3%); LPB tăng 1,2% còn OCB lại giảm 2,1%; STB giảm 1,6%; TCB giảm 1,1%; SHB, VPB, VIB đều giảm giá.
Tại nhóm dịch vụ tài chính, trong khi APG tăng 4,1%; CTS tăng 2,2%; VDS tăng 2,1%; HCM tăng 1,9%; VCI tăng 1,3% thì TVB lại giảm 2,1%; ORS giảm 1,7%; VIX giảm 1,6%.
Diễn biến tương tự cũng xảy ra tại cổ phiếu bất động sản. Tại nhóm tăng giá ghi nhận diễn biến tăng trần tại DRH, VRC, PDR; VPH tăng 6,4%; KBC tăng 5,4%; TLD tăng 5,2%; KDH tăng 4,4%. Ngược lại, LEC giảm 4%; CKG giảm 2,8%; HTN giảm 2,3%; CRE giảm 2,1%; NLG giảm 2%; NVL giảm 1,7%.
Dòng tài nguyên cơ bản, HPG giảm giá và ngược chiều với TLH, HSG. Ở dòng xây dựng và vật liệu, các cổ phiếu MCG, TTB tăng trần, FCM, HT1, PHC, CII tăng giá trái ngược với VGC, TTA, VCG giảm khá sâu.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên