Bản tin Năng lượng xanh: Thủ tướng Nhật Bản Kishida tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng về việc tái khởi động nhà máy hạt nhân của Tepco
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng về việc tái khởi động nhà máy hạt nhân của Tepco
Tháng 12/2023, Cơ quan quản lý hạt nhân quốc gia đã dỡ bỏ lệnh cấm vận hành được áp dụng vào năm 2021 đối với nhà máy Kashiwazaki-Kariwa ở miền Bắc Nhật Bản, cho phép Tepco nỗ lực xin phép địa phương khởi động lại.
Tepco rất mong muốn đưa nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới trở lại hoạt động để cắt giảm chi phí vận hành, nhưng vẫn cần có sự đồng ý của địa phương.
Theo một quan chức Chính phủ, Thủ tướng Kishida đã phát biểu tại Hội nghị triển khai Chuyển đổi xanh rằng nhà điều hành và Chính phủ phải hợp tác để giành được sự ủng hộ của cộng đồng địa phương cho việc tái khởi động nhà máy.
Theo Đài Truyền hình NHK, Thủ tướng Kishida cho biết: "Tôi sẽ nỗ lực hết sức trong nhiệm kỳ còn lại của mình (trong tháng 9) để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, trong đó có cả việc chuẩn bị khởi động lại lò phản ứng hạt nhân ở miền Đông Nhật Bản".
Hiếm khi có cuộc họp cấp Bộ trưởng tập trung vào một nhà máy điện cụ thể.
Nhà máy Kashiwazaki-Kariwa ở tỉnh Niigata đã ngừng hoạt động kể từ năm 2012, sau thảm họa Fukushima Daiichi năm 2011, dẫn đến việc đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản vào thời điểm đó.
Mặc dù Tepco đã nhận được sự chấp thuận ban đầu của cơ quan quản lý vào năm 2017 để khởi động lại hai lò phản ứng của nhà máy, nhưng công ty vẫn chưa nhận được sự đồng ý của địa phương.
Tepco cần sự đồng ý của Thống đốc tỉnh Niigata để tiếp tục hoạt động. Vào tháng 3/2024, Thống đốc tỉnh cho biết cần có thêm các cuộc đàm phán về khả năng khởi động lại nhà máy.
Nhật Bản chỉ có thể khởi động lại 12 lò phản ứng kể từ năm 2011, trong khi nhiều nhà điều hành vẫn đang trong quá trình xin cấp phép lại để tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt hơn được áp dụng sau thảm họa Fukushima năm 2011.
Nhật Bản thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của châu Á với việc ký 70 Biên bản ghi nhớ (MOU) mới
Thứ Tư tuần trước (21/8), Nhật Bản đã có bước tiến đáng kể trong quá trình chuyển đổi năng lượng khi ký 70 Biên bản ghi nhớ (MOU) với nhiều đối tác khác nhau. Các thỏa thuận này đã được bảo đảm trong cuộc họp cấp Bộ trưởng Cộng đồng Không phát thải châu Á (AZEC) tại Jakarta, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Nhật Bản trong quá trình phi carbon hóa châu Á.
Trong Lễ khai mạc cuộc họp AZEC, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Đầu tư Nhật Bản (METI) Ken Saito cho biết, 70 Biên bản ghi nhớ mới sẽ được công bố. Đối với 14 dự án, METI đã cung cấp 1 tỷ USD hỗ trợ tài chính. Khoản tài trợ này đánh dấu một bước quan trọng hướng tới việc tạo ra một thị trường nhiên liệu bền vững trong lĩnh vực giao thông vận tải của châu Á, một ưu tiên cho các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của AZEC.
Được Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đề xuất vào năm 2022 và ra mắt vào năm 2023, AZEC tập hợp 11 quốc gia đối tác, bao gồm Indonesia, Úc, Việt Nam và Thái Lan, để chia sẻ tầm nhìn chung về việc thúc đẩy quá trình phi carbon hóa và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng trên toàn khu vực.
Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia, Airlangga Hartarto, nhấn mạnh nhu cầu hợp tác để nâng cao lưới điện khu vực, đầu tư vào các nguồn năng lượng mới như hydro và amoniac, và thúc đẩy các loại xe thế hệ tiếp theo và nhiên liệu bền vững.
Một thỏa thuận đáng chú ý trong số 70 thỏa thuận đã ký là MOU giữa Toyota Tsusho và Công ty năng lượng Nhà nước của Indonesia Pertamina. Biên bản ghi nhớ này tập trung vào phát triển nhiên liệu sinh học và hydro xanh, phù hợp với các mục tiêu rộng hơn của AZEC nhằm thúc đẩy các sáng kiến năng lượng bền vững.
Danh sách đầy đủ các Biên bản ghi nhớ đã ký vẫn chưa được công bố, nhưng sự hợp tác giữa Nhật Bản và các đối tác của nước này báo hiệu một động lực đáng kể hướng tới tương lai phi carbon của châu Á.
Sunly huy động 300 triệu euro cho các dự án năng lượng tái tạo ở khu vực Baltic và Ba Lan
Hôm thứ Hai (26/8), Công ty năng lượng tái tạo của Estonia, Sunly cho biết đã huy động được 300 triệu USD tiền tài trợ nợ để đẩy nhanh việc xây dựng 1,3 Gigawatt công suất điện gió, điện mặt trời và lưu trữ tại ba nước Baltic và Ba Lan.
Công ty cho biết, khoản tài trợ do Quỹ Rivage Investment và Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) cung cấp, cũng như Kommunal Landspensjonskasse của Na Uy, nâng tổng số vốn huy động được lên tới 765 triệu euro.
Sunly đặt mục tiêu tạo ra các cơ sở kết hợp giữa điện gió, điện mặt trời và lưu trữ năng lượng, đồng thời cung cấp kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Điều này sẽ cải thiện tính ổn định của nguồn cung cho các khách hàng công nghiệp và tăng cường an ninh năng lượng.
Sunly báo cáo rằng các dự án đầu tiên nhận được tài trợ là trang trại năng lượng mặt trời Risti, có công suất 244 megawatt (MW), tại Estonia và bốn dự án ở Latvia với tổng công suất 553 MW.
Riêng hôm thứ Hai (26/8), Quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy đã thông báo rằng họ sẽ đóng góp 900 triệu euro (1,01 tỷ USD) vào các quỹ năng lượng tái tạo mới nhất của CIP.
Thanh Bình
Reuters
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
Đầu tư hydro phát thải thấp: Thách thức cũng là cơ hội cho doanh nghiệp
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Bản tin Năng lượng xanh: Lộ trình của Châu Phi hướng tới một hệ thống năng lượng lớn hơn và xanh hơn
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
-
Emirates sử dụng 37% năng lượng sạch để vận hành trung tâm kỹ thuật
-
Tạo cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi
-
Bản tin Năng lượng xanh: EU thay đổi quy tắc đấu giá dự án hydrogen để hạn chế sự hiện diện của công ty Trung Quốc
-
Bản tin Năng lượng xanh: Báo cáo của IRENA cho thấy tăng trưởng kỷ lục của năng lượng tái tạo thúc đẩy sự cạnh tranh về chi phí